Thứ Sáu, Ngày 18 tháng 07 năm 2025,
Sống xanh đang trở thành lựa chọn tự nhiên của người trẻ Hà Nội
D.Ngân - 18/07/2025 16:23
 
Mỗi năm, người Việt sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, tương đương khoảng 4 túi mỗi ngày cho mỗi gia đình, theo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.

Cùng lúc, số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn trôi ra biển. Điều đáng lo ngại là chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế hoặc tái sử dụng.

Giữa những con số báo động, người trẻ Hà Nội đang từng bước tạo nên thay đổi bằng hành động nhỏ nhưng bền vững. Phong trào sống xanh, sống thân thiện với môi trường đang lan tỏa trong giới trẻ, không phải vì trào lưu nhất thời, mà bởi nhận thức sâu sắc rằng mỗi lựa chọn hằng ngày đều có ảnh hưởng lâu dài đến hành tinh.

Tại Hà Nội, túi vải, ống hút bã mía, cốc cá nhân và hộp thủy tinh đang dần thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống hằng ngày.

Trên phố Phạm Ngọc Thạch, chuỗi cửa hàng TokyoLife đã từ lâu nói không với túi nilon, thay vào đó cung cấp túi vải với giá hợp lý, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều lần.

Theo lời một nhân viên cửa hàng, hiện nhiều khách hàng sẵn sàng trả thêm một khoản nhỏ để sử dụng túi vải, bởi họ cảm thấy mình đang góp phần bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Phương Nga, một khách hàng lâu năm, chia sẻ rằng việc mua một chiếc túi vải có thể giúp giảm đi một chiếc túi nhựa, và điều đó mang lại cảm giác dễ chịu, tích cực.

Không chỉ dừng lại ở túi đựng, sống xanh đã lan tới cả những vật dụng nhỏ như ống hút. Tại quán Caffe Le Petit (Kim Mã), khách hàng được phục vụ bằng ống hút làm từ bã mía, gạo hoặc tre.

Bạn Dương Hà Linh (Thanh Xuân) chia sẻ rằng những chiếc ống hút tự nhiên không chỉ thân thiện mà còn mang lại cảm giác nhẹ nhàng, góp phần tận dụng các nguồn nguyên liệu tưởng chừng bị lãng phí.

Dù vẫn còn một số bất tiện như dễ mềm hoặc dễ mốc, đặc biệt với vật liệu tự nhiên, nhưng các sản phẩm này vẫn ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt trong cộng đồng trẻ yêu môi trường.

Một số chủ quán khi được hỏi cho biết ngay từ những ngày đầu mở quán, mô hình thân thiện với môi trường đã là lựa chọn nhất quán. Từ cốc giấy, túi giấy đến ống hút sinh học đều được áp dụng đồng bộ.

Ban đầu không ít khách hàng cảm thấy không quen, nhưng sau khi được nhân viên giải thích, họ dần thấy thiện cảm và quay lại nhiều hơn. "Việc sử dụng ống hút sinh học không chỉ tạo cảm giác an toàn mà còn là điểm cộng trong mắt khách hàng quan tâm đến sức khỏe và lối sống xanh", nhân viên của một cửa hàng trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Đông cho biết.

Theo các chuyên gia môi trường, để lối sống xanh đi sâu vào cộng đồng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhận thức cá nhân, chính sách hỗ trợ từ nhà nước và sự tham gia của doanh nghiệp.

Những chính sách như hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh, ưu đãi nhập nguyên liệu thân thiện môi trường hoặc truyền thông đại chúng chính là cú hích quan trọng để mở rộng quy mô.

Chị Yến Vy cho rằng những ưu đãi như giảm giá cho khách mang cốc cá nhân hay tái sử dụng đồ dùng là thiết thực và cần được nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ.

Đối với nhiều bạn trẻ, yếu tố quyết định không nằm ở giá cả mà ở nhận thức. Nguyễn Thùy Linh, 22 tuổi, sinh viên Đại học Thủ đô Hà Nội, cho biết cô mang theo túi vải mỗi lần đi siêu thị như một phản xạ tự nhiên, hình thành từ năm nhất đại học. Linh chia sẻ rằng khi hiểu lý do vì sao nên sống xanh, việc duy trì thói quen không còn khó khăn.

Không riêng Linh, nhiều bạn trẻ Hà Nội đang thay đổi từng chút một trong sinh hoạt hàng ngày: từ chối túi nilon, mang theo cốc cá nhân, sử dụng hộp đựng khi mua đồ ăn mang về và tái chế chai lọ thành đồ dùng hoặc đồ trang trí.

Trần Hữu Khánh, 20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tham gia nhóm “Sống xanh Hà Nội”, nơi các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm tái chế rác thải nhựa, tổ chức các phiên chợ đổi đồ không rác. Khánh hào hứng cho biết nhóm còn thi xem ai duy trì thói quen xanh được lâu nhất, vừa vui, vừa có ý nghĩa.

Trên mạng xã hội, các xu hướng như “zero waste challenge”, “eco lifestyle” hay “mang túi riêng đi chợ” được lan truyền mạnh mẽ. Những vật dụng như túi tote, hộp inox, cốc thủy tinh dần trở thành món đồ quen thuộc trong balo của nhiều bạn trẻ.

Hà Nội hiện đã thông qua Nghị quyết giảm phát thải nhựa, hướng tới chấm dứt sử dụng túi nilon khó phân hủy tại chợ và siêu thị vào năm 2028.

Không ít người ủng hộ mạnh mẽ quyết định này, bởi theo họ, đó là điều “đáng lẽ nên được thực hiện từ lâu”. Nguyễn Thùy Linh cho biết cô hoàn toàn tin tưởng vào tính khả thi của chính sách nếu có sự đồng lòng từ cả cộng đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư