Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Start-up không nên quá phụ thuộc vào vốn đầu tư bên ngoài
Đức Thọ - 18/08/2023 14:10
 
Thị trường khó khăn khiến các quỹ đầu tư cẩn trọng hơn với các quyết định rót vốn. Bởi vậy, các start-up cần tối ưu hóa mô hình để có thể tự duy trì hoạt động, không nên quá phụ thuộc vào vốn đầu tư bên ngoài.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, hoạt động đầu tư vào giới khởi nghiệp không còn dễ dàng như giai đoạn trước. Theo thông tin từ Financial Times, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up trên thế giới đã giảm hơn 50% trong 12 tháng qua, do các quỹ đầu tư cẩn trọng hơn trong quá trình lựa chọn start-up và không còn ưa thích những thương vụ mang tính rủi ro cao.

Riêng tại Việt Nam, theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023, các thương vụ rót vốn vào start-up Việt có tổng trị giá 95 triệu USD trong quý I, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Hoàng Phương, Nhà sáng lập Piktina (sàn thương mại điện tử dành cho các món đồ thời trang cũ) nhìn nhận, gọi vốn là nhu cầu thường trực của giới khởi nghiệp. Ở bất cứ giai đoạn nào, việc có thêm nguồn vốn sẽ giúp start-up dễ dàng triển khai các ý tưởng, đầu tư cho sản phẩm.

Tuy nhiên, bằng những trải nghiệm trên hành trình phát triển của mình, đại diện Piktina cho rằng, start-up thành công phải là start-up có thể tự xây dựng, tồn tại và phát triển bằng chính mô hình kinh doanh của mình, không quá phụ thuộc vào nguồn tiền gọi vốn từ các nhà đầu tư.

Piktina lựa chọn mô hình tinh gọn, nên hoạt động của start-up không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những khó khăn trên thị trường. Sau khi gọi vốn thành công vòng hạt giống trị giá 1 triệu USD vào cuối năm ngoái, Piktina vẫn đang phát triển sản phẩm và chưa có kế hoạch gọi vốn mới.

“Tôi nghĩ, thị trường khó khăn là khó khăn chung, cơ hội cũng là cơ hội chung. Đây cũng là giai đoạn để các start-up trên thế giới nói chung và start-up Việt nói riêng học cách tiêu tiền thông minh hơn, cũng như kiếm tiền từ mô hình kinh doanh của mình, thay vì phụ thuộc 100% vào vốn đầu tư bên ngoài. Đó là bài học về việc kinh doanh bài bản hơn và có giá trị hơn”, bà Phương khẳng định.

Theo ông Vũ Ngọc Tâm, Nhà sáng lập Earable Neuroscience, trong giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư không chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng như trước đây, mà họ tập trung sự quan tâm vào yếu tố nội tại của doanh nghiệp, như công nghệ lõi, khả năng cạnh tranh khác biệt, sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường. “Sản phẩm được làm ra phải có giá trị và phục vụ nhu cầu thực tế của thị trường”, ông Tâm nhấn mạnh.

Từ góc độ quỹ đầu tư, nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng, thị trường luôn vận động dựa trên nguyên tắc: hết mùa đông sẽ tới mùa xuân và mùa đông không kéo dài mãi.

Ngay trong giai đoạn khó khăn như hiện tại, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư không hoàn toàn “ngủ đông”, mà vẫn đang âm thầm tìm kiếm start-up tốt, phù hợp để rót vốn. Đó là những công ty có mô hình tăng trưởng bền vững, ưu tiên tập trung vào các giá trị cốt lõi, gồm: sản phẩm, khách hàng và đội ngũ.

Những công ty như vậy, dù chưa gọi vốn thành công ở thời điểm hiện tại, vẫn có khả năng tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Khi khó khăn qua đi, thị trường ổn định hơn, các công ty “sống sót” sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn và đón nhận những vòng vốn mới để bứt phá.

Start-up cần chú ý bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp
Nhiều nhà sáng lập chỉ tập trung vào các hoạt động phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, thu hút khách hàng…, mà quên đi một vấn đề quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư