Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tổng mức đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I giảm khoảng 2.760 tỷ đồng
Anh Minh - 14/10/2019 15:39
 
Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra tại Phiên toàn thể lần thứ 13 xem xét, thẩm tra về các nội dung của Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành do Ủy ban Kinh tế, Quốc hội khóa XIV tổ chức vào sáng nay.
7.	Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo phương án kiến nghị của Chính phủ là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4.779 tỷ USD).
Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo phương án kiến nghị của Chính phủ là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4.779 tỷ USD)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, với tính chất quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành nên tại Phiên họp này Ủy ban Kinh tế đã mời đông đủ của đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực hàng không tham dự phiên họp.

“Các nhóm vấn đề tai Dự án được Ủy ban Kinh tế tập trung làm rõ trong phiên họp này là điều kiện, hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến; về quy mô, tiến độ dự án; về tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư; hiệu quả kinh tế của dự án; nhu cầu sử dụng đất, tiến độ thu hồi, giải phóng mặt bằng; tiến độ hoàn thành; các điều kiện đảm bảo quốc phòng an ninh…Ngay sau Phiên họp này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến”, ông Thanh cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành không còn là điều cần thiết mà mang tính rất cấp thiết để giảm bớt áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn bị giới hạn năng lực khai thác ngay khi đã đầu tư mở rộng là 50 triệu hành khách/năm trong khi sản lượng giao thông hàng không qua khu vực Tp.HCM vào năm 2021 sẽ lên tới 50,44 triệu lượt hành khách và 65 triệu lượt vào năm 2025.

Bên cạnh đó, sân bay Long Thành với vai trò là CHKQT cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia còn có nhiều tiềm năng và cơ hội hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 Dự án CHKQT Long Thành.

Trước đó, vào ngày 7/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký tờ trình số 450/TTr – CP gửi Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (sân bay Long Thành).

Cụ thể, trong giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành, Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua 3 nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi, gồm: Hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha, điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; và bổ sung 2 tuyến đường bộ kết nối Cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.

Tại báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ kiến nghị tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD), giảm khoảng 2.760 tỷ đồng so với phương án được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94.

Các hạng mục công trình tại sân bay Long Thành được chia làm 4 hạng mục và công trình phụ trợ; đề xuất giao Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư các hạng mục này. Việc phân chia này – theo Chính phủ là căn cứ theo Luật Hàng không dân dụng và thông lệ quốc tế trong việc phát triển các cảng hàng không trên thế giới cũng như để đảm bảo an ninh quốc phòng. Cũng trên cơ sở nghiên cứu tham khảo mô hình quốc tế, cũng như phân tích ưu nhược điểm của từng hình thức đầu tư trên cơ sở 6 tiêu chí, trong đó có vai trò và lợi ích của nhà nước; năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư; nhu cầu và khả năng huy động vốn… ACV được đề xuất sẽ  đóng vai trò chính trong việc đầu tư các hạng mục chủ chốt nhất tại Dự án sân bay Long Thành giai đoạn I.

Về khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong trường hợp ACV được giao đầu tư các hạng mục như đề xuất, Chính phủ cho biết, đến ngày 31/12/2018, doanh nghiệp này đã tích lũy được hơn 24.268 tỷ đồng và tiếp tục tích lũy nguồn từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2019 - 2025, theo đó, ACV chắc chắn sẽ cân đối được tổng cộng 1,522 tỷ USD để thực hiện dự án này. Đối với phần vốn còn lại (2,628 tỷ USD), ACV đã làm việc với 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 5 tỷ USD, lãi suất trung bình 5-5,5%/năm, thời hạn vay 15 năm.

“Hiện nay tình hình tài chính của ACV rất tốt. Hiện tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên thêm 10.000 tỷ đồng sau mỗi năm tài chính. Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã kiểm tra kỹ nội dung này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Do Nghị quyết 94/2015 Quốc hội khóa XIII và quy định của Luật Đấu thầu, Dự án này phải thực hiện theo phương thức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho chủ trương về hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Về nhu cầu sử dụng đất, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã đề xuất điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất tổng thể của dự án, cụ thể điều chỉnh sử dụng đất quốc phòng điều chỉnh từ 1.050 ha thành 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung cho quốc phòng và mục đích dân dụng đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Quốc phòng. Theo giải trình của Chính phủ, phạm vi khu vực 480 ha (bao gồm đường cất hạ cánh số 4, đường lăn và sân đỗ tàu bay phía nam) sẽ ưu tiên phục vụ cho các hoạt động quân sự, phục vụ cho các hoạt động dân dụng khi nhu cầu khai thác ngày càng tăng.

Về việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất của Dự án giai đoạn 1 tăng từ 1.165 ha lên 1.810 ha, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, việc điều chỉnh tăng chủ yếu do bổ sung tính toán cụ thể các hạng mục công trình phụ trợ cần thiết cho các hoạt động của sân bay Long Thành giai đoạn 1; đồng thời bổ sung phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh số 2 và đường lăn kèm theo nhằm đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng đường cất hạ cánh số 2 trong các giai đoạn tiếp theo. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc điều chỉnh này không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho Dự án Long Thành (5.000 ha) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94/2014.

Do Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đề cập cụ thể và ước tính chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông kết nối Cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh nên trong quá trình nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã đề xuất các tuyến giao thông kết nối với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.

Cụ thể, trước mắt giai đoạn 1 sẽ đầu tư 2 tuyến gồm Tuyến số 1 (dài 3,8 km) kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh là 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m. Tuyến số 2 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng) và diện tích cần GPMB khoảng 136 ha.

Phải xây dựng Long Thành trở thành sân bay đầu mối trung chuyển quốc tế
Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ góp phần giảm tải cho Tân Sơn Nhất mà còn hội nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư