Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Sự thực việc Samsung dịch chuyển sản xuất từ Bắc Ninh sang Thái Nguyên để hưởng ưu đãi thuế
Nguyên Đức - 17/09/2015 08:03
 
Việc giá trị sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh sụt giảm so với cùng kỳ, trong khi lại tăng mạnh ở Thái Nguyên làm nảy sinh những nghi ngờ về việc tập đoàn này chuyển sản xuất sang Thái Nguyên để được hưởng ưu đãi thuế. Thực hư ra sao?

Thông tin trong những ngày gần đây, đó là theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh này trong năm 2014, dự kiến 2015 sẽ sụt giảm. Lý do là vì, kế hoạch sản xuất của một số dự án lớn, trong đó có Samsung, sụt giảm.

Trong khi đó, số liệu từ Cục Hải quan Bắc Ninh, Cụ thế, quý I/2015, Samsung Bắc Ninh (SEV) chỉ xuất khẩu hơn 3,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 6 tỷ USD của quý I năm trước. Con số ở Samsung Thái Nguyên (SEVT) thì ngược lại, xuất khẩu 3,6 tỷ USD quý I năm nay, còn quý I năm trước là hơn 77 triệu USD. Số liệu nhập khẩu được so sánh giữa hai kỳ tương ứng với SEV là 3,1 tỷ USD và 5,1 tỷ USD, còn SEVT là 3,7 tỷ USD và 246 triệu USD.

Dẫn số liệu này, Cục Hải quan Bắc Ninh đã nhận định rằng, do SEVT có quy mô sản xuất lớn, dây chuyền công nghệ tiên tiến và đặc biệt là do đóng trên địa bàn Thái Nguyên - đang trong thời gian hưởng ưu đãi 100% thuế thu nhập doanh nghiệp - nên doanh nghiệp sẽ cân đối kế hoạch sản xuất tại nơi nào có mức chi phí thấp nhất để có lợi cho tập đoàn.

Những số liệu này khiến dư luận nghi ngờ về việc Samsung chuyển sản xuất sang Thái Nguyên để được ưu đãi thuế. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, đại diện Samsung Electronics Việt Nam khẳng định, thông tin này là không đúng sự thật.

Theo lý giải của vị này, doanh thu của SEV giảm trong quý I/2015 là do phải tập trung đầu tư số lượng lớn máy công nghệ cao để sản xuất dòng điện thoại cao cấp S6 và S6 edge có khung kim loại. “Dù con số của quý I có hơi đặc biệt, nhưng đến cuối năm, doanh số của nhà máy SEV sẽ vẫn ở mức tương đương, hoặc chỉ giảm không đáng kể so với năm 2014”, vị này cho biết và nhấn mạnh rằng, khi Samsung Display, vừa tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD, hoạt động hết công suất, giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh sẽ có đà tăng trưởng lớn.

Thực tế, từ năm ngoái, đã có chuyện sản xuất ở SEV sụt giảm so với năm 2013. Vào thời điểm đó, đại diện của Samsung đã khẳng định với Báo Đầu tư, đó là do sự “phân công sản xuất” giữa hai khu tổ hợp ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Kết quả, cả năm, cả hai khu tổ hợp của Samsung xuất khẩu được 26,3 tỷ USD.

Câu chuyện đang lặp lại ở năm nay và và khẳng định trên tiếp tục được đưa ra. Thậm chí, vị này còn nhắc đến chuyện Samsung đã đầu tư hàng tỷ USD ở cả hai khu tổ hợp (SEV là 2,5 tỷ USD, SEVT là 5 tỷ USD - PV), tức là xác định đầu tư hoàn toàn nghiêm túc và dài hơn, để khẳng định, Samsung chắn chắn sẽ tập trung sản xuất để khai thác, chứ không có chuyện “chạy đi đâu”.

Xem xét số liệu thống kê, quý I/2015, cả SEV và SEVT đều xuất khẩu 3,6 tỷ USD - không hề có sự chênh lệch. Quý I/2014, do SEVT chỉ bắt đầu đi vào sản xuất từ ngày 10/3, nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 77 triệu USD là dễ hiểu. Và cũng vì khi đó, chưa phải “chia lửa” cho SEVT, nên kim ngạch xuất khẩu của SEV rất lớn là như vậy.

Số liệu nhập khẩu cũng không khó để giải thích. SEV vào cuối tháng 6/2013 đã nhận giấy chứng nhận đầu tư thêm 1 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD, do vậy, quý đầu năm sau, vừa nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, vừa nhập khẩu thiết bị máy móc để mở rộng sản xuất. Tương tự, đầu năm nay, SEVT cũng phải vừa nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa nhập khẩu máy móc cho hai nhà máy sản xuất khung kim loại, vốn đầu tư 3 tỷ USD, mà họ mới quyết định đầu tư vào cuối năm 2014.

Quy mô hai nhà máy khác nhau nên giá trị sản xuất cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Thêm nữa, ở Thái Nguyên còn có dự án Samsung Electro Mechanics, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, đã đi vào sản xuất từ cuối năm trước, nên cũng đóng góp không nhỏ cho sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên.

Trong khi đó, Dự án Samsung Display, vốn đầu tư 1 tỷ USD, chỉ mới được vận hành vào cuối tháng 3 năm nay, chưa có đóng góp cho Bắc Ninh trong quý I/2015. Khi nhà máy này hoạt động ổn định, cộng thêm phần mở rộng lên tới 3 tỷ USD, trong tương lai, giá trị sản xuất của hai khu tổ hợp sẽ không thua kém nhau.

“Thậm chí, tôi còn cho là ở Bắc Ninh sẽ cao hơn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã nói như vậy với Báo Đầu tư và từ góc nhìn từ một chuyên gia kinh tế độc lập để khẳng định, không có chuyện Samsung dịch chuyển sản xuất sang Thái Nguyên để hưởng ưu đãi thuế.

“Họ đã nói với tôi chuyện này từ trước khi họ mở rộng sản xuất thêm 3 tỷ USD ở Thái Nguyên vào cuối năm ngoái. Họ điều chuyển là để sản xuất thuận lợi và hiệu quả hơn. Việc sụt giảm ở Bắc Ninh chỉ là vấn đề thời gian, khi Samsung Display đi vào sản xuất, Bắc Ninh sẽ không còn phải lo ngại về chuyện này nữa”, ông Mại nói.

Samsung không cung cấp số liệu thống kê xuất nhập khẩu cập nhật cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, số liệu từ Cục Thống kê Bắc Ninh cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh này trong 8 tháng đầu năm đạt 392.507 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực FDI chiếm 92,5%, tăng 12,3%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14,63 tỷ USD, chỉ giảm 0,9% so cùng kỳ năm trước.

Còn ở Thái Nguyên, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2015 tăng 193,6% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 11 tỷ USD, trong đó khu vực FDI 10,9 tỷ USD, tăng 216% so với cùng kỳ.

Con số thống kê này bổ sung thêm cơ sở cho những lý giải của Samsung về việc không dịch chuyển vì lý do tận dụng ưu đãi.

 

FDI bật tăng nhờ dự án 3 tỷ USD của Samsung
Có thêm 3 tỷ USD của Dự án Samsung Display, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đã đạt 13,33 tỷ USD, tăng 30,4%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư