Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
“Sự bất thường mới” trong chiến tranh thương mại và tiền tệ
GS-TS Trần Ngọc Thơ - 12/08/2019 08:31
 
Tuần lễ vừa qua chứng kiến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tung ra gói áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD nhập vào Mỹ, có hiệu lực vào đầu tháng 9 tới. Đáp trả, Trung Quốc cũng lần đầu tiên trong 11 năm để đồng nhân dân tệ (NDT) rơi khỏi lằn ranh đỏ 7 NDT/USD.
Căng thẳng Mỹ - Trung đang tác động mạnh đến thương mại toàn cầu. Ảnh: Lê Toàn
Căng thẳng Mỹ - Trung đang tác động mạnh đến thương mại toàn cầu. Ảnh: Lê Toàn

Tại sao Trung Quốc và Mỹ vẫn để ngỏ khả năng về một cuộc chiến tranh tiền tệ?

Khái quát lại diễn biến vừa qua, có thể tóm gọn lại một điều là, bất kỳ khả năng nào cũng có thể xảy ra. Thậm chí, khả năng xấu nhất là chiến tranh tiền tệ toàn diện cũng có thể xảy ra với xác suất không nhỏ. Cho dù điều này kéo theo suy thoái dài hạn không chỉ với Mỹ và Trung Quốc, mà còn với cả thế giới, nhưng tại sao cả hai vẫn để ngỏ khả năng đó?

Nếu các phân tích chỉ thuần túy dựa vào các lý thuyết kinh tế và khả năng thực tế của Mỹ và Trung Quốc, thì tất cả đều đưa đến nhận định rằng, 2 bên chỉ mới đang “ăn miếng trả miếng” để chứng tỏ họ sẵn sàng không chịu nhượng bộ, chứ chưa đến mức dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ. Tuy nhiên, bất hạnh là, cuộc chiến tranh tiền tệ và suy thoái toàn cầu, nếu có, lại đến từ ý chí của 2 vị lãnh đạo tối cao của 2 siêu cường là ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình. Rất nhiều tờ báo quốc tế sử dụng cụm từ “Trump - Tập” để nói lên ý chí cá nhân của các vị này trong toàn bộ bài phân tích “Bất ngờ áp thuế là do Trump, để NDT vượt lằn ranh đỏ là do Tập”.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm chạp chưa từng có, bất chấp các gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ và các nền kinh tế phát triển. Các nhà kinh tế đã phát kiến ra thuật ngữ “sự bình thường mới” để nói về tình hình này.

Ngày nay, các logic bình thường không thể sử dụng để đoán định ý chí của cá nhân ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình. Họa chăng, chúng ta cần phải sử dụng thuật ngữ “sự bất thường mới”, thì mới có thể diễn tả được những gì đang và sẽ diễn ra trong cuộc chiến thương mại giữa 2 siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.

Cách của Donald Trump càng góp phần biến NDT yếu thành một thứ vũ khí mạnh

Ngày 26/7/2019, ông Trump khẳng định không loại trừ khả năng sẽ chỉ đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính can thiệp vào thị trường nhằm làm yếu USD để hỗ trợ xuất khẩu. Học thuyết USD mạnh, với cam kết không bao giờ làm suy yếu đồng tiền, được nguyên Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin đưa ra vào năm 1995 như là cách tạo cầu của thế giới cho trái phiếu kho bạc Mỹ và giúp họ củng cố vị trí của USD như là đồng tiền dự trữ số 1 của thế giới.

Bây giờ, chính sách USD mạnh đã bị đặt dấu hỏi khi Donald Trump nói: “Nếu muốn, chỉ cần 2 giây, tôi sẽ đảo ngược hết mọi thứ”. Những ai yếu bóng vía, ít kiến thức chuyên môn tiền tệ thì hoảng sợ, thị trường vàng chịu không ít chao đảo. Nhưng giới chuyên môn thì nghĩ, đó là điều bất khả thi.

Với tựa đề “Chính quyền Trump có rất ít công cụ làm yếu USD”, tờ Financial Times đã gọi các phát biểu của ông Donald Trump chỉ là cách “can thiệp bằng võ mồm”, chỉ có tác động trong ngắn hạn, chứ không thể thực sự làm thay đổi chính sách. Với quy mô thị trường ngoại hối toàn cầu trị giá trên 5.000 tỷ USD/ngày, trong đó, giao dịch bằng USD chiếm gần 4.500 tỷ USD, thì không định chế nào có đủ nguồn lực làm yếu USD. Về mặt pháp lý, nếu muốn, ông Trump cũng chỉ có thể sử dụng ngay lập tức quỹ bình ổn tỷ giá (Exchange Stabilization Fund), với trị giá hiện nay ước chỉ khoảng vài trăm tỷ USD. Rõ ràng, đây là một nhiệm vụ hoàn toàn bất khả thi.

Phải sử dụng thuật ngữ “sự bất thường mới”, thì mới có thể diễn tả được những gì đang và sẽ diễn ra trong cuộc chiến thương mại giữa 2 siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.

Tờ Wall Street Journal có phân tích cho rằng, việc Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm lần đầu tiên sau 11 năm quả thật là một sự trợ giúp quá hào phóng với Trung Quốc. Fed cắt giảm lãi suất, USD yếu đi, Trung Quốc lại cho rằng, NDT đang được điều hành hướng về thị trường, nên cũng phải yếu theo. Sự giúp đỡ hào phóng chưa dừng lại ở đó. Sau đó, Trump lại dán Trung Quốc nhãn thao túng tiền tệ. NDT tự nhiên phải tiếp tục yếu đi và kéo theo nhiều đồng tiền khác yếu thêm. Và cứ thế, USD lại mạnh lên thêm nữa so với hàng loạt đồng tiền chủ chốt. Các hành động của ông Trump trước và sau phủ định lẫn nhau. Cho đến giờ, hầu hết các nhà phân tích, thậm chí cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều cho rằng, NDT vượt lằn ranh đỏ là có cơ sở, rằng họ không phải là kẻ thao túng tiền tệ.

Về mặt lịch sử, các can thiệp của Fed nếu muốn thành công thì phải có sự hợp tác ở tầm quốc tế, như cách mà Fed hợp tác với Ngân hàng Trung ương châu Âu (năm 2000) và Nhật Bản (năm 2011). Từ năm 1995 đến nay, Fed chỉ mới 3 lần can thiệp nhỏ như vậy, cũng chỉ để mang tính biểu tượng nhằm làm chậm đà tăng của euro và yen Nhật.

Sức mạnh của USD còn đến từ bên ngoài nước Mỹ, điều mà ông Donald Trump không thể tác động đến được. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt nhất so với phần còn lại của thế giới. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm là 2%. So với lợi suất âm của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản hiện nay, thì dòng vốn quốc tế vẫn tiếp tục chảy vào các tài sản an toàn định danh bằng USD. Và cứ thế, USD vẫn tiếp tục mạnh lên, bất chấp những phát biểu của Donald Trump. Đặc biệt, trong bối cảnh bất định toàn cầu, thái độ ghét rủi ro của các nhà đầu tư ngày càng tăng lên, các tài sản an toàn định danh bằng USD càng là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư toàn cầu.

Tóm lại, mọi cách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành đều dẫn đến kết quả ngược. Ông muốn USD là đồng tiền yếu thì nó lại trở thành mạnh; ông muốn NDT mạnh, thì nó lại yếu đi và trở thành một thứ vũ khí mạnh. Trong thế giới của Donald Trump, cái gì xấu đi với Trung Quốc sẽ là tốt hơn đối với Mỹ. Thực tế cũng ngược với ông nghĩ, khi đây là cuộc chơi mà cả 2 bên cùng thua. Kinh tế toàn cầu đâu đơn giản như cách ông Donald Trump điều hành một doanh nghiệp.

Đến cách của ông Tập Cận Bình là mở đầu cuộc vạn lý trường chinh mới

Cho đến giờ, giới quan sát đặc biệt chú ý việc liệu Trung Quốc có vũ khí hóa NDT. Thêm vào đó, sự quan tâm ở mức cao nhất còn dành cho câu hỏi liệu Trung Quốc có kích hoạt kho vũ khí dự trữ ngoại hối ngàn tỷ USD bằng việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ hay không. Chỉ cần 1 trong 2 điều này xảy ra, thì một cuộc chiến tranh tiền tệ hầu như là chắc chắn. Đã có quá nhiều phân tích cho thấy lý do Trung Quốc không thể sử dụng cả 2 công cụ này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, khi ta đang nói về ý chí cá nhân, thì mọi suy nghĩ theo logic thông thường sẽ bị phá sản. Ngay sau cuộc hòa đàm thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ vào tháng 5/2019, ngay lập tức, ông Tập Cận Bình đã đến thăm tỉnh Giang Tây với thông điệp kêu gọi toàn dân sẵn sàng tiến vào một cuộc vạn lý trường chinh mới. Ông kêu gọi một gói kích thích tài khóa khổng lồ và đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Ông muốn các công ty Trung Quốc làm chủ cuộc chơi toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao.

Nhưng các chính sách trường chinh mới này càng làm cho nợ quốc gia và nợ khu vực doanh nghiệp tăng vượt mức, tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng nợ chủ quyền và nợ khu vực doanh nghiệp. Đáng lưu ý là, nhiều nghiên cứu đã đặt vấn đề khi nào một cuộc khủng hoảng nợ như thế sẽ đến với Trung Quốc, thay cho câu hỏi là nó có xảy ra hay không.

Ông Tập Cận Bình có thể sử dụng lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ để tiến hành cuộc trường chinh mới. Nhưng nếu như thế, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ và ông sẽ mất đi thứ vũ khí ngàn tỷ USD để có thể đe dọa Mỹ. Một cách khác, một mặt, ông Tập Cận Bình tìm cách từng bước thoát khỏi lệ thuộc vào USD, như cách Nga đang thực hiện khá thành công. Mặt khác, ông ra lệnh mở cửa thị trường tài chính nhiều hơn nữa để thu hút dòng vốn nước ngoài. Nhưng khác với Nga, kinh tế Trung Quốc đã hội nhập quá sâu vào chuỗi kinh tế toàn cầu và với Mỹ. Biết đến bao giờ Trung Quốc mới thoát ra khỏi? Còn nếu tiến hành tự do hóa tài khoản vốn ào ạt, thì an ninh tiền tệ của Trung Quốc liệu có bảo đảm? Trong điều kiện vẫn còn kiểm soát vốn khá nghiêm ngặt mà dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã bị thổi bay 1.000 tỷ USD để hỗ trợ cuộc khủng hoảng NDT năm 2015, thì họ dám tự do hóa tài khoản vốn như thế nào đây?

Nói chung, có quá nhiều dấu hỏi cho những quyết tâm chính trị mang đậm tính cá nhân của ông Tập Cận Bình. Điều này cho thấy, chỉ cần một thoáng quyết định cá nhân sai lầm của ông là sẽ không chỉ đẩy Trung Quốc đến đổ vỡ, mà còn tạo ra cơn suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việt Nam phải làm gì?

Thế giới đứng trước các quyết định và tính toán cá nhân của lãnh đạo 2 siêu cường. Điều mà chúng ta biết chắc nhất là không biết những gì sẽ xảy ra. Đó chính là một sự bất thường mới trong kinh tế toàn cầu. Đối với Việt Nam, chỉ có chính sách dĩ bất biến ứng vạn biến mới có thể khắc chế được sự bất thường mới, thậm chí còn phát huy tác dụng tốt trong lúc này.

Hãy để ý trên các trang báo quốc tế, cái tên Việt Nam rất thường xuyên xuất hiện trong các tính toán của Mỹ và Trung Quốc. Là quốc gia có vị trí địa - kinh tế - chính trị thuận lợi, Việt Nam có khả năng như là một giao thoa giữa các dòng thương mại và tài chính trong cuộc chiến thương mại. Chúng ta không bao giờ nên để cho có bất kỳ một sứt mẻ nào trong ổn định kinh tế vĩ mô. Hãy cam kết mạnh mẽ hơn nữa về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như cải thiện thực chất môi trường đầu tư. Hãy để cho tên Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa trên các phương tiện truyền thông thế giới, như là điểm đến lý tưởng trong các phân tích sắp tới đây của họ về các diễn biến khó lường trong cuộc đấu của 2 siêu cường. Tại sao chúng ta không dám ước mơ: Việt Nam, chứ không phải các tài sản như vàng hay USD, mới chính là nơi trú ẩn an toàn nhất của các dòng vốn quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực: Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, Việt Nam nên hành động thế nào?
Ngay sau khi khi tỷ giá đồng nhân dân tệ (CNY) hạ xuống còn hơn 7 CNY/USD, mức mất giá mạnh nhất của CNY trong hơn chục năm nay, Mỹ đã đưa Trung Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư