Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tái cơ cấu kinh tế và môi trường đầu tư
PGS - TS Bùi Tất Thắng - 28/09/2013 07:47
 
Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là quá trình lâu dài, phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tất cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, cần có thời gian để triển khai thực hiện quá trình này. Hạ cấp Vinashin

Thay đổi lớn...

Tính đến nay, thời gian thực hiện các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế tuy còn ngắn, nhưng đã có một số kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận và đã đem lại những cải thiện nhất định đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cũng là một mục tiêu
của tái cơ cấu kinh tế

Trong báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2013-2014 do Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố, Việt Nam đã tăng được 5 bậc trong bảng xếp hạng so với năm ngoái. Điều này phần nào cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện hơn trước.

Quá trình này có thể được nhìn nhận từ năm 2011 đến nay, khi đã có 59 dự án luật, pháp lệnh, 45 luật, pháp lệnh đã được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gần 500 văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ ban hành, trong đó nhiều văn bản liên quan đến tạo lập, củng cố môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và hội nhập.

Nhờ vậy, cải cách hành chính có bước tiến đáng ghi nhận khi đã đơn giản hóa trên 3.600 thủ tục hành chính. Chế độ công chức, công vụ tiếp tục được cải tiến với việc thông qua và thực thi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Việc công khai, minh bạch hóa hoạt động và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính được tăng cường. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cấp huyện được triển khai trên diện rộng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh.

Đặc biệt, những vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh liên quan đến các nội dung cần sửa đổi trong Hiến pháp năm 1992 đang được bàn thảo rộng rãi. Các cơ chế, chính sách đột phá về xây dựng một số đặc khu hành chính - kinh tế (Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong) nhằm tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm một số thể chế phát triển mới cũng đang được nghiên cứu, thảo luận. Giá điện, xăng dầu, than, dịch vụ giáo dục, y tế… từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo.

Cơ chế phân bổ vốn đầu tư theo hướng minh bạch hóa, thực hiện cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn (kể cả vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia); tập trung vốn cho các công trình dự án quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng để phát huy hiệu quả; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm kế hoạch và vốn đối ứng cho các dự án ODA cùng với việc kiểm sát chặt chẽ, bảo đảm thủ tục đầu tư, xác định rõ nguồn vốn của các dự án đầu tư, đã khắc phục một cách cơ bản sự đầu tư dàn trải trong đầu tư công tồn tại trong nhiều năm qua.

Từ cuối tháng 7/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần tạo chủ động kiểm soát sự gia tăng của nợ xấu và xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các tổ chức tín dụng, tập trung vào việc thực hiện cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận và chia cổ tức; giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thực chất đã được tiến hành từ nhiều năm trước, nhưng thời kỳ này được đặt ra và tiến hành một cách bài bản hơn, mạnh mẽ hơn. Đã thực hiện phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Lĩnh vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều chính sách cởi mở hơn.

Cùng với việc thực hiện các đột phá chiến lược (về thể chế kinh tế, về kết cấu hạ tầng và về nhân lực), các chính sách tái cơ cấu đầu tư đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm từ 18,13% (năm 2011) xuống 6,81% năm 2012 và dự báo năm 2013 sẽ được kiềm chế ở mức khoảng 7%. Lãi suất cho vay cũng đã giảm và hệ thống ngân hàng đã dần ổn định, khiến nhà đầu tư yên tâm hơn.

... nhưng vẫn chậm

Để thực sự cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh phải vượt qua tình trạng tốc độ tăng trưởng đang suy giảm và nguy cơ bất ổn định kinh tế vĩ mô cao, lại chịu những tác động ngày càng lớn của tình hình kinh tế khu vực và thế giới, nhất là sự cạnh tranh về thể chế với các nước trong khu vực, việc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đang đặt ra như một nhu cầu bức thiết.

Hiện vẫn còn nhiều dự án luật quan trọng cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để thực hiện cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế như Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công;... diễn ra chậm so với tiến độ, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Để có thể tạo ra những đột phá chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế, cần tiếp tục xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước có nhiệm vụ quản lý quá trình chuyển đổi của nền kinh tế sang kinh tế thị trường và tôn trọng quy luật của thị trường.

Đồng thời, để có thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, cần phải tạo ra môi trường thể chế để các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu (tổ chức quản lý, nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ…) phát huy được tác dụng và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế.

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần xác định rõ cách thức thực hiện nhiệm vụ “kinh tế nhà nước là chủ đạo” để đảm bảo nhất quán trong tư duy chính sách, đồng thuận trong nhận thức xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Những cải cách trong phối hợp chính sách cũng rất cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và công nghệ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; chính sách sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài… trong giai đoạn hiện nay.

(*) Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

IDICO phải thoái 100% vốn tại 3 công ty
Từ nay đến hết năm 2015, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) phải hoàn thành việc thoái vốn 100% vốn đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư