Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sớm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các sandbox
Nguyễn Lê - 23/05/2023 11:29
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình năm 2024 với 18 luật được thông qua và 11 dự án luật cho ý kiến.
.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. 

Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023.

Điều chỉnh quá nhiều

Trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình năm 2024 với 18 luật được thông qua và cho ý kiến vào 11 dự án luật.

Cụ thể, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 08 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp,  Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,  Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Hai dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ tám đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi),  Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất.

Hai dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình còn lớn. Năm 2023, Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét 15 dự án, gồm thông qua 12 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 2 dự án luật.

Đến nay, các cơ quan lại trình Quốc hội bổ sung 16 dự án, dự thảo vào Chương trình năm 2023.

“Như vậy, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số dự án đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, có 6/28 dự án, dự thảo đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 và 2024 không có trong Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021của Ủy ban Thường vụ Quôc hội”, đại biểu Nghĩa chỉ rõ.

Kiểm soát rủi ro trong quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo

Góp ý về hoàn thiện thể chế trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Nghĩa nhận định bên cạnh những cơ hội chưa từng có, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo (AI) tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, có ảnh hưởng về nhiều mặt đến đời sống xã hội, có thể gây ra những hậu quả khó lường và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người.

Theo đại biểu Nghĩa, trên thế giới, mặc dù chưa ban hành được khuôn phổ pháp lý chung toàn cầu, nhưng một số khu vực và nhiều quốc gia đã thông qua quy định để tạo hành lang pháp lý nhằm đưa sự phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi đúng hướng, vừa phát huy sự sáng tạo, vừa phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế rủi ro do cuộc cách mạng này gây ra.

Trong khu vực tư, nhận thức được rủi ro hiện hữu về việc trí tuệ nhân tạo sẽ vượt tầm kiểm soát, từ ngày 22/3/2023, nhiều cá nhân thế giới đã tham gia Thư ngỏ kêu gọi tạm ngừng phát triển trong 6 tháng bất kỳ hệ thống AI nào mạnh hơn Hệ thống GPT- 4. Một trong những mục tiêu của việc tạm dừng này, là để, các nhà phát triển AI cùng với các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng thiết lập hệ thống quản trị AI hiệu quả.

Đến 23 giờ ngày 22/5/2023 đã có 27.565 chữ ký, trong đó có những nhận vật có kiến thức chuyên sâu và có ảnh hưởng toàn cầu về lĩnh vực này tham gia, ông Nghĩa thông tin.

Ở Việt Nam, ông Nghĩa nói ngay từ năm 2019, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo xây dựng Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính nhưng đến nay cơ chế này vẫn chưa được ban hành.

Do đó, để tạo cơ sở pháp lý cho cách mang công nghiệp lần thứ tư, đại biểu Nghĩa đề Quốc hội xem xét sớm đưa vào Chương trình để ban hành luật hoặc nghị quyết quy định những vấn đề nguyên tắc về cơ chế pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các sandbox trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.

Cạnh đó là quy định về trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng nhằm tối đa lợi ích đem lại và kiểm soát rủi ro trong quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo; quy định về địa vị pháp lý; quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng các thiết bị thông minh như robốt, xe tự hành, thiết bị bay không người lái… ông Nghĩa đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội: Chấn chỉnh ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trong thực thi công vụ
Quốc hội khoá XV khai mạc Kỳ họp thứ 5, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư