Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tầm nhìn cho sân bay tỷ đô Long Thành
Bảo Như - 21/10/2019 08:20
 
Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày hôm nay (21/10), các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 26/6/2015 về chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành trước khi bấm nút thông qua Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án đầu tư giai đoạn I, xây dựng cảng hàng không này với tổng mức đầu tư lên tới 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD).
Nghe bài viết này tại đây :
.
.

Đây là một trong những công trình xây dựng hạ tầng hiếm hoi được Quốc hội thông qua cả chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Điều đó cho thấy quy mô, sức lan tỏa, cũng như những kỳ vọng lớn mà Quốc hội, cử tri, cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vào dự án.

Cần phải nói thêm rằng, đối với mọi quốc gia, việc đầu tư phát triển sân bay cửa ngõ quốc gia như trường hợp sân bay Long Thành luôn là vấn đề hệ trọng, mang tính chiến lược.

Việt Nam với dân số sắp đạt 100 triệu người, địa hình trải dọc theo chiều Bắc Nam, là nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, đang tiếp tục hội nhập sâu rộng, giao thương với hầu hết các quốc gia. Đây là lợi thế so sánh về thương quyền hàng không ít quốc gia trên thế giới nào có được.

Bài học thành công của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất với cảng hàng không quốc tế Dubai là minh chứng rõ ràng nhất. Từ một cảng hàng không nhỏ nằm giữa sa mạc, với một tầm nhìn dài hạn, Dubai đã được đầu tư lớn, bài bản để trở thành đầu mối trung chuyển hàng không lớn nhất thế giới và hiện như thỏi nam châm thu hút hơn 100 triệu lượt du khách mỗi năm trong khi dân số tại quốc gia này chỉ hơn 4 triệu người.

Trong khi đó, nếu lấy Long Thành làm tâm điểm, thì với bán kính 2 -3 giờ bay, sân bay này kết nối tất cả các quốc gia Đông Nam Á, cũng như nhiều đầu mối tài chính - kinh tế lớn trong khu vực. Đó là chưa kể sự cần thiết khi phát triển sân bay Long Thành trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế, du lịch rất cao. Đây là những yếu tố không thể bỏ qua khi đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trong vai trò cần phải hướng đến là sân bay trung chuyển, cửa ngõ quốc tế.

Yêu cầu đặt ra cho các nhà phát triển sân bay Long Thành là cần thiết kế, tính toán bài bản, kỹ lưỡng, xem xét đầy đủ các yếu tố nội tại và ngoại vi của sân bay, sự liên kết với các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong khu vực để mang lại những tác động lan tỏa to lớn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho đất nước. Hơn thế, quy hoạch, định hướng phát triển sân bay phải mang tính thời đại, có tầm nhìn dài hạn và kiến tạo được những lợi thế so sánh, duy trì năng lực cạnh tranh thương quyền hàng không với các sân bay lớn trong khu vực.

Ngược lại, việc đầu tư manh mún, chắp vá, thiếu tầm nhìn sẽ không giúp sân bay Long Thành phát huy hết lợi thế so sánh, có thể dẫn đến gánh nặng nợ chính phủ do không đạt hiệu quả kinh tế, từ đó không thu hút được vốn đầu tư cạnh tranh, lãi suất thấp từ thị trường vốn quốc tế.

Trên thực tế, đây cũng là điều mà cử tri cả nước tiếp tục trông đợi từ các đại biểu Quốc hội đối với quá trình giám sát, đánh giá Nghị quyết số 94.

Bên cạnh đó, việc nhận diện chính xác những cơ hội và rủi ro của Dự án không chỉ giúp chủ đầu tư căn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi để Quốc hội có thể thông qua, mà còn giúp cho công trình hạ tầng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí trong vòng chục năm tới, khi triển khai sẽ trở thành ra một động lực to lớn, có sức lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.

Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I giảm khoảng 2.760 tỷ đồng
Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra tại Phiên toàn thể lần thứ 13 xem xét, thẩm tra về các nội dung của Dự án đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư