Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Sức sống mới của mảnh đất bên bờ Bạch Đằng giang
Thu Lê - 29/10/2023 20:19
 
“Đừng để nơi đây trở thành ốc đảo của Quảng Ninh”. Lời nhắn nhủ của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi về thăm Quảng Yên luôn được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói chung và thị xã Quảng Yên nói riêng ghi nhớ, quyết tâm đưa vùng đất này trở nên thịnh vượng.
Quảng Yên đang dần trở thành một đô thị văn minh, hiện đại
Quảng Yên đang dần trở thành một đô thị văn minh, hiện đại

Từ “ốc đảo” thành cửa ngõ quan trọng

“Nhà Quảng Yên học” Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Quảng Yên cho biết, vùng đất này từng là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên xưa (bao gồm toàn bộ vùng phía tây Quảng Ninh hiện nay). Nơi đây từng ghi dấu chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm với 3 lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng.

“Vị thế của Quảng Yên giống như yết hầu trên tuyến đường thủy, bởi vậy mà nơi đây trở thành điểm án ngữ quan trọng để bài binh bố trận chống giặc phương Bắc. Thời hiện đại, với vị trí nằm giữa những thành phố lớn là Hải Phòng - Hạ Long, đưa Quảng Yên thành chiếc đòn gánh, nơi tập trung sức người, sức của trong cuộc chiến chống thực dân Pháp”, ông Sơn nói.

Bề dày truyền thống là vậy, nhưng theo dòng lịch sử, vị thế của Quảng Yên cũng có lúc thăng lúc trầm, nhất là trước thời điểm được tái thành lập vào ngày 25/11/2011.

Theo ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, thị xã lúc đó chỉ là một huyện thuần nông, là nơi “đất mặn đồng chua”. Muốn đến Quảng Yên chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 18, còn nếu muốn sang Hải Phòng thì phải dùng phà, bởi thế, nói Quảng Yên không khác gì một “ốc đảo” cũng không sai. Quảng Yên đã có những thời điểm như nằm bên rìa sự phát triển nhanh chóng của một tỉnh công nghiệp, dịch vụ là Quảng Ninh.

Quảng Yên được định hướng là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; là trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của khu vực phía Tây Nam của tỉnh và vùng lân cận, gắn kết được các địa phương.

Ngoài ra, Quảng Yên còn là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển kinh tế biển năng động, cảng biển và dịch vụ logistics quy mô lớn, gắn kết với các khu cảng biển của TP. Hải Phòng, TP. Hạ Long.

Nhờ bề dày truyền thống, trầm tích văn hóa lâu đời đã hun đúc nên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh cho cái chung. Đó chính là nền tảng quan trọng để vùng đất này bứt phá mạnh mẽ. Làng xóm chuyển mình hóa phố phường, tìm lại vị thế thuở xưa.

“Sau khi được tái lập, thị xã nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội cho Quảng Yên phát triển”, ông Thắng chia sẻ.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chính là động lực chính thay đổi diện mạo của vùng đất bên bờ Bạch Đằng giang này. Nửa đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của Quảng Yên tăng trưởng trên 89%, đạt hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất tại các khu công nghiệp là trên 9.800 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 10 năm tái lập, Quảng Yên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, không còn hộ nghèo và đang trên lộ trình xây dựng thị xã trở thành đô thị thông minh, hiện đại...

“Chìa khóa” quan trọng để đưa vùng đất cửa biển thuần nông chuyển mình chính là hạ tầng giao thông. Năm 2018, cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hoàn thành, nối liền với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, biến Quảng Yên từ vị trí tựa như “ốc đảo” trở thành cửa ngõ, đầu mối quan trọng trên trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tiếp đó, nhiều tuyến đường quan trọng khác, có tính kết nối liên vùng đi qua vùng đất Quảng Yên được triển khai, trong đó phải kể đến tuyến đường ven sông nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông triều, cầu Bến Rừng...

Các nút giao thông kết nối với cao tốc đến những khu vực trọng điểm trong phát triển kinh tế của Quảng Yên cũng cơ bản được hoàn thành như nút giao Hạ Long Xanh, nút giao Đầm Nhà Mạc. Hiện tại, thay cho phà Chanh, đã có đến 4 cây cầu kết nối 2 vùng Hà Nam và Hà Bắc của thị xã hiện hữu. Các dự án hạ tầng giao thông này đã mở rộng không gian phát triển cho thị xã.

Đặc biệt là sau khi thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đã thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. “Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thị xã đều đạt mức 2 con số. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, đến nay chúng tôi đã dần từng bước tự chủ được ngân sách. Thị xã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tự chủ hoàn toàn”, ông Thắng cho biết.  

Cực tăng trưởng quan trọng phía Tây

Tại Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chung của thị xã Quảng Yên đến năm 2040, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long nhận xét: “Quảng Yên có đầy đủ điều kiện để thu hút những đại dự án mang tầm quốc tế. Bên cạnh lợi thế do vị trí chiến lược đem lại, các nhà đầu tư khi đến Quảng Yên còn nhận được sự mến khách của chính quyền và người dân thị xã. Có nhiều lần, các cơ quan nhà nước làm việc đến tận đêm, hay cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Điều này khiến các nhà đầu tư rất tin tưởng và coi Quảng Yên là vùng đất hứa để phát triển sự nghiệp”. 

Với những gì mà chính quyền thị xã Quảng Yên thể hiện đã nhận được sự đồng thuận và niềm tin lớn không chỉ của nhà đầu tư trong nước, mà cả nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là Foxconn chọn 2 khu công nghiệp đều nằm trên địa bàn thị xã để triển khai các dự án đầu tư của mình (KCN Sông Khoai và KCN Đông Mai). Hay như hồi cuối tháng 6/2023, ông Komoto, Tổng giám đốc Castem Việt Nam đề nghị được chính thức ký hợp đồng thuê đất tại KCN Sông Khoai để triển khai dự án trước sự chứng kiến của người đứng đầu UBND thị xã Quảng Yên. “Hành động này giống như một sự đảm bảo của chính quyền địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ chúng tôi thực hiện dự án tại đây một cách thuận lợi nhất”, ông Komoto chia sẻ.

Cần nhấn mạnh rằng, Castem là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào Quảng Yên. Sau nhà đầu tư này có thêm ít nhất 7 dự án khác cũng đến từ Nhật Bản đầu tư vào thị xã.

Kể từ tháng 9/2020, khi Chính phủ quyết định thành lập KKT ven biển Quảng Yên, đến nay Quảng Yên đã đón hàng tỷ USD cả vốn trong nước và vốn FDI vào các KCN trên địa bàn thị xã. Trong đó, có những đại dự án như Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên, do Công ty cổ phần Stavian Hóa chất và Công ty cổ phần Cảng hàng lỏng Hưng Yên (YHLP) đầu tư. Dự án này được triển khai tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, với tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỷ USD. Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh do Vingroup là chủ đầu tư, có quy mô vốn lên đến 10 tỷ USD.

Quảng Yên không chỉ là “thỏi nam châm” hút các nhà đầu tư, mà còn tạo cơ hội, môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp địa phương vươn mình. Ông Ngô Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thị xã Quảng Yên cho biết, nhiều doanh nghiệp địa phương đã sẵn sàng mở rộng kinh doanh khi những tuyến đường ven sông tốc độ cao đến thị xã Đông Triều sang Hải Dương, Bắc Giang, cầu Bến Rừng sang Hải Phòng hoàn thành.

“Quảng Yên trở thành cực tăng trưởng, doanh nghiệp tại thị xã cũng từng bước mở rộng cơ hội kinh doanh bằng việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Chúng tôi luôn được chính quyền thị xã chia sẻ thông tin kịp thời để nắm bắt các cơ hội phát triển”, ông Dũng cho biết thêm.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, bộ mặt đô thị của Quảng Yên cũng khang trang hơn với các dự án giao thông nội thị, dự án hạ tầng khu dân cư, hạ tầng đô thị. Mục tiêu cao nhất, theo ông Trần Đức Thắng, đó là: “Phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để đến năm 2025 có thể thành lập thành phố Quảng Yên trực thuộc tỉnh Quảng Ninh và đến năm 2030 thì hoàn thiện và đủ điều kiện các tiêu chí để công nhận đạt đô thị loại I”.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển khá nhanh này, Quảng Yên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Câu chuyên giải phóng mặt bằng sao cho kịp tiến độ các dự án, nhưng phải hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống của người dân là điều mà Đảng bộ và chính quyền thị xã Quảng Yên đặc biệt quan tâm. Người đứng đầu thị xã trực tiếp đến nhà dân để tuyên truyền và giải thích; chủ động trong hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân nhường đất cho dự án; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư… là một trong những giải pháp được thị xã thực hiện. Nhờ đó mà trong 3 năm qua (2020 - 2022), trung bình mỗi năm thị xã thực hiện giải phóng mặt bằng cho 40-50 dự án, tổng diện tích phải giải phóng là 2.500 - 3.500 ha, liên quan đến khoảng 10.000 hộ dân, nhưng không phải thực hiện cưỡng chế, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Nửa nhiệm kỳ qua chứng kiến sự bứt phá của Quảng Yên với mức tăng trưởng kinh tế bình quân 37,2%, tin rằng, mảnh đất bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử này sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng mới.

Quảng Ninh: Quảng Yên dồn lực cho giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án lớn
Là địa phương có quỹ đất cần phải giải phóng mặt bằng lớn nhất trong năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Quảng Yên đang tập trung nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư