Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sự thật kỹ năng thoát hiểm của người Việt
Th.S Nguyễn Duy Kha - 23/12/2014 15:45
 
Thử làm một liệt kê nho nhỏ những tai nạn thương tâm trong thời gian gần đây, chúng ta không khỏi bàng hoàng, đau xót. Nhưng mấy người Việt Nam đã thực sự có ý thức trang bị cho mình những kỹ năng sống thiết thực, kỹ năng đối mặt với tai nạn, hiểm nguy?
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ Xây dựng phân định trách nhiệm vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng
Nữ nạn nhân duy nhất trong hầm thủy điện Đạ Dâng từng gọi tên con trong tuyệt vọng
Giải cứu nạn nhân vụ sập hầm: Lời người trở về từ cõi chết
Kết quả bất ngờ về cuộc khảo sát kỹ năng sống của học sinh THPT

Những con số biết nói

Thử làm một liệt kê nho nhỏ những tai nạn thương tâm trong thời gian gần đây, chúng ta  không khỏi bàng hoàng, đau xót .

Sự thật kỹ năng thoát hiểm của người Việt

Cứu hộ nạn nhân vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng,Tỉnh Lâm Đồng

Trước hết, phải kể đến vụ việc hãy còn rất “nóng hổi” những ngày vừa qua , đó là vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ,Tỉnh Lâm Đồng vào sáng 16/12/2014 cô lập 12 công nhân, may mắn rằng các nạn nhân đã được giải cứu sau 82 giờ . Hay là vụ tai nạn giao thông tại Quảng Ninh giữa xe container kéo theo rơ-mooc với xe khách giường nẳm chạy tuyến Móng Cái - Hà nội vào ngày 16/12/2014 làm 6 người chết và 12 người bị thương,hoặc vào ngày 16/12/2014, xe tải quân sự của Lữ đoàn E83 lao xuống vực sâu làm 5 chiến sĩ hy sinh và 4 chiến sĩ khác bị thương nặng. Trước đó, vào đêm 01/9/2014, xe khách giường nằm chở hơn 50 người lao xuống vực sâu tại Sapa,đã làm 11 người chết tại chỗ, 3 người chết trong khi điều trị và những người còn lại đều bị thương. Hay một vụ tai nạn khác liên quan đến hỏa hoạn  vào ngày 3/5/2014 xảy ra cháy tại quán Karaoke Nhật Thực, Giảng Võ, Hà Nội khiến 5 người thiệt mạng...Còn vô số vụ tai nạn thảm khốc khác trong năm 2014 mà chúng ta chưa thể liệt kê hết.

Mỗi chúng ta dù không ai muốn, nhưng cũng phải đối diện với sự thật nghiệt ngã rằng, tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào và bất kỳ hoàn cảnh nào. Một khi tai nạn bất ngờ xảy ra, nếu may mắn thì bị tổn thương tinh thần, thân thể, kinh tế. Nếu ở vào hoàn cảnh kém may mắn hơn như những vụ việc nêu trên thì hậu quả là những tổn thất vô cùng lớn , đánh đổi cả tính mạng và hơn nữa, để lại hệ quả lâu dài cho các cá nhân, gia đình và xã hội. Có những gia đình rơi vào cảnh” tan cửa, nát nhà”, có những doanh nghiệp thì hoàn toàn kiệt quệ, thậm chí dẫn đến phá sản. Xã hội và nhà nước lại tăng thêm gánh năng từ những hậu quả của các vụ việc mang lại.

Sự thật kỹ năng thoát hiểm của người Việt Nam

Và câu hỏi đặt ra rằng “Liệu mỗi người chúng ta có thể làm gì để hạn chế các rủi ro cho chính mình” khi tai nạn bất ngờ xảy ra. Câu trả lời rõ ràng rằng, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế tối đa các rủi ro và tăng cơ hội sống sót nếu được trang bị kỹ năng thoát hiểm cá nhân .Không ai có thể tự tin trả lời rằng “Tôi hoàn toàn bình tĩnh để tìm cách xử lý an toàn khi tai nạn xảy ra”, nhưng với những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm được rèn luyện từ nhỏ hay được quan tâm đúng mức trong các hoạt động cá nhân hằng ngày, ít nhiều sẽ hình thành một “phản xạ có điều kiện” giúp cho mỗi người bảo vệ tính mạng của chính mình nếu không may rơi vào các tình huống nguy hiểm.

Tôi dám chắc chắn rằng, phần lớn người dân Việt Nam không biết cách sử dụng đúng cách bình cứu hỏa hay cách thoát hiểm tối thiểu khi xảy ra hỏa hoạn, hay chẳng mấy ai quan tâm đến việc quan sát lối thoát hiểm ở đâu khi có sự cố xảy ra trong các buổi tiệc đông người. Trên các chuyến xe khách để hành lý tràn lan ra lối đi chung rồi đến khi chẳng may có sự cố thì không còn đường để mà chạy, hoặc khi xây dựng nhà ở cho chính mình cũng không quan tâm đúng mức đến việc lối thoát hiểm ở đâu cho gia đình mình khi xảy ra sự cố; ngay cả khi chủ nhà có quan tâm đến các việc này đi chăng nữa thì khi xảy ra sự cố cũng thiếu kiến thức cơ bản để làm sao thoát hiểm cho bản thân.

Ngay cả khi đi đến một khách sạn để lưu trú, chẳng mấy ai quan tâm đến việc lối thoát hiểm ở đâu và quan sát trong tình huống khẩn cấp, làm sao để di chuyển đến nơi an toàn nhanh nhất để thoát thân mà thông thường chỉ quan tâm đến khách sạn có đẹp không, sạch không, giá cả có phù hợp không ..v..v..

Trong khi đó, các nước có nền giáo dục tiên tiến và kinh tế xã hội phát triển thì mỗi con người từ khi ra đời, cho đến khi trưởng thành, họ luôn được đào tạo song song kỹ năng mềm, kiến thức cơ bản và kỹ năng sinh tồn khi thảm họa xảy ra. Vì vậy, giả sử  khi bất ngờ có sự cố không may xảy đến trong khu vực có người Việt Nam và người châu Âu cùng độ tuổi và sức khỏe như nhau, nhiều khả năng, người châu Âu sẽ tự bảo vệ mình tốt hơn và theo logic, cơ hội sống sót của họ cũng sẽ cao hơn

Bắt đầu từ đâu?

Trong trường học, từ khi trẻ em bước vào trường mầm non cho đến khi tốt nghiệp đại học, hình như chương trình đào tạo kỹ năng sống sót trong tình huống hiểm nguy không được quan tâm đúng mức. Ngay cả ngoài xã hội, các chương trình đào tạo kỹ năng mềm như “Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng trình bày, Kỹ năng thương thuyết..v..v.” mọc lên như nấm sau mưa, nhưng  nghịch lý là chẳng mấy ai quan tâm đến việc đào tạo ‘Kỹ năng sống sót trong tai nạn”, trong khi ai cũng phát biều chính xác rằng“ tính mạng của con người là tài sản vô giá”.

Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội, báo chí, truyền hình, truyền thông ...bắt đầu dần dần có những bài viết, những chương trình hướng dẫn cho cộng đồng các kỹ năng sống sót cho chính mình  khi thảm họa xảy ra, đây là điều rất đáng ghi nhận. Mặc dù biết rằng, kỹ năng phải được luyện tập thường xuyên mới trở thành “phản xạ có điều kiện” và thói quen khi tình huống khẩn nguy bất ngờ xảy ra chứ không thể chỉ ngồi đọc là đã xử lý được, nhưng dù sao “có vẫn còn hơn không”.

Việc cần làm ngay bây giờ là trang bị kiến thức sống sót cần thiết cho mỗi người khi thảm họa không may xảy ra, để họ có thể tự bảo vệ mình và tìm cách sống sót trong thời gian chờ sự trợ giúp từ người khác. Đối với các trường học có thể lồng ghép vào các chương trình giảng dạy ngay từ bậc mầm non cho đến đại học và không chỉ lý thuyết suông với vô vàn con chữ làm rối mắt, mà phải có hình ảnh, video clip minh họa trực quan kèm theo việc thực hành như là một cuộc “diễn tập” thực sự cho các tình huống giả định.

Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của ngành giáo dục thì các phương tiện truyền thông cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, nhanh chóng, sẽ ít nhiều giúp ích được cho cộng đồng để mỗi chúng ta được trang bị một vài kiến thức thoát hiểm trong tình huống khẩn nguy cơ bản hoặc dự phòng cho các tình huông khẩn nguy trong tương lai.

Có thể có sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, truyền hình thực hiện một chuyên mục thường kỳ hướng dẫn kỹ năng sống sót cho cộng đồng với sự hướng dẫn của các chuyên gia .Hoặc cũng có thể kêu gọi cộng đồng mạng, thông qua các trang mạng xã hội, chia sẽ kinh nghiệp thoát hiểm của bản thân để mọi người cùng học hỏi. Các chuyên gia sức khỏe và an toàn cho xuất bản các cuốn sách hướng dẫn các kỹ năng sống sót khi tai nạn xảy ra cho cộng đồng, hoặc dưới hình thức truyện tranh hướng dẫn cho các em nhỏ ..v..v.. và còn rất nhiều cách tiếp cận khác nếu chúng ta thật sự muốn thực hiện.

Lúc này, có thể đã là quá trễ để nói về đào tạo kỹ năng thoát hiểm cho nhiều thế hệ của người Việt Nam chúng ta từ khi bắt đầu đến trường học, nhưng bây giờ vẫn còn kịp nếu chúng ta nhận ra tầm quan trọng của nó và có những hành động cụ thể, nhanh chóng nhằm giúp ích cho cộng đồng và cả chính bản thân mỗi người chúng ta. Không ai dám chắc mình sẽ an toàn mãi mãi. Tính mạng con người là vô giá và tính mạng của chính chúng ta càng vô giá hơn. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải bắt tay làm ngay thay vì đợi đến  khi “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư