Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tại sao du khách chỉ qua Mỹ Tho, Bến Tre hoặc Cần Thơ là xong hành trình Mekong
Huy Tự - 23/03/2023 11:34
 
Du lịch ĐBSCL đang có tín hiệu phục hồi tốt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần chung tay tháo gỡ kịp thời, để tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.

Du lịch ĐBSCL phục hồi nhưng còn nhiều thách thức

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2022 du lịch khu vực có bước phục hồi mạnh mẽ; thu hút hơn 37 triệu lượt người, tăng 238 % so năm 2021. Tuy vậy vẫn thấp hơn 16% so cao điểm năm 2019, trong đó, khách quốc tế giảm 85% so cùng kỳ 2019. Doanh thu du lịch của vùng ước đạt hơn 32.000 tỷ đồng, giảm 20,4% so năm 2019.

Ðáng chú ý là kết quả này được ghi nhận chỉ sau 9 tháng phục hồi của năm 2022, vì các tỉnh trong vùng ĐBSCL chỉ thực sự mở cửa du lịch từ tháng 3/2022. Kết quả này cho thấy sự chung tay của nhiều địa phương trong đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối liên kết du lịch.

Theo đó, trong năm 2022, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đã phối hợp tổ chức, tham gia 56 hoạt động tại khu vực ÐBSCL và kết nối du lịch với phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh... Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, khảo sát, định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng, liên kết sản phẩm du lịch vùng được chú trọng đúng lúc.

Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ thường niên tại TP. Cần Thơ thu hút khách du lịch

Đặc biệt, các địa phương trong vùng đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch và phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Phối hợp chặt chẽ trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hoạt động khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII, năm 2022 tỉnh Sóc Trăng; “Du lịch vùng xanh xứ dừa” tỉnh Bến Tre; Lễ hội Sen Đồng Tháp, Lễ hội Cua Cà Mau. Lễ hội bánh Dân gian của TP. Cần Thơ và hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, tại tỉnh Đồng Tháp...

Dù có nhiều chuyển biến trong hoạt động du lịch vùng, nhưng tình hình thực tế nhiều địa phương vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Du lịch vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch COVID-19 bởi nhiều khó khăn về chính sách cũng như thị trường, xu hướng của du khách có thay đổi. Những biến động về xăng dầu, tiền tệ, chính trị trên thế giới cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành du lịch, một số thị trường quốc tế chưa mở cửa với Việt Nam. Do đó, thách thức cho du lịch ĐBSCL năm 2023 là không nhỏ, cần có những giải pháp kịp thời và hữu hiệu hơn. 

Qua khảo sát ở góc độ các đơn vị lữ hành trong vùng, cho thấy 50% khách du lịch đến vùng chưa có kế hoạch đi du lịch lại trong năm 2023. Bên cạnh đó, 30% du khách cắt giảm chi phí, chỉ đi ngắn ngày... Nhiều doanh nghiệp du lịch chia sẻ, vùng ÐBSCL đang đối mặt với những thách thức về nhân sự du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, các dịch vụ thiếu đa dạng, cơ sở hạ tầng cho du lịch chưa được đầu tư đúng tầm...

Hiện lượng khách quốc tế đến ĐBSCL chẳng đáng là bao so với thời điểm 2019, do khó khăn chung của tình hình thế giới, nhưng thực trạng các điểm đến còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ thiếu đồng bộ... là lý do các tỉnh miền Tây chưa thể níu du khách quốc tế trở lại. Nhiều khách du lịch từ TP. HCM chỉ cần tour đến Mỹ Tho, Bến Tre, hoặc khi đến Cần Thơ nghĩ chỉ cần đi Chợ nổi, không cần qua đêm là xong hành trình Mekong, trước khi đến Campuchia. Trong khi các chuyến bay quốc tế đến Cần Thơ hiện còn hạn chế, dù ở đây đã có sân bay quốc tế, nhưng đường bay kết nối các quốc gia lân cận như Thái Lan, Campuchia… hiện vẫn còn thưa thớt. Do vậy, muốn hấp dẫn khách quốc tế phải bắt tay vào làm quảng bá mạnh du lịch đường sông, đi liền bảo vệ môi trường, vệ sinh đường sông...

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được các doanh nghiệp cho là bài toán hàng đầu với du lịch trong vùng. Việc liên kết với các địa phương, kết nối thị trường quốc tế được coi là giải pháp thiện sản phẩm du lịch ĐBSCL, tạo ra trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn hơn đang được đặt ra cấp thiết.

Đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng và TP. HCM phát triển du lịch 

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL bày tỏ: “Dù năm qua, du lịch ÐBSCL có kết quả tốt nhưng chúng ta không nên chủ quan, vì tình hình đang khó khăn, thị trường luôn thay đổi. Du lịch ÐBSCL vừa phải giữ bản sắc vùng vừa thích ứng phù hợp với những đổi mới".

Do đó, theo ông Phường, ngành du lịch 13 tỉnh, thành ÐBSCL phải chung tay hướng đến du lịch xanh, bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa địa phương, nhưng vẫn phải chủ động chuyển đổi số, tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá ở các thị trường trọng điểm. Ðồng thời, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL không ngừng đề xuất, phối hợp với các địa phương có những định hướng giải pháp về các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cấp hạ tầng cơ sở du lịch vùng, đào tạo nguồn nhân lực.

Đảo Ngọc Phú Quốc thu hút đông đảo du khách ngay từ những tháng đầu năm 2023

Trước những thách thức mà du lịch ÐBSCL phải đối mặt, ông Ðào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Cụm trưởng Cụm hợp tác liên kết phát triển du lịch phía Tây ÐBSCL, đề xuất: “Cần tăng cường quảng bá, xúc tiến và liên kết về du lịch giữa các tỉnh, thành với nhau. Trong đó, cần quan tâm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch để hoạt động đi vào chiều sâu, hiệu quả. Các địa phương vừa xây dựng những sản phẩm, sự kiện đặc trưng, vừa bắt tay tham gia các sự kiện quảng bá chung”.

Theo đó, 7 tỉnh, thành (An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) trong Cụm phía Tây cũng đã họp bàn và thống nhất tập trung vào 6 nội dung chính để phát huy các hoạt động trong năm 2023.

Đó là, liên kết phát triển du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ÐBSCL, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; liên kết xây dựng tour tuyến du lịch; xác định vai trò của doanh nghiệp du lịch trong xây dựng sản phẩm và kết nối thị trường khách.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP. Cần Thơ cho biết thời gian qua, việc phối hợp liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực đã đạt hiệu quả nhất định trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch. Thực tế, nếu muốn phát triển thì phải đi cùng nhau, nhưng trước tiên các địa phương cần làm tốt các sản phẩm đặc trưng.

"Cụ thể, tại Cần Thơ, chúng tôi có Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ và dự kiến sẽ có thêm sắc màu đặc trưng riêng với Ngày hội Văn hóa du lịch Cần Thơ tại Hà Nội. Ðiều này giúp chúng tôi hướng đến thị trường trọng điểm vì nguồn khách ở miền Bắc đến Cần Thơ lớn. Do đó khi quảng bá, cũng nên định hướng thị trường phù hợp. Mặt khác, khi có sản phẩm thì nên xây dựng, hình thành chuỗi sản phẩm chung, tạo điểm nhấn riêng”, ông Ơn trao đổi.

Theo nhiều chuyên gia về du lịch, vùng ĐBSCL tại đây cần thêm các chương trình kích cầu du lịch, thích ứng an toàn với Covid-19, các chuyến khảo sát nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới, kết nối khai thác tour/tuyến du lịch và trao đổi khách giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó là giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch của các địa phương.

Đơn cử như Cần Thơ mạnh về khai thác chợ nổi, An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh, Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng ngập mặn, Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp... để giữ chân du khách.

Đặc biệt, du lịch ĐBSCL cần ưu tiên hợp tác phát triển du lịch với TP. HCM, đặc biệt là tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch 2080/KH-UBND, ngày 23/6/2021 của UBND TP. HCM về Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. HCM với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn năm 2021-2025. Các bên tập trung tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Đồng thời, TP. HCM cũng tăng cường quảng bá thương hiệu, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch vào Thành phố và 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long; song song đó tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của 14 tỉnh thành trong liên kết; tăng cường công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng và đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển du lịch chung của Việt Nam cho phù hợp tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển chung của du lịch như quy định về miễn thị thực, thị thực điện tử, các gói hỗ trợ kích cầu du lịch…

Năm 2023, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương; xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường đến Ðông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên...; triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch ÐBSCL. Ðồng thời khuyến khích các địa phương nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới; xây dựng các liên tuyến hợp tác về du lịch, chú trọng đến các loại hình du lịch đặc trưng: du lịch xanh, bền vững, du lịch đường sông, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng.

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL cho rằng: Điều tiên quyết là 13 tỉnh trong vùng cần có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, đây chính là yếu tố quyết định. Vì thế, mỗi địa phương luôn phải chú trọng điều này, phải luôn làm tốt và làm mới về sản phẩm thì mới tạo được điểm nhấn, sức hút cho du lịch mỗi vùng đất. Từ đó mới xây dựng được những liên tuyến độc đáo, hình thành nên thương hiệu du lịch vùng ÐBSCL.
Du lịch ĐBSCL và TP.HCM hợp tác liên kết theo hướng bền vững
Ngày 18/3, tại Bạc Liêu đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư