Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tài chính vi mô: Hài hòa hiệu quả tài chính và xã hội
Như Loan - 25/02/2014 07:27
 
Lĩnh vực tài chính vi mô ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Những tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam vẫn đang ngày càng tìm tòi những hướng đi tốt hơn để tiếp cận những cộng đồng nghèo và yếu thế. 9 lời khuyên tài chính của Oprah Winfrey

Ông Sebastian Dinjens, Giám đốc Mạng lưới trao đổi về chuyên môn tài chính vi mô ở khu vực châu Á (INFI) chia sẻ: “Lĩnh vực này đang tìm những hướng đi để có thể tiếp cận đến nhiều người vay hơn. Nhưng để làm được điều này họ phải chuyên nghiệp hóa hơn trong Quản lý hiệu quả xã hội và thiết kế những sản phẩm phù hợp đặc biệt với nhu cầu của những người yếu thế”.

Tài chính vi mô: Hài hòa hiệu quả tài chính và xã hội
Tài chính vi mô được cho là để phục vụ “hai mục tiêu song hành”,
quan trọng như nhau là hiệu quả xã hội và tài chính

Bộ tiêu chuẩn quản lý hiệu quả xã hội (SPM) của tài chính vi mô được ra đời xuất phát từ thực tế nhiều tổ chức tài chính vi mô trước đây quan tâm quá nhiều đến hiệu quả tài chính của hoạt động nên ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên tham gia.

Ví dụ thường thấy là lãi suất quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người vay, hoặc là cho vay quá nhiều dẫn đến việc người nghèo bị rơi vào bẫy nợ nần do nợ chồng chất nợ.

Bên cạnh đó, rất nhiều dự án phát triển cũng sử dụng tài chính vi mô như một công cụ đòn bẩy kinh tế cho những nhóm yếu thế trong xã hội, nhưng lại thiên về hỗ trợ xã hội, như cho vay không lãi suất, hay vay mà không tính đến yếu tố quay vòng, không chú trọng đến tính bền vững về mặt tài chính của hoạt động tài chính vi mô. Đó là hai thái cực phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam cũng như tại hầu hết các nước đang phát triển khác.

“Bộ tiêu chuẩn cũng phản hồi một mối quan ngại trong ngành rằng, các tổ chức đã không còn tập trung vào khách hàng. Hầu hết các tổ chức đều khẳng định tăng cường lợi ích cho khách hàng, nhưng trong hai thập kỷ qua, nhiều tổ chức đã tập trung vào bền vững tài chính hơn là nhu cầu của khách hàng. Nhiều tổ chức trong số này tập trung vào kết quả tài chính, vì họ chỉ quản lý hiệu quả tài chính. Các tổ chức có mục tiêu xã hội cũng phải quản lý hiệu quả xã hội của mình. Bằng việc định nghĩa và đẩy mạnh quản lý hiệu quả xã hội tốt, bộ tiêu chuẩn góp phần hướng sự tập trung của các tổ chức trở lại vào khách hàng. Do đó, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý hiệu quả xã hội là một giải pháp cho vấn đề này”, ông Sebastian Dinjens phân tích.

“Có rất nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam và ở châu Á về việc làm thế nào để tiếp cận một cách hiệu quả tới nhóm yếu thế. Và điều quan trọng ở đây là thu thập những kiến thức kỹ thuật đó từ nhiều nơi trên thế giới để áp dụng và phát triển lĩnh vực tài chính vi mô Việt Nam”, ông Sebastian Dinjens nói thêm.

Để thực hiện điều đó, ngày 24 và 25/2/2014, INFI tổ chức một hội thảo quốc tế tại Hà Nội với sự có mặt của các chuyên gia đến từ các nước ở châu Á để thảo luận và chia sẻ về những nhu cầu đặc biệt của các nhóm yếu thế đối với tài chính vi mô.

Ông Sebastian Dinjens giải thích về hệ thống này: “Người ta thường thấy rằng, người dân có thể quản lý tài chính của họ ở quy mô nhỏ. Họ chi tiêu, sản xuất và tiết kiệm như những người khác và họ thường tạo ra thu nhập thường xuyên để sống. Những khoản họ có thể tiết kiệm được thường không đủ cho những nhu cầu đầu tư của họ. Đây chính là lúc mà tài chính vi mô có thể tác động vào, bằng cách đưa ra những khoản vay để người dân đầu tư và phát triển làm ăn mà không phải đối mặt với nhiều rủi ro. Nhưng điều này cũng yêu cầu các tổ chức tài chính vi mô phải có kiến thức về nhu cầu của những khách hàng và sẵn sàng đầu tư vào những mối làm ăn nhỏ của những người dân Việt Nam”.

Rất nhiều tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam đã được hình thành từ những quỹ phát triển cộng đồng có mục đích xã hội. Họ thường có nhiều vốn được đóng góp từ cộng đồng và thường phục vụ những nhu cầu của cộng đồng. Là những đơn vị dịch vụ tài chính, họ cũng cần nhận biết được những rủi ro tài chính của họ và không nên đầu tư tiền của cộng đồng vào những dự án mà có thể có lợi ích về mặt xã hội nhưng không có tính bền vững về tài chính.

Vì thế, tài chính vi mô được cho là để phục vụ “hai mục tiêu song hành” , quan trọng như nhau là hiệu quả xã hội và tài chính. Hội thảo của INFI sẽ tập huấn cho những người tham gia những công cụ để đạt được hai mục tiêu này. Hội thảo đồng thời cũng thảo luận những thực tế từ công việc hàng ngày của những người tham gia để có thể có bài học thực tiễn sâu sát.

* Hội thảo “Hướng tới sự hài hòa giữa hiệu quả tài chính và xã hội trong tài chính vi mô” giúp cho các dự án phát triển và các tổ chức tài chính vi mô hiểu rõ hơn về bộ tiêu chuẩn này để tìm đến sự cân bằng trong hoạt động tài chính vi mô của mình.

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24 và 25 tháng 2 năm 2014, do Mạng lưới trao đổi về chuyên môn tài chính vi mô ở khu vực châu Á (INFI) tổ chức. Đây là sáng kiến được khởi xướng bởi MCNV, một tổ chức phi chính phủ đã và đang hỗ trợ phát triển ở Việt Nam trong 45 năm qua.

* Những chuyên gia tham dự hội thảo này đến từ Hà Lan, Sri Lanka, Tajikistan, Gruzia, Philippines, Lào và Việt Nam. Họ chia sẻ những kinh nghiệm của mình để tăng cường chất lượng của các dịch vụ tài chính vi mô. Rất nhiều tổ chức đang làm việc với những người dân ít được đào tạo, thậm chí là mù chữ.

Họ thường sống ở những vùng nông thôn với nên kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Việc gia tăng thương mại với các nước đang mở ra nhiều cơ hội nhưng những người dân không có vốn để sản xuất ở những quy mô để có thể đáp ứng cho thị trường này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư