Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Stripe International thâu tóm NEM Fashion: Tham vọng vẽ lại bản đồ thời trang Việt
Anh Hoa - 22/11/2017 10:02
 
Không chỉ thâu tóm NEM Fashion, hãng bán lẻ thời trang Nhật Bản Stripe International Inc còn lên kế hoạch thâu tóm các tên tuổi dệt may khác ở Việt Nam nhằm nhanh chóng mở rộng địa bàn kinh doanh.
Việc mua lại NEM Fashion là một phần trong quyết định tham gia thị trường Việt Nam của Stripe International.
Việc mua lại NEM Fashion là một phần trong quyết định tham gia thị trường Việt Nam của Stripe International.

Sự tự tin của NEM Fashion

Những năm 2000, trên thị trường thời trang Việt Nam xuất hiện thương hiệu NEM của Công ty Thời trang NEM (NEM Fashion). Đây là một trong những thương hiệu thời trang dành cho phái đẹp, với các thiết kế lấy cảm hứng chủ đạo từ thời trang Pháp. NEM được chị em yêu thích một phần vì mọi cửa hàng đều ở những vị trí sang trọng và thuận tiện, giúp dễ dàng lựa chọn và mua những sản phẩm phù hợp.

Với vị thế là đơn vị duy nhất có sản phẩm thời trang công sở bài bản và cũng là thương hiệu duy nhất có nhà máy rộng khắp cả nước, hiện NEM Fashion đã có 40 cửa hàng trên toàn quốc, gần 1/2 số này tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Việc liên tục mở các cửa hàng mới giúp doanh số của Công ty tăng 20% trong các năm gần đây và được dự báo có thể đạt 26 triệu USD trong năm nay.

Đó là lợi thế để thương hiệu này tự tin với vận mệnh của mình so với các đối thủ trong và ngoài nước. Một năm trước sự đổ bộ ồn ào của Zara, H&M, NEM Fashion tỏ ra không hề lo lắng. Bởi theo họ, mỗi thương hiệu thời trang đều có phân khúc khách hàng riêng.

Thậm chí, đại diện NEM Fashion còn bày tỏ quan điểm một cách sòng phẳng khi cho rằng, có thể các thương hiệu đó đến Việt Nam theo kiểu “đánh trống khua chiêng”, hợp với xu hướng đám đông, thích lạ, sính ngoại của người Việt, còn nếu đặt lên bàn cân, thì họ không lại được so với một số thương hiệu của Việt Nam.

Theo phân tích của đại diện này, người tiêu dùng Việt Nam không có xu hướng trung thành với một thương hiệu, họ sẽ tìm đến thương hiệu nào đó khi lựa được sản phẩm ưng ý. “Nếu nắm bắt tốt được điều này, doanh nghiệp thời trang trong nước vẫn đón được xu hướng và liên tục tung ra các sản phẩm mới”, đại diện này nói.

Được biết, dường như ngày nào NEM cũng tung ra mẫu sản phẩm mới. Mỗi tháng, NEM cho ra mắt trên 500 mẫu thời trang, từ cao cấp cho tới trung cấp, phổ thông. Những trang phục của NEM luôn được đánh giá cao trong việc dự báo trước các xu hướng thời trang về gam màu, kiểu dáng, cách xử lý chất liệu…, trở thành tâm điểm của làng thời trang Việt trong mỗi lần tạo dựng bộ sưu tập mới.

Tham vọng của Stripe International

Mặc dù vậy, thời điểm các thương hiệu ngoại dồn dập đến Việt Nam cũng là lúc NEM lên kế hoạch “bán mình”. Tuần qua, thông tin NEM đang đàm phán bán lại cho Stripe International Inc, một công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản được lan truyền khắp các mặt báo, trong khi chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ.

Mọi đường đi nước bước của NEM được thực hiện rất kín kẽ, trong khi đối tác Nhật Bản thì ngược lại. Để thực hiện thương vụ này, Stripe International đã thành lập một công ty con tại Việt Nam vào tháng 9/2017 là Công ty cổ phần Stripe Việt Nam, đặt trụ sở tại 545 - Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), có vốn điều lệ 175 tỷ đồng.

Song trên website của Stripe International lại đăng tải thông tin rằng, tập đoàn này mua lại Công ty Stripe Việt Nam do ông Trương Việt Bình, Chủ tịch HĐQT NEM Fashion làm Giám đốc vào tháng 10 vừa qua. Sau thương vụ đó, ông Yasuharu Ishikawa, Chủ tịch Stripe International đồng thời là Giám đốc điều hành Stripe Việt Nam.

Theo ông Yasuharu Ishikawa, Chủ tịch Stripe International, việc mua lại NEM là một phần trong quyết định tham gia thị trường Việt Nam của Tập đoàn. Stripe International đã định vị việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong trung và dài hạn tập trung tại thị trường ASEAN, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng với những tiềm năng về dân số và tăng trưởng kinh tế.

Stripe International có kinh nghiệm chinh chiến hơn 20 năm trong ngành may mặc, với các nhãn hiệu thời trang như: earth music&ecology, koé, E hyphen world gallery, Green Parks, Yecca Vecca, Sevendays =Sunday, KiwaSylphy, American Holic, Lebecca boutique…

Hãng đang có tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành trên toàn cầu. Trong thông điệp của mình gửi đến toàn bộ công ty, ông Yasuharu Ishikawa khẳng định sẽ không ngừng phát triển cho tới khi đạt được mục tiêu đó. Trong đó, ngoài việc liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước, bao gồm việc tung ra thương hiệu mới, Công ty sẽ chủ động xem xét các lựa chọn chiến lược khác nhau, bao gồm bổ sung M&Ađầu tư vốn vào đối tác chiến lược.

Do đó, giới phân tích nhìn nhận, tên tuổi này không chỉ thâu tóm NEM Fashion, mà còn lên kế hoạch thâu tóm các doanh nghiệp dệt may khác ở Việt Nam để mở rộng địa bàn kinh doanh. Và quan trọng hơn, với hàng chục nhãn hiệu thời trang nam nữ khác nhau, thương vụ này sẽ giúp thời trang Nhật Bản nhanh chóng có thêm “đất diễn” trên bản đồ thời trang Việt Nam.

Cơ hội nắm giữ bí quyết kinh doanh thời trang thành công
Nhiều tiềm năng, thị trường thời trang đang thu hút ngày càng nhiều tay chơi. Làm thế nào để phát triển lớn mạnh chuỗi cửa hàng thời trang, thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư