Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tài sản của ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV được công khai thế nào?
Nguyễn Lê - 22/03/2021 17:20
 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần xin ý kiến các cơ quan chức năng về việc kê khai tài sản cá nhân của các ứng viên đại biểu Quốc hội.
.
Phiên họp thứ 4 của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Việc công bố bản kê khai tài sản phải hướng dẫn kỹ, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp về quyền tài sản của mỗi cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia lưu ý tại phiên họp thứ 4 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ngày 22/3.

Không dán nơi công cộng 

Theo quy định, bản kê khai tài sản của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội sẽ phải công khai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cần xin ý kiến các cơ quan chức năng về vấn đề này. Vì bản kê khai tài sản của mỗi người dân được tôn trọng và bảo vệ. Do đó, công khai cho Ban chỉ đạo bầu cử, bộ phận tiếp nhận hồ sơ chứ không phải dán nơi công cộng.

“Công khai bản kê khai tài sản như thế nào phải hướng dẫn kỹ, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp về quyền tài sản của mỗi cá nhân. Vấn đề này cần hướng dẫn quy định chặt chẽ, công khai báo cho ai để bộ phận tiếp nhận hồ sơ thấy có cái gì bất thường hay không? Có đàng hoàng, có gì mờ ám hay không chứ không phải lại đem rao, bán thông tin cá nhân về tài sản ở nơi công cộng", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài việc kê khai tài sản, nhiều vấn đề chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới cũng được đặt ra tại phiên họp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lực lượng công an đã triển khai các kế hoạch và chương trình bảo đảm công tác an ninh trật tự cho cuộc bầu cử, không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống, kể cả vùng biên giới, hải đảo, các vùng trọng điểm về an ninh trật tự. Đồng thời chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, đưa các thông tin không chính xác về đại biểu ứng cử lên mạng để chống phá bầu cử, hay kích động nhân dân ở vùng chưa được chính quyền giải quyết những chính độ chính sách, qua đó ra yêu sách phải giải quyết thì mới đi bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngành đã sớm ban hành kế hoạch tuyên truyền về bầu cử tới 100% các địa phương. Đến nay, các cơ quan báo chí đã tăng cường đưa thông tin về vấn đề bầu cử, tăng 2,5 lần so với thời gian trước đây, mỗi ngày bình quân có 200 tin, bài.

“Bộ đã có phương án nhắn tin tới từng thuê bao di động vận động người dân đi bầu cử, cũng như huy động các mạng xã hội của Việt Nam đưa thông tin về vấn đề bầu cử. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo báo chí đẩy mạnh đấu tranh phản bác lại trước các thông tin sai trái về vấn đề bầu cử của các thế lực thù địch, phản động. Bởi khi bắt đầu công khai tên các ứng viên thì cũng sẽ bắt đầu có những thông tin xấu độc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đã hết hạn bổ sung 

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, tính đến 17h ngày 14/3/2021, sơ bộ đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử. Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã chuyển và bàn giao hồ sơ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV về Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Nhìn chung, hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội đều bảo đảm kê khai theo đúng quy định, tuy nhiên, cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ, nay đã được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định.

Về bầu cử đại biểu HĐND, theo thông tin sơ bộ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã nhận được 7.495 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó, có 7.448 hồ sơ của người ứng cử được các cơ quan nhà nước, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Ngô Sách Thực cho biết, tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban và Ban Thường trực UBMTTQ các cấp đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, tổng số người ứng cử Đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu

Tại phiên họp, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia bổ sung thêm cho Chính phủ 1 đại biểu là ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam do được Trung ương giới thiệu sang làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện tại đã muộn, bởi theo quy định 14/3 là hết hạn, chốt hồ sơ, bây giờ đưa vào là không đúng quy định của luật.

Ông Phạm Minh Chính ứng cử đại biểu Quốc hội khối Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử khối Chủ tịch nước, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ, Bí thư Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư