Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Start-up công nghệ là lựa chọn ưu tiên của các quỹ đầu tư
Thu Phương - 13/06/2019 09:01
 
Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến đầu tư khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á. Lượng vốn đầu tư đổ vào start-up không ngừng tăng và chủ yếu tìm đến các dự án công nghệ hoặc ứng dụng công nghệ.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quỹ Golden Gate Ventures ký kết hợp tác đầu tư cho khởi nghiệp tại Vietnam Venture Summit 2019.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quỹ Golden Gate Ventures ký kết hợp tác đầu tư cho khởi nghiệp tại Vietnam Venture Summit 2019.

Quỹ đầu tư đổ vốn lớn vào start-up Việt

Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019 diễn ra sáng 10/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh trích dẫn báo cáo của Topica Founder Institute cho biết: năm 2018, tổng vốn đầu tư vào các start-up Việt Nam lên đến 889 triệu USD, gấp 7 lần so với năm 2015; có 92 start-up Việt đã nhận những khoản vốn ấy...

Về đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu, báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy, Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi năm 2017. Dự kiến, các start-up giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn, ước tính trong các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt đạt 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD.

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng tăng gấp đôi so với năm 2015, với hơn 40 quỹ đang hoạt động. Ngoài ra, trên cả nước còn có hơn 40 cơ sở ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn đã tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo đó, Vinacapital thành lập Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ (2.000 tỷ đồng), thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm (300 triệu USD) để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…

Chia sẻ với hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông rất phấn khởi trước những con số về đầu tư start-up.

“Tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại quan tâm đến Việt Nam”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề và nhấn mạnh, thị trường trên 97 triệu dân cần tiếp tục duy trì được sự quan tâm này, cần giữ được hòa bình, ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục và không ngừng đổi mới.

Start-up công nghệ được ưu tiên

“Mối quan tâm từ Đông Á vào các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam khá rõ nét trong 2 năm trở lại đây”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện CyberAgent Ventures (CAV) nhận định.

Theo ông Dũng, cách đây 10 năm, các nhà đầu tư trong ngành Internet thường chọn những công ty tạo ra được lượng truy cập lớn, nhưng 5 năm trở lại đây, bên cạnh yếu tố này, các nhà đầu tư còn theo đuổi những giá trị liên quan đến công nghệ như giao dịch, dịch vụ du lịch, vận chuyển hàng hóa… Sự ra đời của các cổng thanh toán, ví điện tử cũng tập trung vào giao dịch…

Ông Phạm Anh Cường, sáng lập, kiêm CEO Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital cho biết, dựa trên phân tích về thị trường Việt Nam hiện nay (dân số trên 97 triệu người, trong đó, giới trẻ, người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao...), các nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên rót vốn vào các công ty công nghệ, bởi những người trẻ thường thích công nghệ mới và có khả năng thích ứng cao. Theo đó, các nền tảng ứng dụng công nghệ AI, blockchain, fintech; các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục… sẽ có khả năng gọi vốn từ các quỹ đầu tư cao hơn.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực khác cũng được các nhà đầu tư quan tâm là mô hình phát triển chuỗi. Mô hình này không sử dụng quá nhiều công nghệ, mà dựa trên sự phát triển của hiệu ứng số đông. Do vậy, dân số cũng là một lợi thế. Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang phát triển khá đồng đều, thuận lợi cho việc phát triển mô hình chuỗi.

Ngoài các quỹ chuyên đầu tư khởi nghiệp, gần đây, nhiều tập đoàn lớn trong nước như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup... cũng đã thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Với VinTech Fund (Quỹ Tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech) của Vingroup, những dự án được Quỹ lựa chọn với kỳ vọng sẽ tạo ra công nghệ có hàm lượng nghiên cứu, có tính sáng tạo, có khả năng thương mại hóa.

Cùng với Vingroup, Tập đoàn CMC cũng đã thành lập Quỹ Sáng tạo CMC (CIF) có quy mô 50 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình đầu tư mạo hiểm.  CIF hướng đến các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ mới như IoT, dữ liệu lớn, AI…

Start-up Việt nhận được nhiều cam kết đầu tư

Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019, nhiều cam kết đầu tư, hợp tác đã được ký kết giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm với start-up Việt Nam và cơ quan Chính phủ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cụ thể trong tương lai.

Đại diện cho 18 quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia Diễn đàn, Golden Gate Ventures công bố tổng mức đầu tư cho các start-up Việt trong vòng 3 năm tới là 10.000 tỷ đồng.

Lộ diện dòng vốn mới vào start-up công nghệ
Sau sản xuất, hàng tiêu dùng, bất động sản, quỹ đầu tư coi công nghệ mới là lĩnh vực tiềm năng nhất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư