Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khai mạc Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Như Chính - 14/10/2019 14:37
 
Sáng 14/10, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 38.
Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành họp phiên thứ 38 để cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội, gồm ba dự án luật: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; và Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã chuyển nguồn để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án; bổ sung dự toán ngân sách cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Trà Vinh; chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; các báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019 và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XIV và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định theo thẩm quyền đối với việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài; việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính ở 3 tỉnh: Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh; rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Phiên họp thứ 38 diễn ra từ ngày 14/10 đến ngày 17/10.

Tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ bảy; Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày.

Trên cơ sở vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có kiến nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra năm kiến nghị cụ thể, gồm:

Quốc hội, Chính phủ và các địa phương ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Gắn việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia với phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong nước, tạo việc làm và ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án.

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện minh bạch hóa các dự án; chất lượng, hiệu quả công trình, dự án, chống thất thoát, lãng phí. Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư công; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm.

Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành và các địa phương đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội trên mọi lĩnh vực; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy.

Chính quyền các địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc quản lý người nước ngoài nhập cư, cư trú bất hợp pháp, mua bán đất đai, nhà ở tại những địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí; có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.

Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hơn nữa thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, chú trọng phát huy và tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên giám sát công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm.

Theo Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ bảy của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải trình bày, qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ, 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị, qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp...

Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, lao động-thương binh và xã hội, giao thông vận tải. Đến nay 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,97%.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Đó là một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, trong giải quyết kiến nghị cử tri  chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết; một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định của pháp luật; một số kiến nghị đã được các bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày cho thấy, các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận 39.793 đơn thư khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi chung là đơn), giảm 3.531 đơn so với cùng kỳ. Trong đó có 25.434 đơn nặc danh, trùng nội dung, đơn không đủ điều kiện được xếp lưu theo dõi (chiếm 63,91%); 14.359 đơn đủ điều kiện (chiếm 36,08%).

Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.008/14.359 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (chiếm 41,84%); ban hành 2.182 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân (chiếm 15,19%), còn lại 6.169 đơn tiếp tục nghiên cứu, lưu theo dõi (chiếm 42,69%). Đến nay đã nhận được 3.412 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 56,79% tổng số đơn chuyển), còn 2.596 văn bản chưa nhận được trả lời (chiếm 43,21%).

Cho ý kiến về ba báo cáo này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản đồng tình và đánh giá cao các cơ quan đã chuẩn bị báo cáo một cách công phu, đầy đủ, chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị rút ngắn báo cáo tóm tắt hơn nữa theo hướng chỉ nêu vấn đề lớn một cách khái quát. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến đề nghị thực hiện kịp thời hơn các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; xử lý đúng đối tượng liên quan tới các vụ tiêu cực điểm thi tại Hà Giang; chú ý xây dựng thiết chế văn hóa tại các địa phương...

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động: Dứt khoát không tăng giờ làm thêm
Nhiều ý kiến của Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu vẫn tiếp tục thâm dụng lao động thì chủ doanh nghiệp không dại gì đầu tư máy móc, công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư