Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015: Đã phát hiện 141 điểm cần sửa
Hữu Tuấn - 21/10/2016 15:15
 
Thảo luận tổ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 ngày 21/10, nhiều đại biểu cho rằng, cần thận trọng, chặt chẽ khi thông qua Dự án Luật này.

Ngay trong báo cáo thẩm tra Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga đã khuyến cáo, cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian, việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu dự án Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn với 6 tháng mà thôi. Do vậy, nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó bảo đảm chất lượng.

a
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tinh thần quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng trong phạm vi những tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại Tổ 1, đoàn TP.HCM, khi cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát) đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, nếu theo hướng sửa đổi của Bộ luật Hình sự mới rất khó xử lý hình sự đối với người vị thành niên phạm tội.

Đại biểu dẫn số liệu báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2011 đến tháng 6/2015 trên toàn quốc phát hiện trên 34.600 vụ phạm tội và 59.000 người chưa thành niên, trong đó có tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, ma tuý.

"Chúng ta muốn nhân đạo, vì thế hệ tương lai của đất nước thì rõ ràng chúng ta phải thực hiện rất nhiều các biện pháp mang tính phòng ngừa các nguyên nhân, điều kiện của nó. Nếu sửa điều luật này, các vị đại biểu Quốc hội hãy tham gia một đoàn kiểm tra 141 của Công Hà Nội vào buổi tối thì các vị sẽ thay đổi quan điểm. Những vị chưa thành niên đèo 3, đèo 4 trên xe máy, mang hung khí, đầu xanh, đầu đỏ, thái độ không tốt, vô văn hoá, ghé tai chửi cán bộ...

Chúng ta không chấp nhận chống đối như vậy, đặc biệt là chống người thi hành công vụ ở lứa tuổi này. Nếu chúng ta chỉ khiển trách không thôi thì rõ ràng không ổn trong giáo dục. Đây là đối tượng chúng ta phải đặc biệt quan tâm. Đó là thế hệ tương lai của đất nước nên chúng ta phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có pháp luật hình sự", ông Đức nêu quan điểm.

Theo vị đại biểu này, về hình phạt giám sát, giáo dục, hoà giải, khiển trách thì trong các luật hình sự của các nước trên thế giới thì hoà giải chỉ dành cho đối tượng vị thành niên phạm tội cố ý gây thương tích do nhất thời tâm sinh lý, các gia đình hoà giải với nhau; còn theo quy định này thì hoà giải phải do cơ quan tố tụng thực hiện.

Còn theo Đại biểu Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, ông đồng ý phương án 1 của Chính phủ là rà phải soát sửa đổi sai sót không ảnh hưởng đến chính sách hình sự.

Theo ông Hải, lúc đầu chỉ phát hiện 91 điểm cần sửa đổi, tuy nhiên, qua góp ý thì đến nay đã có 141 điểm. Nhưng theo đại biểu Hải, cần rà soát kỹ hơn nữa vì có thể còn nhiều điểm cần sửa chưa phát hiện ra.

Ông Hải cũng đề nghị phải sửa đổi cho đầy đủ. Để tránh trường hợp khi Luật thông qua, vận dụng rồi mà lại phát hiện sai sót tiếp thì việc xử lý, sửa đổi sẽ khó khăn hơn. Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng hơn nữa trước lúc sửa và ban hành.

"Chúng ta phải làm kỹ, vì nếu luật thông qua rồi, áp dụng  vào cuộc sống rồi mà vẫn còn sai sót thì lúc đó hậu quả sẽ rất lớn. Ít nhất phải sang kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) mới có thể sửa xong và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự", ông Hải nhận định.

 Đại biểu Lâm Đình Thắng cũng cho rằng, việc sửa luật là "rất phức tạp, liên quan đến nhiều luật khác".

Theo đại biểu này, chỉ riêng Điều 344 quy định những vi phạm trong lĩnh vực xuất bản đã có 5 điểm cần sửa đổi bởi: mâu thuẫn với Luật Xuất bản năm 2012; không chế tài đủ mạnh đối với hành vi in lậu; bỏ sót đối tượng cần phải xử phạt hình sự; chưa sát với thực tiễn; hình sự hóa vi phạm nghiệp vụ hành chính.

“Chỉ mới một điều luật thôi mà đã nhiều điểm mâu thuẫn, chưa sát với thực tế như vậy thì cả một bộ luật thì sẽ nhiều đến mức nào. Tôi không thể yên tâm nếu Bộ luật Hình sự được thông qua trong kỳ họp này”, ông Thắng nói.

Còn tại Tổ Hà Nội, Đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội), Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 là đạo luật lớn, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ đất nước, con người, bảo vệ phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm, do vậy, cần phải sửa đổi triệt để. Theo ông Đào Thanh Hải, cần tập trung sửa đổi triệt để toàn diện, để bộ luật có điều kiện tồn tại lâu dài, ổn định. Bởi thực tế cho thấy sai sót để lại hậu quả lớn, thực tế thời gian qua một số vụ án oan sai, cần tiếp tục.

Còn Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sai sót một lần rồi thì đứng sai nữa dù nhỏ, cho nên không chỉ sửa mỗi kỹ thuật mà còn sửa về nội dung. Cần đảm bảo tính chính xác, bao quát đối với đạo luật này. Không nên vì thời gian mà bỏ qua chất lượng làm như thế ảnh hưởng đến uy tín đại biểu quốc hội, Nhà nước.

Đề xuất đưa cỏ Mỹ, lá cây KHAT vào cấu thành tội phạm ma túy
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 của Chính phủ trình bày sáng 21/10 đã đề xuất bổ sung chất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư