Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tạm yên tâm về bauxite Tân Rai và Nhân Cơ
Mạnh Bôn - 17/05/2014 11:15
 
Cho ý kiến về Báo cáo giám sát Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ sáng nay (17/5), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm yên tâm về dự án bauxite.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sớm cổ phần hóa dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ
Sản phẩm Nhà máy alumin Tân Rai có thị trường khả quan
Đề xuất điều chỉnh phí môi trường với quặng bauxite
Xem xét giám sát Dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai

Phải nói ngay rằng, dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ vốn gây nhiều tranh luận trên cả diễn đàn Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia môi trương, giới quân sự và dư luận xã hội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ông Trần Văn Tùng thông báo, khác với việc khai thác quặng bauxite ở nhiều nước trên thế giới, phế thải bùn đỏ (sản phẩm đi cùng với quá trình khai thác bauxite) của Việt Nam có hàm lượng sắt rất cao, vì thế, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt.

“Việc “gạn” bùn đỏ lấy sắt hiện đang trong quá trình thí nghiệm, nhưng kết quả rất khả quan. Nếu thí nghiệm này được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn: giảm chi phí xử lý bùn đỏ, tăng hiệu quả của dự án”, ông Tùng nhấn mạnh thông tin được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Theo tính toán của ông Tùng, sử dụng 2,4 tấn bùn đỏ làm nguyên liệu với tổng chi phí bỏ ra vào khoảng 1,5 triệu đồng để xử lý sẽ sản xuất ra 1 tấn quặng sắt. Với giá thành quặng sắt như hiện nay là 1,9 triệu đồng/tấn thì việc tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt chắc chắn sẽ có lãi. Từ quặng sắt tiếp tục làm ra sản phẩm gang và thép thì hiệu quả còn cao hơn nhiều.

“Bài toán kinh tế cho thấy việc tinh chế bùn đỏ lấy quặng sắt có hiệu quả khá cao nên chắc chắn có nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ giảm chi phí xử lý bùn đỏ của Vinacomin - chủ dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai - qua đó nâng cao hiệu quả của 2 dự án khai thác bauxite này”, ông Tùng phát biểu.

“Đây là tin rất mừng, khẳng định việc thí điểm khai thác bauxite là đúng hướng”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng trước thông tin do Thứ trưởng Trần Văn Tùng đưa ra.

Việc xử lý được bùn đỏ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, tương lai và hy vọng của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đã hiện hữu.

“Chúng ta quyết định thí điểm khai thác bauxite ở khu vực Tây Nguyên nhằm mục đích thúc đẩy toàn diện sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này, từ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo công ăn việc làm… đến tăng thu nhập cho người lao động, tăng đóng góp vào ngân sách nhà nước nhưng phải bảo đảm giữ vững được an ninh - quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội cũng như bảo đảm tuyệt đối môi trường trong bất cứ điều kiện nào. Khi chúng ta đã xử lý được bùn đỏ lấy quặng sắt, hiệu quả của dự án một lần nữa được khẳng định, Vì vậy, có thể ra nghị quyết về vấn đề này để khẳng định những việc đã làm được và nêu lên những hạn chế cần khắc phục”, ông Lý nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra khá hài lòng với kết quả thí nghiệm “gạn” bùn đỏ lấy sắt.

“Trước đây mình lo nhất là vấn đề xử lý bùn đỏ (tác nhân gây hủy hoại môi trường rất lớn nếu không được xử lý). Bây giờ mình đã có cách để xử lý, không chỉ bảo đảm được môi trường, mà còn nâng được hiệu quả dự án khai thác bauxite. Vấn đề bây giờ là làm sao để sớm đưa từ kết quả nghiên cứu thành thực tiễn”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phấn chấn.

  Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Khai thác bauxite chắc chắn đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn"  
  Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Khai thác bauxite chắc chắn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn"  

Về hiệu quả kinh tế của 2 dự án bauxite này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định là có hiệu quả.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, giá alumin trên thị trường thế giới đang ấm dần lên và hiện đã lên đến 400 USD/tấn, nhiều khả năng sẽ tăng lên 420 USD vào năm 2018. Mặc dù vậy, khi tính toán hiệu quả kinh tế, Chính phủ chỉ dự kiến giá alumin là 310 USD/tấn.

“Kể cả với phương án bảo thủ là 310 USD/tấn alumin, chưa tính tới việc chế biến bùn đỏ để lấy quặng sắt thì thời gian giảm lỗ của 2 dự án bauxite cũng giảm được 1-2 năm so với kế hoạch”, ông Hải nói và cho rằng, với dự án có thời gian hoạt động 30 năm, vốn đầu tư lên tới 700 triệu USD thì việc giảm thời gian lỗ 1-2 năm là vô cùng quan trọng.

Hiện tại, tổng mức sản lượng khai thác của 2 dự án bauxite khi đi vào hoạt động hết công suất là 650.000 tấn. Đây là mức sản lượng rất khiêm tốn so với các dự án khai thác bauxite trên thế giới và so với trữ lượng 4 tỷ tấn bauxite của nước ta.

“Khi dự án khai thác bauxite được chứng minh là có hiệu quả, chúng ta có thể nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm, sau đó lên 1,5 triệu tấn/năm thì hiệu quả còn được nâng cao hơn nữa do giảm được nhiều chi phí”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Sau khi đi vào hoạt động 2 dự án bauxite, theo tính toán ban đầu có thể vẫn lỗ 4-5 năm, nhưng sau 12 năm đã có thể thu hồi đủ vốn đầu tư và bắt đầu có lãi. Nhưng tính trên tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, ngay cả khi bỏ qua yếu tố giá alumin trên thị trường thế giới đang tăng, có thể khai thác được quặng sắt từ phế thải bùn đỏ, hiệu quả của dự án khai thác bauxite đã có thể nhìn thấy được.

“Mặc dù chưa khai thác hết công suất, nhưng 2 dự án bauxite đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 700-800 tỷ đồng, tạo ra 2.400 việc làm trực tiếp và khoảng 12.000 việc làm gián tiếp trong khi công suất thiết kế chỉ có 650 ngàn tấn alumin/năm. Khi chúng ta tăng công suất khai thác, chắc chắn hiệu quả của dự án còn cao hơn”, ông Hiển tin tưởng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư