Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Tâm sự giữa tâm dịch Covid-19: Mọi thứ rồi sẽ ổn và ước mơ được trở lại Việt Nam
Lawrence Haywood - 28/03/2020 10:49
 
Bị mắc kẹt tại Rome (Italia) cùng bạn gái người Việt, Lawrence Haywood (quốc tịch Anh) chia sẻ với Báo Đầu tư về câu chuyện thích nghi với cuộc sống tại vùng tâm dịch và ước mơ được trở lại Việt Nam.
.

Hai trong số những kỷ vật về Việt Nam mà tôi trân quý nhất đang được treo trên tường căn hộ nằm phía Tây Nam Thủ đô Rome là chiếc khăn của CLB Bóng đá Hà Nội mà tôi mua vào lần đầu tiên đến sân vận động Hàng Đẫy và lá cờ Việt Nam từ lần “đi bão” đầu tiên. Bên cạnh đó, những tấm ảnh dán quanh căn phòng cũng luôn gợi lên hình ảnh về một đất nước tôi gọi là “nhà” suốt ba năm qua, nơi tôi sẽ trở về khi chuỗi ngày dịch bệnh kết thúc.

Tôi đến Thủ đô của Italia để thăm Trà - bạn gái tôi. Chúng tôi dự định, sau khi xong việc ở đây sẽ quay trở lại Hà Nội và cùng nhau bước vào chương tiếp theo của cuộc đời, cùng nắm tay nhau đi dạo trên những con đường rợp bóng cây và nghe những thanh âm ồn ã quen thuộc của thành phố đang trên đà phát triển.

Trước đó, chúng tôi đã có 2 tuần ở Rome và thưởng trọn cảnh đẹp xứ Âu. Những ngày đầu tiên đầy hứng khởi với bánh sừng bò phủ hạt dẻ cười, tham quan Đấu trường La Mã không làm chúng tôi quên đi niềm mong đợi được trở về Việt Nam. Đó cũng là lúc nỗi lo sợ len lỏi vào tâm trí, bởi Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Italia. Chúng tôi nhìn thấy cơn sóng dữ ập tới một cách rõ ràng.

Lệnh phong tỏa ở Italia được ban hành cùng thời điểm Việt Nam thông báo tạm dừng miễn thị thực với hầu hết quốc gia châu Âu. Tôi chính thức mắc kẹt tại đây. Đứng giữa quá khứ ở Anh và tương lai ở Việt Nam, tôi trôi lạc vào hiện tại của việc cách ly hàng loạt. Người Italia cởi mở, nhiệt thành, nhưng ám ảnh về đại dịch khiến họ lảng tránh những người đeo khẩu trang y tế.

Trước tình hình thế giới nhiều biến chuyển hiện nay, để sống, chúng ta phải thích nghi liên tục với sự thay đổi. Mọi thứ bắt đầu từ việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng không cần thiết, trả lại những “con đường ma” im lìm. Tiếp theo đó, siêu thị hạn chế giờ mở cửa, cửa hàng giới hạn số người vào mua, rồi những hàng dài người đứng chờ được mua hàng...

Những ngày đầu khi thành phố cách ly, tôi và Trà đi dạo nhanh qua các con đường vắng vẻ và rất đỗi ngạc nhiên trước bầu không khí gợi nhớ đến Tết Nguyên đán ở Hà Nội. Vào lần cuối cùng chúng tôi ra ngoài, cảnh sát đã chặn lại, nói rằng tất cả mọi người bị cấm ra đường và chúng tôi phải về nhà ngay lập tức, hoặc đối mặt với ba tháng tù. Cú sốc thực tại rơi xuống khiến chúng tôi thấy nặng nề như một tảng đá.

Ở Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tôi luôn mong được trải nghiệm sự gần gũi gia đình thường trực trong mỗi căn nhà tràn ngập tiếng cười có lá cờ đỏ bay phấp phới trước hiên. Bây giờ, giữa lúc “loài ác quỷ” mang tên Covid-19 đang rình rập, tôi một lần nữa lại được thấy không khí ấm áp này ở Rome. Nhìn từ ban công nơi tôi ở, phía bên kia cũng có hàng chục ban công của các căn nhà khác đang vun đắp cuộc sống gia đình.

Những chiếc ban công bắt đầu đảm nhận một nhiệm vụ cao cả hơn từ khi có lệnh phong tỏa, bởi đó là nơi duy nhất để mọi người thưởng thức khí trời. Chúng trở thành nơi để hàng xóm trò chuyện, gia đình đi picnic, một số người ra đó tập thể dục, đọc sách. Vào 6 giờ tối hàng ngày, khi thông tin mới nhất về dịch bệnh được công bố, khu ban công lại trở thành những sân khấu đầy màu sắc lẫn âm thanh. Chúng tôi múa, hát, phất cờ, tạo ra nhiều âm thanh ồn ã nhất có thể.

Không ngạc nhiên lắm khi tôi lại nhớ về Hà Nội sau khi tất cả tiếng ồn dần lắng xuống. Khi nhạc cụ, máy karaoke được cất đi, tôi nhận ra, mình đang nhìn chằm chằm vào phía ban công trống trơn và những con đường vắng vẻ bên dưới, tôi khao khát một ngày có thể “đi bão” ở Hà Nội, dưới bầu không khí cả quốc gia hân hoan ăn mừng...

Chúng tôi không chắc mình sẽ phải lưu trú ở Rome đến khi nào, nhưng khi biết rằng Việt Nam đang làm được những điều tuyệt vời trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng tôi đã nhìn thấy tia hy vọng và tin là không lâu nữa, mình sẽ được trở về nhà. Mặc dù vậy, thật lòng, tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng khi thấy cuộc sống của bạn bè ở Hà Nội không hề bị ảnh hưởng. Một xã hội luôn cố gắng giữ được tình người và lòng trắc ẩn lúc này thực sự đang gặt hái được thành quả.

Cuối cùng, bất kể bạn hay tôi, dù chúng ta đang ở đâu trên thế giới, hãy nhớ rằng, tất cả đều được hộ mệnh bằng câu thần chú quen thuộc: “Andrà tutto bene” - “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”!

Tôi cảm thấy tự hào khi được gọi Việt Nam là nhà
Trong khu cách ly, tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình. Rất nhiều người ở Việt Nam đã góp sức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư