Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
S&P 500 hồi mốc 3.000 điểm, chứng khoán Nhật Bản - Australia tạo sóng
Lê Quân - 28/05/2020 10:51
 
Chứng khoán châu Á và chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ đón sóng tăng điểm trong phiên sáng nay 28/5 khi giới đầu tư lạc quan về đà phục hồi của các nền kinh tế.
 chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng lập mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3 với mức tăng 1,28%. Ảnh: AFP
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,28% trong phiên giao dịch sáng nay 28/5. Ảnh: AFP

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sáng nay tăng 0,5%. Trong đó, chứng khoán Australia đón sóng tăng điểm cao nhất trong hơn 2 tháng qua với mức tăng 1,86%, còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng đạt mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3 khi tăng điểm 1,28% do nhà đầu tư đặt niềm tin vào triển vọng tích cực của 2 nền kinh tế này khi mở lại trở lại.

Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 e-minis ESc1 sáng nay nhích 0,36% trong giao dịch tại châu Á sau phiên giao dịch tích cực trên Phố Wall qua đêm. Giới phân tích đánh giá, rủi ro lớn nhất đối với chứng khoán hiện nay là mối quan hệ Trung-Mỹ có khả năng xấu đi sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Hong Kong không còn được hưởng quy chế đối xử đặc biệt theo luật Mỹ.

“Chúng ta có thể chứng kiến làn sóng bán tháo, nhưng sẽ sóng ít và ngắn bởi nhà đầu tư sẽ muốn thử sức tăng của cổ phiếu”, Yukio Ishizuki, chuyên gia ngoại hối tại Công ty chứng khoán Daiwa Securities (Nhật Bản) nhận định. Chuyên gia này cũng cho rằng, còn rất nhiều lo ngại về vấn đề Hong Kong, nhưng các thị trường chứng khoán có vẻ sẽ vẫn bình tĩnh.

Trên Phố Wall, chỉ số S&P 500 đêm qua lần đầu tiên đóng cửa vượt mức 3.000 điểm trong gần 3 tháng qua, nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giới phân tích cho rằng S&P 500 đêm qua bật tăng là do nhà đầu tư kỳ vọng rằng nền kinh tế thế giới có thể sớm phục hồi khi mở cửa trở lại.

Nhìn lại chuỗi giao dịch từ tháng 3, S&P 500 đã tăng bứt tốc 36% kể từ khi đại dịch Covid-19 kéo chỉ số này lao đáy lịch sử trong phiên giao dịch 23/3. Tuy nhiên, hiện còn nhiều quan điểm lo ngại đà hồi phục của S&P 500 có lẽ đã quá sức và nguy cơ bị kéo tụt lại là rất cao.

Trên thị trường Hong Kong, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi hợp đồng tương lai chứng khoán HSIc1 vẫn trượt 0,74% sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Ngoại trưởng Pompeo qua đêm cho rằng Trung Quốc đã ngầm phá hoại sự tự chủ của Hong Kong, về cơ bản Hong Kong không còn được hưởng quy chế đối xử đặc biệt của Mỹ. Đây được xem là đòn giáng mạnh đến trung tâm tài chính Hong Kong.

Một số nhà đầu tư lo ngại các biện pháp mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hong Kong có thể dẫn đến phản ứng “ăn miếng trả miếng” từ Bắc Kinh, "đổ dầu vào lửa" mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hủy hoại tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi đó, giới đầu tư trái phiếu chung nhận định rằng thận trọng trước các quyết định đầu tư là điều cần thiết lúc này. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đêm qua giảm từ 0,6802% xuống 0,6770%, vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy 0,4980% trong tháng 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuối tuần này ông sẽ đưa ra các phản ứng đối với chính sách của Trung Quốc về vấn đề Hong Kong. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ định đoạt những đặc quyền kinh tế mà Mỹ dành cho Hong Kong. Nguồn tin của Reuters hé lộ, chính phủ Mỹ có thể sẽ ngừng thuế quan ưu đãi đối với các mặt hàng Hong Kong xuất khẩu sang Mỹ, một phản ứng được xem là nhẹ tay hơn nhiều so với việc chính thức thu hồi các quy chế đối xử đặc biệt với Hong Kong.

Dầu thô giao kỳ hạn sáng nay mất giá do nhà giao dịch hoang mang về phản ứng của ông Trump với Trung Quốc. Giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ (CLc1) rớt 2,68% còn 31,93 USD.

Những bất ổn về Hong Kong cũng kéo tụt đồng nhân dân tệ trong giao dịch hải ngoại xuống mức thấp kỷ lục 7,1966 CNY "ăn" 1 USD, trong khi vài giờ trước đó nhân dân tệ giao dịch 7,1792 CNY/USD.

Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác sáng nay trượt 0,09% xuống 98,927. Trái lại, đồng Euro nổi giá sau thông tin châu Âu sẽ chi 750 tỷ EUR để hồi sức các nền kinh tế bị nhấn chìm bởi đại dịch. Cụ thể, giá đồng Euro vọt lên mức cao nhất trong 8 tuần qua và quy đổi 1 EUR “ăn” 1,1016 USD.

Thị trường vàng dường như đã loại bỏ các rủi ro địa chính trị và dồn sự chú ý đến sức hồi phục của các nền kinh tế khi mở cửa trở lại. Giá vàng đêm qua tiếp tục có phiên trượt giá với giá vàng giao ngay rơi về mức 1.708,60 USD/ounce.

ĐHCĐ BSR thông qua việc niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội
Ngày 26/5 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã thông qua việc niêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư