Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vốn dồn dập đổ vào start-up thương mại điện tử
Tú Ân - 28/05/2022 08:22
 
Một lượng vốn khổng lồ đang dồn dập đổ vào các start-up thương mại điện tử, hứa hẹn tạo nên những cuộc đua sôi động trên thị trường.

Chen nhau rót vốn vào start-up TMĐT

Sàn TMĐT chuyên cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng Coolmate vừa huy động thành công 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Hai tháng trước, start-up này huy động được 1,1 triệu USD từ 2 nhà đầu tư cũ là VIC Partner và STIC Ventures.

Trước đó, nền tảng thương mại xã hội (social commerce) Mio đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Jungle Ventures dẫn đầu. Hồi tháng 5/2021, Mio công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD trong vòng hạt giống.

Nền tảng TMĐT xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) công bố huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi kỳ VNG và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.

Chỉ mới được thành lập vào tháng 12/2021, Rino - ứng dụng giao hàng siêu tốc đã nhanh chóng huy động được 3 triệu USD từ các quỹ Sequoia Capital, Global Founders Capital, Venturra Discovery và Saison Capital.

Xu hướng rót vốn vào các start-up TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay. Ngoài những tên tuổi kể trên, còn hàng loạt start-up TMĐT được rót vốn đầu tư, như Selly (2,6 triệu USD, vòng Pre-Series A); SoBanHang (2,5 triệu USD); FoodMap (2,9 triệu USD, vòng Pre-series A); Aemi (2 triệu USD)…

Năm 2021 cũng ghi nhận lượng vốn khổng lồ đổ vào TMĐT Việt Nam với hàng loạt thương vụ lớn, như Tiki nhận 258 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tư do AIA dẫn dắt; VNG đầu tư 22,5 triệu USD vào Telio; KiotViet nhận vốn đầu tư 45 triệu USD trong Series B do KKR dẫn đầu…

Chiến lược đi vào thị trường ngách

Điểm chung của các start-up TMĐT nhận vốn thời gian gần đây là cùng hướng vào thị trường ngách, với phân khúc khách hàng và xu hướng trải nghiệm riêng biệt, điều mà các sàn TMĐT lớn chưa thực hiện được.

Điển hình, Mio nhắm vào hành vi mua theo nhóm, tập trung vào các mặt hàng tươi sống và hàng tạp hóa tại các thành phố cấp 2 và cấp 3 ở Việt Nam. Công ty này có thể cung cấp dịch vụ giao hàng ngay ngày hôm sau nhờ việc xây dựng mạng lưới hậu cần cho phép gửi trực tiếp sản phẩm từ các trang trại đến khách hàng.

Huỳnh Hữu Trung, đồng sáng lập Mio chia sẻ, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn  chiếm trên 60% dân số, nhưng các sàn TMĐT lớn vẫn tập trung vào khu vực thành thị. Chi phí cho việc vận chuyển và giao hàng ở nông thôn khá cao do đặc thù địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt và giao thông chưa thuận tiện. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Mio tiên phong khai phá thị trường.

Mô hình social commerce mà Mio đang theo đuổi là xu hướng mới khá “hot” trong thời gian gần đây. Selly cũng đang triển khai mô hình này. Ứng dụng không yêu cầu người bán bỏ vốn hay lo khâu vận hành, mà chỉ cần lựa chọn sản phẩm mình muốn kinh doanh từ nguồn hàng trên Selly, sau đó chia sẻ thông tin sản phẩm tới cộng đồng. Khi đơn hàng được chốt, Selly sẽ vận chuyển và giao hàng đến tay khách.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO CyberAgent Capital Vietnam (một trong những quỹ đầu tư vừa rót vốn vào Selly) nhìn nhận: “Khi tỷ lệ phổ cập TMĐT ở Việt Nam mới chỉ đạt 4,5% và tỷ lệ đô thị hóa là 35%, mức thấp nhất so với các nền kinh tế chính trong khu vực, Selly có cơ hội khai thác một thị trường rất lớn và tăng trưởng nhanh còn đang bỏ ngỏ thông qua cách tiếp cận độc đáo, khác biệt so với TMĐT truyền thống”.

Coolmate cũng đi con đường riêng với mô hình subscription (kinh doanh dựa trên lượng người theo dõi), như Spotify và Netflix từng làm. Coolmate tạo ra các “tủ đồ”, người dùng chỉ cần đăng ký một lần và định kỳ theo gói, các hộp đồ với những sản phẩm mới nhất của Coolmate sẽ được ship tới tận tay khách hàng, không tốn thời gian chọn lựa, đăng ký.

“Coolmate không phải là sự đột phá, mà đơn giản là chúng tôi đang hoàn thiện những mặt còn hạn chế của mô hình TMĐT. Coolmate bán đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng ngách thị trường”, Phạm Chí Nhu, CEO Coolmate chia sẻ.

Các start-up TMĐT khác cũng có hướng phát triển riêng. OpenCommerce cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho những người bán hàng trực tuyến với chi phí thấp. Rino giao hàng hỏa tốc trong vòng 10 phút cho người tiêu dùng, bắt đầu từ một số khu vực tại TP.HCM. FoodMap cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất nông nghiệp trên cả nước. SoBanHang giúp các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ, lẻ tạo cửa hàng trực tuyến và quản lý đơn hàng...

Thị trường TMĐT Việt Nam năm 2022 hứa hẹn cuộc đua đổ vốn, giành thị phần giữa các ông lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… Nhưng, cơ hội không phải của riêng ai. Các start-up TMĐT mới gia nhập thị trường, đi vào giải quyết các nhu cầu mới của khách hàng bằng những cách tiếp cận mới, mô hình mới cũng đã bước đầu được chấp nhận, tạo sự hứng khởi cho thị trường.

Theo Hãng nghiên cứu Statista, giá trị thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong 6 năm qua, từ 5 tỷ USD trong năm 2015 lên 120 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng lên tới 300%, giá trị tăng từ 13 tỷ USD trong năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Vốn đầu tư mạo hiểm cho start-up đạt kỷ lục: Nóng fintech và thương mại điện tử
Lĩnh vực fintech và thương mại điện tử chiếm đến 70% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2021 và xu hướng tiếp tục duy trì trong năm 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư