Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sức vươn của thành phố trẻ Thái Bình
Đỗ Đình An - 07/04/2014 08:52
 
Sau 10 năm kể từ khi trở thành đô thị loại III (năm 2003), dưới sự chỉ đạo, đầu tư của các cấp, các ngành, TP. Thái Bình đã tập trung cao độ mọi nguồn lực cho phát triển và cơ bản đã đạt các tiêu chí đô thị loại II. Thành phố đang thay đổi diện mạo và tỏ rõ sức sống của một thành phố trẻ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lễ hội Đền A Sào thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Thái Bình gặp mặt đại diện Jetro và DN Nhật Bản

Vùng đất giàu truyền thống anh hùng

TP. Thái Bình hôm nay và “Kỳ Bố hải khẩu” trước đây luôn tự hào là vùng đất hội tụ thiên thời -  địa lợi - nhân hòa. Vùng đất “Địa linh nhân kiệt” gắn liền với sự nghiệp của tướng quân Trần Lãm, cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lấy Quốc hiệu Đại Cồ Việt, cùng với những khai quốc công thần, tiếng thơm còn lưu danh muôn thuở.

  Sức vươn của thành phố trẻ Thái Bình  
 

Vóc dáng mới của Thành phố Thái Bình (Ảnh: Mạnh Tùng)

 

Đất và người TP. Thái Bình có bề dày truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Đây cũng là nơi thành lập một trong 6 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (tháng 6/1929). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 19/8/1945, quân dân Thị xã đã cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, với tinh thần “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”, ngày 30/6/1954, Thị xã Thái Bình được hoàn toàn giải phóng.

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Thành phố vừa đánh trả máy bay địch, vừa sản xuất, xây dựng hậu phương, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Thành phố đã tiễn đưa hơn 14.000 người con ra chiến trường, trong đó 1.960 người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với những thành tích đạt được trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, TP. Thái Bình được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Chiến công hạng Ba và danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 47 bà mẹ được phong tặng danh hiệu  “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Thành tựu 10 năm phấn đấu lên đô thị loại II

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 110 km, cách cảng biển Hải Phòng 70 km, TP. Thái Bình là đô thị trong vùng nam Đồng bằng sông Hồng có lợi thế phát triển về nhiều mặt. Trong đó, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông - vận tải..., nhất là khi các tuyến cao tốc ven biển hình thành.

Ngày 18/4/2003, Thị xã Thái Bình được Chính phủ công nhận là đô thị loại III; 4 năm sau, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển kinh tế - xã hội TP. Thái Bình giai đoạn 2007 - 2020, xây dựng Thành phố trở thành đô thị loại II”.

Để đạt được mục tiêu này, TP. Thái Bình phải có hạ tầng đô thị hiện đại, xứng tầm, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Thành phố đã tập trung cao độ các nguồn lực và sau 10 năm phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II.

Trước hết, TP. Thái Bình đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị; hoàn thành quy hoạch điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng Thành phố, sáp nhập 5 xã của các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng và thành lập 2 phường mới theo Nghị định của Chính phủ; hoàn thành các Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020; Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030; Quy hoạch chung điều chỉnh Thành phố đến năm 2050.

Bên cạnh đó, TP. Thái Bình cũng đã hoàn thành các quy hoạch các khu, cụm công nghiệp (với quy mô trên 500 ha); quy hoạch chi tiết các phường, xã; quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống chợ, trường học, trạm y tế; quy hoạch hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, điện trang trí. Ngoài ra, Thành phố đã hoàn thiện việc xây dựng Chương trình Bảo vệ môi trường đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Trong 5 năm, từ năm 2007 đến 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố đạt gần 20.000 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 240 công trình, hạng mục công trình. Riêng năm 2013, Trung ương, tỉnh Thái Bình và Thành phố đã tiếp tục đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang đô thị, góp phần làm thay đổi diện mạo Thành phố.

Từ một thị xã nhỏ bé, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa phát triển, đến nay, TP. Thái Bình đã có bước phát triển vượt bậc.  TP. Thái Bình hiện có diện tích gần 7.000 ha, với 19 đơn vị hành chính (gồm 10 phường, 9 xã; dân số trên 280.000 người).

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Thành phố vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 12,82%; giá trị sản xuất đạt 7.518 tỷ đồng... Cơ cấu kinh tế của Thành phố chuyển biến theo hướng tích cực: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng là 63,5%; thương mại, dịch vụ là 32,5%; nông nghiệp, thủy sản là 4%. Các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút 89 dự án, 2 cụm công nghiệp thu hút 76 dự án với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách giai đoạn 2007 - 2010 của Thành phố tăng bình quân 30%/năm; tổng thu ngân sách năm 2013 đạt 1.278 tỷ đồng, tăng 52,3% so với năm 2012. Hệ thống  trạm biến áp đáp ứng cơ bản nhu cầu về điện cho sản xuất và đời sống.

Các doanh nghiệp, các loại hình dịch vụ khác, như vận tải, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng… đều phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. 94% dân số nội thành và 78% dân số ngoại thành đã có nước sạch.  Nông nghiệp - thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với hàng trăm trang trại, gia trại. Năng suất lúa bình quân hàng năm xấp xỉ 130 tạ/ha. Hình thành vùng rau màu, cây vụ đông  hàng hoá tại các xã Vũ Phúc, Vũ Chính, Vũ Lạc, Tân Bình, Đông Hòa. Xã Vũ Phúc đã đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới; 2 xã Vũ Lạc và Đông Thọ đạt 15/19 tiêu chí xã Nông thôn mới.

Chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn Thành phố cũng luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh; các chương trình y tế được triển khai có hiệu quảe, với  mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hàng năm, Thành phố giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát triển sâu rộng. Năm 2013 có 87,3% số gia đình, 61,3% số thôn, tổ dân phố và 88% số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo,

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với “Học tập và làm theo Tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh” được Thành phố triển khai đồng bộ, tạo những chuyển biến quan trọng.

Nguồn động lực mới cho Thành phố

Thành ủy, HĐND, UBND TP. Thái Bình nhận thức sâu sắc vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và trở thành đô thị loại II trước hết thuộc về sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư, nhất là về quy hoạch và nguồn lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, mà trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ giúp đỡ của các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh, của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Vinh dự trên còn thuộc về các thế hệ lãnh đạo của Thành phố, nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND; của các ban, ngành, đoàn thể của Thành phố; sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành đoàn thể các phường, xã cộng với  sức mạnh của toàn thể nhân dân cùng những người con xa quê trong suốt 60 năm qua, nhất là trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. 

Thành ủy, HĐND, UBND TP. Thái Bình càng nhận thức sâu sắc sự kiện đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh sẽ tạo động lực mạnh mẽ để

TP. Thái Bình phát triển nhanh hơn tương xứng với vị thế, vai trò là đô thị trung tâm, đầu tàu trong nền kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội tiếp tục phát huy những yếu tố tiềm năng, thế mạnh cũng như kêu gọi đầu tư góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc, thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.n

(*) Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Thái Bình

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư