Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sứ mệnh để người cầm bút dấn thân
Bảo Duy - 27/09/2017 13:03
 
Xác định sứ mệnh đồng hành với sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, báo chí - trong đó có Báo Đầu tư - đang tạo nên thế không thể đi khác ngay trong những “vùng lõm” trì trệ về tư duy phát triển…

1.

Hôm nay (ngày 27/9), Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương sẽ diễn ra tại TP.HCM. Đây là cuộc làm việc thứ hai, sau khi đã tạo cơn sốt nóng trong giới kinh doanh tại Hà Nội vào 2 ngày trước.

Đương nhiên, báo chí không thể đứng ngoài. Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - người được biết đến là một trong những “chiến binh kỳ cựu” của cuộc chiến với giấy phép con gần 20 năm qua – còn nhắn nhủ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, đừng bỏ qua bất cứ chi tiết nhỏ nào trong hội nghị này.

Đồng hành với sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp là sứ mệnh của báo chí - trong đó có Báo Đầu tư. Trong ảnh: Phóng viên báo chí và khách mời tham dự họp báo tại Cơ quan Báo Đầu tư.
Đồng hành với sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp là sứ mệnh của báo chí - trong đó có Báo Đầu tư. Trong ảnh: Phóng viên báo chí và khách mời tham dự họp báo tại Cơ quan Báo Đầu tư.

Điện thoại của ông Cung gần như không nghỉ trong mấy ngày qua, kể cả cuối tuần. Báo chí gọi đến ông để tìm lời bình cho quyết định được gọi là lịch sử của Bộ Công thương về phương án cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh của ngành.

“Không dễ có được quyết định “tự cắt chân” mình. Bộ Công thương lúc này cần sự ủng hộ của truyền thông để thay đổi. Các doanh nghiệp cũng cần biết cam kết này để có ý kiến, giám sát thực thi và đòi hỏi thay đổi tiếp theo ở các bộ trưởng khác”, ông Cung chia sẻ lý do không từ chối bất cứ một cuộc điện thoại nào, nhất là những câu hỏi hoài nghi.

Ông Cung thực sự hiểu lý do của những hoài nghi về tính khả thi của Quyết định 3610a/QĐ-BCT mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký vào ngày 20/9 vừa rồi.

675 điều kiện được dự liệu sẽ cắt bỏ là con số không lớn so với hơn 4.000 điều kiện kinh doanh hiện hữu của các ngành, nhưng chiếm quá nửa trong khoảng 1.300 điều kiện kinh doanh của riêng ngành công thương và rất nhiều so với số điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ trong gần 20 năm qua. Tính từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định 19/2000/QĐ-TTg bãi bỏ 84 giấy phép con vào ngày 3/2/2000, theo đề nghị của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, số giấy phép con, điều kiện kinh doanh vô lý bị bãi bỏ một cách thực chất có lẽ chưa bằng nửa con số mà Bộ Công thương đưa ra.

Trong cuộc “đại phẫu” hệ thống điều kiện kinh doanh kết thúc vào 1/7/2016, thuật ngữ giấy phép con (khái niệm chỉ những điều kiện kinh doanh không đáp ứng tiêu chí được ban hành tại các văn bản từ nghị định trở lên) được xóa sổ cùng với con số ấn tượng là gần một nửa trong số khoảng 7.000 điều kiện kinh doanh. Nhưng tổng kết lại, nhiều trong số đó đã được “hợp pháp hóa” tại các nghị định. Riêng ngành công thương, số điều kiện kinh doanh bị doanh nghiệp tố khổ nhiều năm chưa giải quyết được gần như lớn nhất.

“Phải có sự thống nhất trong nội bộ của Bộ Công thương mới có được Quyết định 3610a/QĐ-BCT. Giả sử còn có người không đồng tình, nhưng khi báo chí đã đưa tin, đã chỉ rõ tên tuổi 16 ngành có điều kiện kinh doanh thuộc diện xem xét, bãi bỏ, thời gian thực hiện, như cắt 76 điều kiện trong kinh doanh khí gas... ngay trong năm 2017, thì dù không muốn cũng phải tuân thủ, không thể đi ngược”, ông Cung lý giải.

2.

Điều mà ông Cung cũng như những người đã tham gia cuộc chiến với giấy phép con thời kỳ đầu, như ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) kỳ vọng hơn, đó là sức lan tỏa và chiến đấu của báo chí sẽ đưa chuyện của Bộ Công thương đi xa hơn.

“Không ai muốn bộ trưởng xuất hiện trên truyền thông trong thế bị so sánh”, ông Huỳnh thẳng thắn.

Còn ông Cung thì nhắc, đích đến của cuộc chiến này là một môi trường kinh doanh “thị trường hơn, cạnh tranh hơn cho doanh nghiệp thực sự phát triển”. Có nghĩa là, sự thay đổi về tư duy, cách làm sẽ không thể dừng lại ở một vài địa điểm.

Phải nhắc lại trường hợp của Bộ trưởng Bộ Y tế vài ngày trước, khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu đã chỉ ra Bộ Y tế có văn bản trái hoàn toàn ý kiến của Thủ tướng.

Việc là, sau cuộc họp ngày 13/3/2107, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất muối bổ sung i-ốt, nhưng Công văn số 1216/BYT-PC do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang thừa lệnh Bộ trưởng ký ngày 14/3/2017 lại buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối tăng cường I-ốt...

Nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam có thể sẽ “bị lỡ tàu” bởi những “vùng lõm” về tư duy cải cách như trên. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tâm sự, nhiều doanh nghiệp không muốn nói gì nữa.

“Có phải chúng ta đang đi ngược và ngày càng cách xa với cách thế giới quản lý thực phẩm không? Năm 2017, 679 doanh nghiệp Việt không được cấp mã số nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nữa. Khi chúng tôi nói con số này, có ý kiến từ Bộ Y tế nói không đáng tin vì không doanh nghiệp nào kêu. Nhưng có doanh nghiệp không muốn kêu nữa”, bà Hạnh nói.

Nhưng báo chí không bỏ cuộc. Diễn biến câu chuyện bất nhất trong quản lý nhà nước của ngành y tế đã được báo chí truyền tải trong mấy tháng qua, với những thán từ “khốn khổ”, “khiếp sợ” để diễn tả cảm xúc của doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Những lần hứa và không thực hiện lời hứa của Bộ Y tế với doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng được báo chí điểm danh đầy đủ.

Bộ Y tế sẽ phải hủy bỏ văn bản này theo yêu cầu của Tổ công tác. Tư duy về quản lý nhà nước trong việc sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP sẽ phải thay đổi, theo đúng chỉ đạo của Tổ công tác là bỏ thủ tục xác nhận công bố sự phù hợp an toàn thực phẩm.

“Nhiều người không muốn thế, tôi cảm nhận như vậy, nhưng áp lực của Chính phủ, của doanh nghiệp được truyền thông lan rộng, buộc họ phải tuân theo xu thế. Đây là điều công cuộc cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện bằng được rất cần”, ông Cung nói.

3.

Nhiều lần, ông Cung nói  với báo chí những điều mạnh mẽ hơn những gì đã phát biểu trong hội nghị chính thức. Ngay cả nhận định gây tranh cãi là kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng hơn con số 6,7% đang được đặt ra cho năm 2017, thậm chí có thể tới 7-8% cũng được ông chia sẻ đầu tiên trên Báo Đầu tư.

“Dư địa tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nằm ở khu vực kinh tế tư nhân. Cách đây 30 năm, khi chúng ta mở cửa thị trường, tự do hóa giá cả, nguồn lực trong dân bung ra. Hiện tại, thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường vốn, tín dụng, thị trường quyền sử dụng đất đang bị kìm hãm bởi hành chính xin - cho, chỉ cần trả lại thị trường, cộng với phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo nguyên tắc và quy luật thị trường, khu vực tư nhân sẽ lại bung mạnh”, ông Cung nói.

Khi đề đạt các phương án cắt bỏ điều kiện kinh doanh, các chuyên gia đã kỳ vọng tới sự trỗi dậy của các ý tưởng kinh doanh mới, sự bung ra của nguồn lực dồi dào trong dân. Quan trọng là doanh nghiệp Việt sẽ xác định con đường phát triển mới, dựa trên năng suất, năng lực cạnh tranh thay vì quan hệ, tận dụng khe hở chính sách… Song, điều quan trọng là tư duy đổi mới và thực thi phải đồng bộ.

Trở lại quyết định lịch sử của Bộ Công thương, ông Huỳnh cho rằng, báo chí cần theo dõi, đồng hành để không chỉ tạo áp lực cho Bộ Công thương, mà còn là áp lực buộc các bộ, ngành khác phải chuyển động. “Bộ Công thương cắt được cả trăm điều kiện thì không có lý gì bộ trưởng khác nói không làm được”, ông Huỳnh khẳng định.

Xã hội kỳ vọng về báo chí rất lớn. Đó là những công việc khó khăn, nhưng xứng đáng để người cầm bút dấn thân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng Báo Đầu tư nhân ngày Báo chí Cách mạng
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư