Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Start-up công nghệ du lịch vươn mình đón cơ hội mới
Nhã Uyên - 16/06/2022 17:26
 
Thị trường du lịch đang tái khởi động mạnh mẽ sau thời gian dài “đóng băng” vì Covid-19, các start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ du lịch (travelTech) cũng lập tức thay đổi để phù hợp với xu hướng mới.

Sau thời gian bị “đóng băng” do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, du lịch nội địa bắt đầu lấy lại được đà phát triển. Đây không chỉ là thời điểm vàng cho người dân đi du lịch nội địa, mà còn là cơ hội để các start-up Việt hoạt động trong lĩnh vực travelTech vươn mình.

Bài toán đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam lúc này là làm sao để mở rộng thị phần và doanh thu từ du lịch nội địa, triển khai quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn, xanh - sạch - đẹp tới khách du lịch quốc tế để họ đặt vé tới Việt Nam.

Steven Nguyễn, nhà sáng lập Luxstay nhấn mạnh, sau đại dịch, thói quen và hành vi của khách du lịch trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng có nhiều thay đổi, về cả lựa chọn địa điểm, thời gian, hình thức cũng như chi phí. Cụ thể, khách có nhu cầu đi du lịch gần nhà hơn, chọn nơi vắng người để thư giãn. Họ thích những chuyến đi ngắn ngày vào cuối tuần, đi cá nhân hoặc nhóm nhỏ và những chuyến du lịch giá mềm hơn...

Trước sự thay đổi trên, các start-up travelTech trên thế giới cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn, làn sóng virtual travel (du lịch trực tuyến, hay còn gọi là cloud travel) cùng với livestream quảng bá du lịch bùng nổ.

Minh chứng, Airbnb cho ra mắt trải nghiệm trực tuyến, trong đó có hoạt động sinh hoạt mang tính địa phương nhiều hơn là giới thiệu phong cảnh thiên nhiên (ví dụ, cùng người dẫn chương tình nấu các món ăn địa phương…). Travel World VR (Mỹ) đã sử dụng công nghệ thực tế ảo cùng với video 360 độ để tạo ra một công cụ cho các đại lý du lịch giới thiệu về các điểm đến, tàu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhà điều hành tour du lịch nhằm tiếp thị hiệu quả các trải nghiệm du lịch tới khách hàng của họ. Sitata (Canada) cung cấp nền tảng di động đồng hành với khách du lịch theo dõi tình trạng sức khỏe, đưa ra lời khuyên an toàn cho họ…

Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Kim Dung, đại diện Quỹ Genesia Ventures, các start-up travelTech Việt Nam chưa có nhiều bứt phá, bởi họ phải gánh chịu nhiều thiệt hại về doanh thu do tác động tiêu cực của Covid-19, phải cắt giảm nhân sự và chi phí vận hành, nên việc duy trì để “sống sót” cũng đã khó khăn, chưa thể làm điều gì đột phá trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp tái khởi động, thay đổi để phù hợp với những xu hướng du lịch của du khách.

Steven Nguyễn kỳ vọng, Luxstay sẽ nắm bắt được cơ hội để vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Để làm được điều đó, Luxstay cũng có một cú tái khởi động khi triển khai thêm mảng media chuyên về du lịch có tên là Travelmag để đóng góp vào nỗ lực chung quảng bá và khôi phục du lịch Việt Nam, đồng thời cũng giúp Luxstay tăng thêm lượng khách hàng tiềm năng, phát triển bền vững hơn.

Thay vì đầu tư ồ ạt vào marketing và các chương trình khuyến mãi, Luxstay cũng tìm hướng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực để đa dạng nguồn thu. Hiện Luxstay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố, điểm du lịch tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng sản phẩm tại nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Á.

Mặc dù bài toán tăng trưởng nhanh luôn là áp lực rất lớn, nhưng Steven Nguyễn tự tin, các hoạt động kinh doanh liên quan Internet sẽ có nhiều ưu thế hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Vốn dồn dập đổ vào start-up thương mại điện tử
Một lượng vốn khổng lồ đang dồn dập đổ vào các start-up thương mại điện tử, hứa hẹn tạo nên những cuộc đua sôi động trên thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư