Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Tác động tổng hợp của cú sốc giá dầu và đồng ruble
TS. Lương Văn Khôi - 03/01/2015 09:57
 
() Do cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai nước có tính bổ sung cho nhau, nên việc đồng ruble mất giá sẽ có tác động hai chiều đối với thương mại song phương Việt - Nga.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hàng Việt xuất khẩu sang Nga có nguy cơ sụt giảm
Khơi dòng tiềm năng xuất khẩu sang Nga
Trừng phạt KT Nga: “Gậy ông đập lưng ông”

Nhờ lực đẩy của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt - Nga ngày càng có những bước tiến triển tích cực, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Nga. Ảnh: Đức Thanh

Từ năm 1994, Việt Nam và Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị.

Năm 2001, Việt Nam và Nga đã xác lập mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin.

Năm 2012, Việt Nam - Nga đã chính thức trở thành đối tác chiến lược toàn diện, nâng quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới không chỉ về chính trị, mà cả văn hóa, kinh tế và xã hội. Hai nước cùng tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) sẽ được ký chính thức vào đầu năm 2015.

Hiện Nga là đối tác thương mại lớn thứ 25 của Việt Nam. Quan hệ thương mại với Nga trong những năm gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường này. Dưới sức ép của căng thẳng địa chính trị, các biện pháp trừng phạt của quốc tế chống lại Nga và giá dầu trượt dốc, đồng ruble mất giá mạnh, đỉnh điểm là ngày 15/12/2014, đồng ruble đã mất giá gần 50% so với đồng USD kể từ tháng 1/2014. Nhờ can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga, giá đồng ruble đã có bước phục hồi đáng kể.

Ngày 26/12/2014, Nga tuyên bố khủng hoảng đồng ruble đã chấm dứt, song vẫn giảm giá khoảng 40% so với đầu năm (hiện ở mức 52 ruble/USD) và dự báo sẽ tăng lên 50 ruble/USD trong năm 2015. Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh, xuống khoảng 60 USD/thùng hiện nay, đồng ruble mất giá sẽ có những tác động nhất định tới cán cân thương mại của Việt Nam nói chung và thương mại hàng hóa Nga - Việt nói riêng.

Mặc dù mức tăng trưởng khá về tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga, song vẫn ở mức thấp và chưa xứng tiềm năng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức 571 triệu USD năm 2001 lên 1.829 triệu USD năm 2010 và 2.447 triệu USD năm 2012.  Năm 2013, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Nga và Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2014, con số này 2,21 tỷ USD.

Về cơ cấu hàng xuất khẩu sang Nga, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Bên cạnh đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất (capital goods) lại có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong bối cảnh phương Tây đang thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga, cho dù kinh tế Nga có gặp khó khăn, đồng ruble mất giá, thì các nhóm hàng này vẫn cần đối với Nga, do đó về cơ bản sẽ có xu hướng không giảm.

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng trung gian, chiếm 58% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga, trong đó nhóm hàng bán thành phẩm chiếm tới 91%, còn lại là linh phụ kiện. Khi đồng ruble mất giá, nhóm hàng này nhập khẩu vào Việt Nam trở nên rẻ hơn, vì vậy, Việt Nam có xu hướng tăng nhập khẩu nhóm hàng này.

Xét chi tiết cơ cấu hàng nhập khẩu cho thấy, những ngành sản xuất trong nước như phân bón, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép… có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đây là những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga vào Việt Nam trong mấy năm qua… Tuy nhiên, những ngành sử dụng nhóm hàng nhập khẩu này làm đầu vào cho quá trình sản xuất, thì lại được hưởng lợi do chi phí đầu vào giảm.

Về cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam - Nga, kể từ năm 2010 về trước, Việt Nam luôn nhập siêu từ thị trường Nga và hầu hết các nhóm hàng (trừ nhóm hàng tiêu dùng) đều có thâm hụt thương mại với Nga. Kể từ năm 2011 trở lại đây, Việt Nam mới có xuất siêu với Nga và chủ yếu do nhóm hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất mang lại.

Như vậy có thể nhận thấy rằng, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu 2 nước có tính bổ sung cho nhau, Việt Nam xuất sang Nga chủ yếu nhóm hàng tiêu dùng, trong khi nhập khẩu từ Nga chủ yếu nhóm hàng trung gian phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và đồng ruble mất giá sẽ có cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta.

Với giả định việc đồng ruble mất giá và duy trì ở mức 50 ruble/USD trong năm 2015, kết quả tính toán từ mô hình kinh tế lượng toàn cầu (NiGEM) của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội (Vương quốc Anh) cho thấy, trong năm 2015, GDP thế giới tăng thêm 0,21%; kim ngạch nhập khẩu của Nga tăng thêm 3,39%, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 0,12% và GDP tăng thêm 2,75% so với kịch bản đồng ruble không mất giá. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 0,11%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 0,07% và GDP tăng thêm 0,05% so với kịch bản không có cú sốc giá đồng ruble giảm.

Với cú sốc giá dầu thế giới giảm mạnh và được dự báo sẽ ở mức 64 USD/thùng trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Nga sẽ giảm 3,22%, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 2,67%, GDP của Nga sẽ giảm 1,99% vào năm 2014. Trong khi đó, tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ tăng thêm 0,4%; kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm với các mức tương ứng 2,34% và 1,54%, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 0,26% trong năm 2015 so với kịch bản không có cú sốc giảm giá dầu.

Tác động tổng hợp của 2 cú sốc giá dầu giảm xuống mức 64 USD/thùng và đồng ruble mất giá và duy trì ở mức 50 ruble/USD trong năm 2015, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng thêm 0,50%; kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm lần lượt 2,45% và 1,60% cùng GDP của Việt Nam được cải thiện và sẽ tăng thêm 0,31% so với kịch bản không có 2 cú sốc này. Trong khi đó, với giả định sản lượng khai thác dầu thô của Nga không đổi, nền kinh tế Nga sẽ được cải thiện với mức tăng trưởng thêm 0,6% so với kịch bản không có cả 2 cú sốc này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư