Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Sơn Kim Retail tạo bệ phóng cho chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25
Anh Hoa - 21/06/2023 08:15
 
Việc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) bơm thêm 20 triệu USD sẽ giúp Sơn Kim Retail đạt được tham vọng với chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25.
Tại Việt Nam, thị trường cửa hàng tiện lợi rất béo bở, nên nhiều thương hiệu cùng nhảy vào
Tại Việt Nam, thị trường cửa hàng tiện lợi rất béo bở, nên nhiều thương hiệu cùng nhảy vào.

Bứt phá

Sơn Kim Retail và nhà đầu tư tài chính IFC thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chốt xong thương vụ đầu tư trị giá 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) nhằm mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam. Thông tin này được tiết lộ từ cuối năm 2022, khi IFC được mời đầu tư với số vốn nêu trên để đổi lấy vốn cổ phần của GS25 Việt Nam. Khoản đầu tư này dùng để mở rộng mạng lưới điểm bán của chuỗi trong giai đoạn 2022 - 2025.

Thực tế, đây là chào mời đầu tư dưới hình thức trộn giữa nợ và vốn chủ sở hữu. Hay nói cách khác, hình thức này có thể được gọi là nợ mạo hiểm (ventures debt), không có rủi ro pha loãng vốn chủ sở hữu, tức là chủ sở hữu hiện tại không mất bất kỳ phần sở hữu công ty nào. Vốn sẽ được hoàn trả dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh.

Năm 2017, Sơn Kim Retail đã ký kết hợp tác với chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc. Công ty TNHH GS25 Việt Nam là công ty con của CVS Holdings (nắm giữ thông qua Công ty TNHH liên doanh GS Retail Việt Nam), trong đó phía GS Retail nắm giữ 30% cổ phần, Sơn Kim Retail nắm 70%.

Hiện Việt Nam có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, với các tên tuổi như Cirkle K (Mỹ), GS25 (liên doanh Hàn Quốc - Việt Nam), Family Mart (Nhật Bản - Thái Lan), Ministop và 7-Eleven (Nhật Bản).

Nguồn: Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me

Theo thỏa thuận, GS Retail sẽ cung cấp cho liên doanh các quyền sử dụng nhãn hiệu, các kinh nghiệm quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đổi lại, liên doanh GS-Sơn Kim sẽ trả tiền bản quyền và lợi tức bán lẻ cho GS Retail phần lợi tức tương ứng với số cổ phần 30%.

Việc được IFC đầu tư thêm vốn được xem là một trong những động thái quan trọng trong kế hoạch thu hút thêm nhiều khoản đầu tư lớn vào Sơn Kim Retail trong thời gian tới, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển bứt phá của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam nói chung và Sơn Kim Retail nói riêng. Sơn Kim Retail cũng hợp tác với GS Home Shopping trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012. GS Home Shopping và GS Retail đều cùng thuộc hệ thống GS Grou.

Mang GS25 về Việt Nam là cơ hội và cũng là thử thách đối với Sơn Kim Retail. Tuy nhiên, với kinh nghiệm mấy chục năm trong ngành bất động sản, bán lẻ kết hợp với đối tác lớn và mạnh như GS Retail, lãnh đạo Sơn Kim tin sẽ thành công và sớm mang đến cho GS25 vị trí dẫn đầu mô hình cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Và mục tiêu dài hơi của Sơn Kim Retail là trở thành doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống lớn nhất Việt Nam.

Sơn Kim Retail tạo bệ phóng cho GS25
Sơn Kim Retail tạo bệ phóng cho GS25.

Cửa hàng tiện lợi sẽ hưởng lợi

Năm 2019, thời điểm nhà bán lẻ Auchan (Pháp) “tháo chạy” khỏi thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Sơn Kim Land và Retail từng cho rằng, sự việc diễn ra đúng xu hướng. Không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, siêu thị đang thoái trào để nhường chỗ cho bán hàng online và cửa hàng tiện lợi. Tại Việt Nam, thị trường cửa hàng tiện lợi rất béo bở, nên nhiều thương hiệu cùng nhảy vào. Còn việc thỉnh thoảng có ai đó phải rời cuộc chơi như Shop&Go thì do họ đã bị đuối.

Ông Tuấn cho rằng, lợi thế cạnh tranh chính là quy mô đầu tư, mỗi tên tuổi phải có vốn lớn để triển khai mở rộng thật nhanh thì mới có cơ may chiến thắng. Trước khi vào cuộc chơi, Sơn Kim Retail đã chuẩn bị kỹ nguồn vốn, thương hiệu.

Thời điểm đó, ông Tuấn khẳng định, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 vẫn phát triển tốt, nhanh và mạnh. Thậm chí, Sơn Kim, thông qua GS25, còn cung cấp ngược lại cho các cửa hàng tiện lợi của thương hiệu này tại Hàn Quốc những thực phẩm khô của Việt Nam như bún, miến và trái cây tươi nhiệt đới.

Ông Tuấn tiết lộ, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc sẽ đầu tư khoảng 100 triệu USD vào việc phát triển chuỗi cung ứng cho ngành bán lẻ trải dài khắp Việt Nam, như xây dựng kho bãi, hệ thống giao thông, đội vận tải, nhà máy… Sau khi có chuỗi cung ứng, họ sẽ dễ dàng và thuận tiện trong việc cung cấp những thức ăn tươi - chỉ có thời gian sử dụng trong 16 - 24 tiếng trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, CVS Holdings (công ty nắm 70% vốn của GS Retail Việt Nam vận hành chuỗi cửa hàng GS25) có tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa. Cụ thể, năm 2022, CVS Holdings lỗ sau thuế 167 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 153,5 tỷ đồng. Theo báo cáo riêng lẻ, Công ty lỗ sau thuế 65 tỷ đồng, năm liền trước lỗ gần 128 tỷ đồng. Do lỗ, vốn chủ sở hữu đã giảm hơn 41%, từ 326 tỷ đồng còn 191,5 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng mạnh, từ 0,42 lên 2,13 khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Sau hơn 5 năm có mặt tại Việt Nam, GS25 có hơn 200 cửa hàng, chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chưa có tại Hà Nội, nhưng GS25 trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi có số lượng cửa hàng đứng thứ hai tại Việt Nam.

Có thể nói, số lượng cửa hàng của GS25 tăng nhanh chóng trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. GS25 nhanh chóng nắm bắt những cơ hội trong thời gian khó khăn này, khi có các điều chỉnh, thay đổi để vừa duy trì hệ thống cửa hàng hiện tại, tăng tốc mở mới thêm số lượng lớn các cửa hàng để kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn khủng hoảng.

GS25 triển khai mô hình nhượng quyền từ tháng 11/2019 theo 3 hình thức: người nhượng quyền đầu tư mở một cửa hàng riêng lẻ; người nhượng quyền đầu tư mở chuỗi cửa hàng; người nhượng quyền cùng đầu tư với GS25 Việt Nam. Tuy nhiên, cuối năm 2021, GS25 khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển mở rộng trên khắp Việt Nam.

Mục tiêu ban đầu là đạt 300 cửa hàng tiện lợi đến cuối năm 2022 và nâng lên con số hàng ngàn điểm vào năm 2029. Tại thị trường Hàn Quốc, GS Retail vận hành hơn 16.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu GS25, trở thành nhà điều hành cửa hàng tiện lợi lớn nhất trên thị trường.

Thời điểm đó, độ phủ của hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực, ở mức 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...

Trong khi đó, mức tăng trưởng dân số Việt Nam thuộc top khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ cao, nên các nhu cầu tiêu dùng tiện lợi là rất lớn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các cửa hàng truyền thống sẽ phải được sớm thay thế hoặc nâng cấp để theo kịp xu hướng và nhu cầu người tiêu dùng.

Theo Bộ Công thương, trung bình 1.000 người cần 1-3 cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, một số khảo sát cho thấy, chỉ có 7.012 cửa hàng bán lẻ thuộc kênh bán lẻ hiện đại, trong đó có 4.541 minimart và cửa hàng thực phẩm

GS25 hướng đến nhóm khách hàng trẻ, những người bận rộn với công việc và cần những dịch vụ nhanh gọn, chuẩn mực và tiện lợi. Đại diện GS25 chia sẻ, cửa hàng tiện lợi không chỉ là nơi để bán sản phẩm tươi ngon và an toàn, mà còn được xem là nơi có thể dẫn dắt xu hướng ẩm thực và quảng bá nhiều hình ảnh văn hoá. Những sản phẩm nhãn hàng riêng You Us là sản phẩm thực phẩm tươi mà giới trẻ như sinh viên, nhân viên văn phòng ưa thích sẽ là điểm cạnh tranh của GS25. Đặc biệt, các loại bia thủ công nổi tiếng của Hàn Quốc được bán độc quyền tại đây.

GS Retail cũng đầu tư một nhà máy sản xuất thực phẩm đặt tại Long An, đây sẽ là nơi cung cấp thực phẩm tươi ngon cho chuỗi cửa hàng. GS25 đang kêu gọi các nhà đầu tư của Hàn Quốc vào đầu tư tại Việt Nam để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Trong tương lai, GS Retail có kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm từ Việt Nam đi Hàn Quốc bên cạnh việc nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước này vào.

Với dân số tương đối trẻ, các chuỗi cửa hàng của Hàn Quốc đang coi Đông Nam Á là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho thị trường nội địa vốn đã bão hòa của họ. GS25 vẫn đầu tư mạnh mẽ ở Việt Nam, với kỳ vọng, dù cửa hàng tiện lợi chưa phải là kênh bán lẻ tiêu biểu, nhưng trong tương lai, khi nền kinh tế phát triển và mức thu nhập tăng lên, thì các cửa hàng tiện lợi sẽ hưởng lợi đáng kể.

Trước mắt, những mục tiêu và con số của tương lai thì bất cứ nhà bán lẻ nào cũng đặt ra. Điều quan trọng nhất trong triển khai kinh doanh cửa hàng tiện lợi chính là mang lại thu nhập ổn định cho chủ kinh doanh nhượng quyền. Sẽ có những khó khăn nhất định cho các tên tuổi tham gia thị trường, nhất là doanh nghiệp ngoại. Do đó, GS25 sẽ liên tục xây dựng những cửa hàng có lợi nhuận và chuyển giao lại cho những người chủ kinh doanh nhượng quyền.

“Ưu điểm lớn nhất của GS25 là thực phẩm an toàn và dịch vụ thân thiện. Cửa hàng tiện lợi không chỉ là nơi để bán sản phẩm tươi ngon và an toàn, mà còn được xem là nơi có thể dẫn dắt xu hướng ẩm thực và quảng bá nhiều hình ảnh văn hoá”, đại diện GS25 khẳng định.

GS25 chính thức nhượng quyền, hiện thực tham vọng mở 2.500 cửa hàng tại Việt Nam
3 hình thức nhượng quyền mà GS25 áp dụng: Người nhượng quyền đầu tư mở một cửa hàng riêng lẻ; Người nhượng quyền đầu tư mở chuỗi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư