Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Thủ đô: Đề xuất phân cấp mạnh về đầu tư
Nguyễn Lê - 10/11/2023 15:03
 
Chính phủ đề xuất quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng và giao Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định chi tiết.
.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô sửa đổi

Chiều 10/11 thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô sửa đổi.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Về chính quyền thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125, tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%.

Số lượng Phó Chủ tịch HĐND cũng tăng từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan này.

Theo phương án Chính phủ đề xuất, sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc Hà Nội được thành lập. Đó là thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía Bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía Tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.

Hai thành phố được đề xuất thành lập bổ sung sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị…

Liên quan đến những quy định về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù.

Như, phân quyền từ Thủ tướng cho UBND Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Chính sách này tương tự TPHCM đang thực hiện.

Về đầu tư, đề xuất của Chính phủ là cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà).  Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

 Đề xuất tiếp theo là quy định dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Theo thuyết minh thì TOD là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị gắn với các khu vực TOD dọc tuyến. Dự án TOD là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô.

Theo các quy định hiện nay (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đường sắt, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở…) một tuyến đường sắt đô thị và các dự án đô thị, trung tâm thương mại trong khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt sẽ bị chia thành nhiều dự án độc lập để thực hiện việc đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Với nhiều dự án và có các thủ tục xây dựng và phê duyệt khác nhau nên đã dẫn đến việc kéo dài thời gian xây dựng và hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị với các dự án thương mại, công nghiệp và nhà ở xung quanh các nhà ga.

Do vậy, dự thảo Luật giải thích Dự án TOD là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị gắn với các khu vực TOD dọc tuyến.

Thẩm tra, đa số ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề xuất phát triển đô thị theo TOD để tạo thêm nguồn lực cho phát triển Thủ đô. Có ý kiến đề nghị nội dung này cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng trước khi quy định trong Luật bởi hiện nay pháp luật về đất đai không cho phép thu hồi đất mà không gắn với đầu tư dự án trên phạm vi đất được thu hồi, hơn nữa, việc phát triển TOD hiện nay mới chỉ được thí điểm ở một số khu vực tại TP.HCM

Vẫn liên quan đến đầu tư, Chính phủ còn đề xuất cho Thủ đô thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực vận tải, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi.

Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về giám sát thử nghiệm và kết thúc quá trình thử nghiệm.

Cho phép áp dụng phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công.

Chính phủ cũng đề xuất phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng... Cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

 Quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược… nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh).

Quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 10/11.

Sửa Luật Thủ đô: Đặc biệt quan tâm các quy định về xây dựng
Việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư