Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Start-up trông đợi vào nguồn vốn đầu tư thiên thần
Nguyễn Ngân - 31/03/2024 10:31
 
Trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn”, các chuyên gia cho rằng, nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần sẽ là giải pháp để các start-up vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Dù thị trường khó khăn, nguồn vốn cho các start-up chững lại, song các nhà đầu tư thiên thần vẫn đang hoạt động nhộn nhịp.  Trong ảnh: Sản xuất thiết bị bay không người lái tại RtR - một start-up kêu gọi được vốn từ nhà đầu tư thiên thần
Dù thị trường khó khăn, nguồn vốn cho các start-up chững lại, song các nhà đầu tư thiên thần vẫn đang hoạt động nhộn nhịp. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị bay không người lái tại RtR - một start-up kêu gọi được vốn từ nhà đầu tư thiên thần

Giải pháp gọi vốn cho các start-up

Gọi vốn khó khăn, “mùa đông gọi vốn” là câu chuyện kéo dài từ năm 2021 tới nay, khi nền kinh tế thế giới liên tục trải qua nhiều cơn sóng dữ. Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021, cả về số lượng thương vụ cũng như giá trị đầu tư.

Theo số liệu từ DO Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trong 3 quý của năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ hơn với mức giảm mạnh 40% về số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận.

Phân tích nguyên nhân, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á cho biết, trước đây, các nhà đầu tư có xu hướng “rải” tiền vốn. Tức là có thể đầu tư rất nhiều và đôi khi không quá cẩn trọng về việc start-up đó sẽ như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn này, ai cũng cần “thắt lưng buộc bụng”, các nhà đầu tư sẽ có sự đánh giá khắt khe hơn.

Trong bối cảnh này, bà Nguyễn Phi Vân nhìn nhận, hiện nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần (angel investor - nhà đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn sớm, khi chưa có nhiều thông tin hoặc khả năng đánh giá rủi ro của dự án) sẽ là lối thoát cho các start-up.

“Trên thực tế, số lượng start-up mà các nhà đầu tư thiên thần đổ vốn vào từ 2022 - 2024 đang nhiều hơn so với trước đây”, bà Vân thông tin.

Lý giải về việc nguồn vốn vẫn hoạt động nhộn nhịp so với thị trường đang đóng băng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á cho biết, trước hết là do giá trị đầu tư vào các doanh nghiệp sẽ rất thực tế, bám sát theo sự phát triển của doanh nghiệp, thay vì đầu tư dàn trải với một cái giá “trên trời”.

Bên cạnh đó, khi thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống chuyển hướng thành những doanh nghiệp vừa và nhỏ số hóa. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm kinh doanh trước đó, giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn và nhìn thấy được khả năng phát triển.

“Thị trường có vẻ đã rơi vào mùa đông, song thực tế, dòng vốn vào start-up, đặc biệt là start-up công nghệ không giảm đi quá nhiều. Đặc biệt, với dòng vốn từ các nhà đầu tư thiên thần trong Hiệp hội Các nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á vẫn còn rất nhộn nhịp, chúng tôi vẫn nhận pitching (thuyết trình về các ý tưởng) qua website của Hiệp hội hàng ngày”, bà Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh.

Cần tập trung vào việc làm gì để ra tiền

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Đầu tư về việc làm cách nào để thuận lợi nhận được số vốn đầu tư này, bà Vân cho biết thêm, khi trình bày, các start-up cần tập trung hơn vào việc làm gì để ra tiền, mô hình kinh doanh là gì, doanh thu đến từ đâu, tầm nhìn phát triển trong 5 - 10 năm tới ra sao...

“Nhiều start-up quá tập trung vào sản phẩm mà quên mất rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, điều nhà đầu tư quan tâm nhất là liệu mô hình của bạn có làm ra tiền không”, bà Vân nói.

Trong khi đó, đứng ở góc độ doanh nghiệp, doanh nhân Lương Việt Quốc, người sáng lập Real-time Robotics (RtR) nhìn nhận, với đa số start-up công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới, sự đồng hành của các nhà đầu tư thiên thần sẽ là bệ đỡ hoàn hảo để start-up có thể thuận lợi bắt đầu.

“Khi tôi khởi nghiệp với thiết bị bay không người lái, một công nghệ quá mới tại Việt Nam, thì rất khó để gọi vốn. Không có quỹ đầu tư nào sẵn sàng bỏ vốn cho một dự án thiết bị bay không người lái tại Việt Nam. Chính số vốn từ các nhà đầu tư thiên thần đã giúp RtR vượt qua giai đoạn khó khăn này”, doanh nhân Lương Việt Quốc bày tỏ.

Bên cạnh đó, khi làm việc với các nhà đầu tư thiên thần, RtR cũng nhận được sự đồng hành, tư vấn kinh nghiệm và kết nối quan hệ bởi đa số nhà đầu tư thiên thần cũng là những người đã và đang điều hành doanh nghiệp, có kinh nghiệm phát triển sản phẩm và thị trường.

Tuy nhiên, cũng theo ông Quốc, khi start-up đã có sự phát triển lớn hơn về sản phẩm và thị trường, đi vào những vòng đầu tư sau, thì cần chuẩn bị để kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư lớn. Bởi số vốn từ các nhà đầu tư thiên thần là có hạn và các nhà đầu tư này cũng ít tham gia vào các vòng đầu tư sau.

Gen Z - nhân tố đột phá của start-up
Với sự năng động, sáng tạo và am hiểu công nghệ, Gen Z hoàn toàn có thể là nhân tố đột phá, đóng góp lớn cho sự phát triển của start-up.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư