Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Du lịch ĐBSCL sẽ là ngành kinh tế ngàn tỷ
Kim Ngân - 06/04/2017 12:02
 
Tổng cục Du lịch vừa tổ chức Hội nghị công bố, phổ biến và triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại Cần Thơ.

Theo định hướng Qui hoạch, vùng ĐBSCL phấn đấu đến đến năm 2020 đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 111 nghìn tỷ đồng.

Tập trung phát triển chủ yếu vào sản phẩm đặc thù của vùng, như du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm: nghỉ dưỡng biển - đảo, văn hóa - tâm linh, miệt vườn, lễ hội và vui chơi giải trí.

Bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ là một trong 7 điểm du lịch quốc gia của vùng ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ
Bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ là một trong 7 điểm du lịch quốc gia của vùng ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ

Qui hoạch xác định không gian phát triển du lịch vùng ĐBSCL với phía Tây bao gồm: TP.Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng là: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội...; phía Đông: bao gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng là: nghiên cứu sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay).

Tập trung phát triển 05 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); và 07 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh);

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch vùng ĐBSCL, đưa du lịch  có những bước phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng của vùng và có đóng góp lớn cho du lịch cả nước, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng.

Hà Nội tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2017
Từ ngày 6 - 9/4 tại Cung văn hóa Hữu nghị (91 - Trần Hưng Đạo, Hà Nội) diễn ra Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM 2017).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư