Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Tái định vị để doanh nghiệp mạnh hơn
Hồng Phúc - 22/10/2020 14:29
 
Khi nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường do Covid-19, vẫn có không ít doanh nghiệp ở nhiều ngành nỗ lực vươn lên, chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn tăng tốc khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, Công ty FPT vẫn ký được nhiều hợp đồng lớn. Trong ảnh: Lập trình viên của FPT. Ảnh: Lê Toàn
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, Công ty FPT vẫn ký được nhiều hợp đồng lớn. Trong ảnh: Lập trình viên của FPT. Ảnh: Lê Toàn

Bài học từ trong khó khăn

Tại một sự kiện vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông II-Dong Kwon, Tổng giám đốc BCG Việt Nam dự đoán, sẽ có những doanh nghiệp không chỉ vượt qua được khủng hoảng, mà còn trở nên mạnh hơn so với trước khi đại dịch xảy ra.

Đặc điểm chung của nhóm doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch là họ có năng lực chuyển đổi chiến lược tức thời, phân bổ nguồn vốn không chỉ cắt giảm chi phí, phục hồi tài chính, mà còn đảm bảo mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, cũng như đầu tư nghiêm túc hơn vào công nghệ.

Do ảnh hưởng từ đại dịch, bình quân lượng du khách giảm trên 70% và doanh thu giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019 là những con số “khủng khiếp” mà Vietravel chưa từng gặp phải từ năm 1997 đến nay.

Để xoay chuyển tình thế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Vietravel dành nhiều nguồn lực cho chiến lược tập trung vào thị trường du lịch nội địa, mảng mà thời điểm trước đại dịch, Vietravel còn chưa chú trọng.

Một trong những động thái hướng về thị trường nội địa mà các lãnh đạo Vietravel đang dành nhiều tâm sức, đó là hãng hàng không Vietravel dự kiến có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12 tới.

“Từ ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi nhận ra cơ hội để thay đổi, định vị lại doanh nghiệp 25 năm tuổi của mình. Bây giờ phải hướng về thị trường nội địa, khách du lịch Việt sẽ giúp các doanh nghiệp như Vietravel sống sót và phục hồi”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành thâm dụng lao động như dệt may cũng đang nỗ lực không ngừng để khắc phục suy thoái trong giai đoạn bất khả kháng này.

Chính trong đại dịch, ngành dệt may nhận ra nhiều bài học để thay đổi cho thời gian tới, đặc biệt liên quan đến khả năng quản trị hệ thống để thích ứng hơn với nhu cầu thị trường.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra những bài học có thể trở thành nền tảng cho động lực tăng trưởng ngành trong tương lai.

Thứ nhất, áp lực thiếu nguồn cung khiến doanh nghiệp phải trở nên linh động hơn trong khả năng tìm đầu vào thay thế.

Thứ hai, thay đổi sản xuất sản phẩm truyền thống như áo sơ mi, veston, sang mặt hàng mà thị trường có nhu cầu như khẩu trang, áo thun, đồ mặc trong nhà…

Thứ ba, chuyển phương thức giao dịch từ gặp trực tiếp sang đàm phán trực tuyến thông qua các công cụ công nghệ như Zalo, Viber.

Thứ tư, cân nhắc phương thức thanh toán thay đổi cho phù hợp hơn, thay vì chấp nhận đối tác trả chậm với thời hạn quá dài.

Công nghệ là một trợ lực

Trong bối cảnh nhiều ngành chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch, thì ngành công nghệ lại trở thành một trong những điểm sáng trên thị trường.

Giai đoạn hiện tại được nhìn nhận là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp rà soát và khắc phục các điểm yếu trong vận hành, giải quyết cơ bản các vấn đề đã tích lũy suốt thời gian tăng trưởng nóng trước đây.

“Chúng tôi khá may mắn khi vận hành trong khối công nghệ, ít chịu tác động từ đại dịch”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT nói và đưa ra dẫn chứng, đến đến hết 8 tháng năm 2020, tập đoàn này giữ tốc độ tăng trưởng 7,6% doanh thu và 11,7% lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019.

Thậm chí, trong giai đoạn số ca nhiễm liên tục gia tăng tại nhiều quốc gia, FPT vẫn ký được hàng loạt hợp đồng lớn, như trở thành đối tác ưu tiên toàn quyền triển khai dự án công nghệ thông tin với tổng quy mô hàng chục triệu USD cho một công ty kinh doanh ô tô hàng đầu tại Mỹ.

Dù ảnh hưởng ít hơn so với các ngành như du lịch, hàng không, nhưng phía FPT khẳng định, họ không thể chủ quan trước diễn biến khó đoán của đại dịch và phải liên tục chuyển đổi hoạt động của tất cả bộ máy “từ thời bình sang thời chiến” để “sống chung với lũ”.

“Những chuyển đổi thành công trong “thời chiến” sẽ tiếp tục được FPT áp dụng và phát huy trong thời bình, như hợp lực 8 đơn vị thành viên trong Tập đoàn”, ông Khoa chia sẻ thêm.

Công nghệ hay chuyển đổi số trở thành cụm từ được nhắc nhiều đến trong giai đoạn hiện nay, với không ít kỳ vọng đặt vào công cụ này.

Theo quan sát của Chủ tịch Vitas, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chú trọng đến vấn đề tự động hóa. Dịch bệnh là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này, khi nhiều nhà máy đã tự động hóa toàn bộ từ khâu đầu tiên là bông thô đến khâu đóng gói cuối cùng, giúp giảm lượng lớn lao động làm việc, hay một số nhà máy dùng các công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng…

Ông Vũ Đức Giang cho biết, chính những khó khăn đã buộc các đơn vị trong ngành dệt may phải thay đổi kịp thời bằng việc tăng tốc quá trình tự động hoá. Trong ngành có một nhà máy công suất 5 triệu cọc sợi, trước đây cần 480 lao động, thì hiện chỉ cần 120 lao động.

Trong nhiệm kỳ tới hoàn tất việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, nhiệm kỳ tới hoàn tất việc sắp xếp DNNN, xử lý xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư