Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sử dụng hiệu quả, minh bạch Quỹ Bảo vệ môi trường
Việt Dũng - Nguyễn Ngân - 13/11/2022 16:31
 
Việc thu tiền Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2023. Các doanh nghiệp đang có nhiều ý kiến đóng góp nhằm sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn tài chính từ quỹ này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Còn nhiều lo ngại

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020), các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm xử lý chất thải. Doanh nghiệp không trực tiếp xử lý chất thải phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải. Việc thu tiền Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2023, song dự thảo thông tư hướng dẫn vẫn còn nhiều điểm khiến cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, có 3 vấn đề lớn cần giải quyết trong dự thảo thông tư này. Cụ thể là: quy định về hoạt động của Văn phòng EPR - cơ quan giúp việc của Hội đồng EPR quốc gia (EPR: trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - PV) mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Nghị định 08) và các quy định pháp luật hiện hành… Nghị định 08 quy định, Hội đồng EPR Việt Nam quản lý khoản đóng góp của doanh nghiệp, nhưng dự thảo thông tư không quy định thành phần của Hội đồng EPR, theo đó, cần phải có quy định rõ và cho phép doanh nghiệp tham gia để quản lý cho minh bạch. Đặc biệt, cơ chế quản lý khoản đóng góp của doanh nghiệp theo cơ chế xin - cho, không có tiêu chí rõ ràng, dễ phát sinh tiêu cực.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam và đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, Văn phòng EPR đang sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của doanh nghiệp nộp để tái chế sản phẩm, bao bì. Thậm chí, có một số mục chi chưa rõ ràng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng cho hay, Hiệp hội kiến nghị, trong Hội đồng EPR phải có thêm thành viên đại diện hiệp hội ngành hàng chủ lực tại Việt Nam và đại diện hiệp hội ngành hàng của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

“Từ khi có Luật Bảo vệ môi trường đến nay, các doanh nghiệp ngành nhựa đều rất ủng hộ, sẵn sàng đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn, làm thế nào để Quỹ hoạt động hiệu quả, rõ ràng, minh bạch, để doanh nghiệp thấy được, số tiền mình đóng góp đã mang lại giá trị cho xã hội, môi trường và cho cả cộng đồng”, bà Mỹ nói.

Tiếp tục gỡ vướng

Trước những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia đã được quy định tại khoản 2, Điều 88, Nghị định 08.

Ông Hùng cho biết, dự thảo thông tư đề nghị tên là Văn phòng EPR Việt Nam. Tuy nhiên, các vấn đề nêu trên sẽ được quy định ở văn bản khác mà không quy định trong dự thảo thông tư này, vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư liên quan đến chi phí Văn phòng EPR.

Cũng theo ông Hùng, quy định chi cho quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu đã quy định tại khoản 1, Điều 82, Nghị định 08 và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy định tại khoản 5, Điều 83, Nghị định 08, do vậy, việc quy định các mục chi quản lý hành chính hiện nay là phù hợp với quy định hiện hành.

Trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, sẽ nghiên cứu, điều chỉnh để không quy định chi phí cụ thể, mà quy định chung là chi phí quản lý hành chính. Trong dự thảo hiện nay, việc quy định cụ thể chi phí quản lý hành chính để bảo đảm tính chặt chẽ và có thể thực hiện được ngay theo định mức chi của cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Việc trích bao nhiêu phần trăm từ Quỹ Bảo vệ môi trường để phục vụ quản lý sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

“Hiện nay, các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đã đóng hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Để sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn tài chính này, cần phải có quy định của pháp luật điều chỉnh. Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội và doanh nghiệp để hoàn thiện hơn. Mục đích chung là để hỗ trợ các đơn vị tái chế, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường”, ông Hùng nói.

Lo thiệt hại tài chính từ ký quỹ bảo vệ môi trường
Quy định cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đang gây tranh cãi là gánh nặng, gây thiệt hại về tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư