Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tài chính xanh - yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế xanh
Thùy Vinh - 07/12/2024 07:14
 
Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, đảm bảo cho người dân TP.HCM một môi trường sống lành mạnh vì sự phát triển bền vững

Kinh tế xanh trở thành một lĩnh vực sôi động thu hút sự hưởng ứng của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và đông đảo người dân. Quá trình này được đánh giá là gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện những khó khăn, thách thức, nhất là các vướng mắc liên quan đến các quy định, hành lang pháp lý cho các cơ chế, chính sách.

Phát biểu tại diễn đàn "TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chiều ngày 6/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết với vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, TP.HCM đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì thế, theo ông Dũng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân TP.HCM một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững. 

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng 

Khung chiến lược phát triển xanh này gồm bốn nội dung: phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Theo ông Dũng, chính quyền TP.HCM xác định xây dựng 3 trụ cột lớn: Thứ nhất là khung pháp lý (đang xây dựng khoảng gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất); Thứ hai là bộ tiêu chí đo lường được (trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…., từng phân xưởng, nhà máy, gia đình, phải đo lường được phát thải để điều chỉnh); Thứ ba là mô hình mẫu, một địa phương xanh (huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh. 

"Chúng tôi sẽ sớm nghiên cứu các ý kiến góp ý, các giải pháp... để triển khai thực hiện. Đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp đến TP.HCM triển khai thành công mục tiêu của mình, góp phần xây dựng kinh tế xanh cho TP.HCM, cũng như góp phần chuyển đổi xanh của quốc gia như mục tiêu đề ra", ông Dũng nói.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030. Với kế hoạch này, TP.HCM đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh. Ngoài ra còn có giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, TP.HCM đang định hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và đổi mới sáng tạo. Thành phố tập trung vào việc phát triển các dự án như công trình xanh, cải tạo đô thị, tái chế nguyên vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong năm 2024, mỗi ngày TP.HCM phát sinh trung bình 13.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, số lượng chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, xử lý trung bình khoảng 10.000 tấn/ngày. Đây là thông tin được đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra tại Diễn đàn nói trên. Theo ông Tống Viết Thành - Phó trưởng Phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tỷ lệ tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt từ năm 2020 về trước khoảng 5,6%, các năm gần đây tốc độ tăng có giảm. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là thành phần hữu cơ (khoảng 50- 60%), thành phần có khả năng tái chế tại khu vực tiếp nhận của các nhà máy xử lý (nhựa, giấy, cao su...) chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 27%).

Các diễn giả thảo luận về chủ đề "Tài chính xanh – nguồn lực cho doanh nghiệp bền vững” 

Hiện 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt được Thành phố xử lý mỗi ngày bằng hai công nghệ chính là chôn lấp (69%) và tái chế, Compost (21%). 10% số chất thải rắn sinh hoạt còn lại được mang đi đốt... Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm lượng rác thải trên địa bàn Thành phố, ông Thành cho biết, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham vấn Bộ Tài Nguyên và Môi trường hoàn thiện khung pháp lý, triển khai quy hoạch xử lý chất thải và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn Thành phố, đồng thời ưu tiên chuyển đổi công nghệ xử lý chát thải rắn hiện hữu theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị Quyết 98 của Quốc hội.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho biết tín dụng xanh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh tại TP.HCM. Theo TS Lịch, trên toàn cầu, xu hướng phát triển bền vững ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài phải thích ứng với xu hướng này. Tín dụng xanh giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang hướng bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng thẳng thắn chỉ ra rằng Việt Nam đã tiên phong trong việc ứng dụng tín dụng xanh từ năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước và IMF đồng loạt ban hành sổ tay hướng dẫn cho nhiều ngành và lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng vẫn còn khiêm tốn. Hiện dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế.

TP.HCM đã có sáng kiến phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án, nhưng theo đánh giá của TS Lịch, quy mô này còn nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý chất thải. Hiện nhiều tổ chức tài chính ngần ngại tham gia thị trường tài chính xanh do thiếu nhân lực, kỹ năng. Đồng thời, nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên các dự án mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn hơn là đầu tư dài hạn và các dự án xanh do có thời gian hoàn vốn dài, tỷ lệ sinh lời thấp.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền chủ tịch HOSE cũng nhấn mạnh vai trò của tài chính xanh trong việc thu hút vốn đầu tư. Bởi theo bà Hà, tài chính xanh không còn giới hạn ở các doanh nghiệp môi trường mà đã mở rộng sang nhiều ngành nghề, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Một báo cáo của IFC ước tính các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, tập trung vào năng lượng, giao thông và xây dựng xanh.

Doanh nghiệp có thêm hơn 19.000 tỷ đồng tín dụng xanh
Với vai trò là Định chế tài chính hàng đầu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) luôn tiên phong đồng hành với cộng đồng doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư