Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tăng chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rất khó khăn
Nguyễn Lê - 13/07/2021 16:42
 
Dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khả năng tăng chi ngân sách nói chung, tăng chi cho các Chương trình MTQG nói riêng sẽ khó khăn.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tiếp tục phiên họp thứ 58, chiều 13/7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Cần bố trí 51.500 tỷ đồng

Báo cáo tóm tắt về chương trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 của chương trình là phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Cùng thời điểm đó, cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM,

Với cấp tỉnh mục tiêu là cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.

Theo Tờ trình của Chính phủ thì đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025 cần bố trí cho Chương trình là 51.500 tỷ đồng (gồm 38.845 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 12.655 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng thẩm định nhà nước, tổng vốn ngân sách Trung ương (NSTW) của Chương trình giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng), bằng 62,7% số vốn dành cho Chương trình trong giai đoạn 2016-2020.

Vốn ngân sách địa phương dự kiến khoảng 302.000 tỷ đồng, gấp 1,24 lần số thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và cao hơn gần 7,6 lần so với vốn NSTW hỗ trợ.

Tính toán lại để đảm bảo nguồn lực

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra đề xuất của Chính phủ) Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với nguồn NSTW, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta, khả năng bố trí NSNN để tăng chi ngân sách nói chung, tăng chi cho các Chương trình MTQG nói riêng sẽ khó khăn.

Do đó, căn cứ trên phương án do Hội đồng thẩm định Nhà nước đề xuất, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu để bảo đảm nguồn lực NSTW được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng các nguyên tắc và thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, địa phương có tỷ lệ điều tiết về NSTW thì tự bảo đảm vốn từ NSĐP để thực hiện; Địa phương thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên khó khăn thì NSTW hỗ trợ tối đa 70%; địa phương NSTW còn phải hỗ trợ trên 60% thì NSTW hỗ trợ tối đa 50%; địa phương bảo đảm ngân sách từ 60% trở lên thì NSTW hỗ trợ tối đa 30%.

Đối với những xã thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình MTQG giảm nghèo và ASXH bền vững giai đoạn 2021-2025 thì không bố trí nguồn vốn của CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về đối tượng của các Chương trình.

Đối với các nguồn lực khác, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình là 1,79 triệu tỷ đồng vì nguồn vốn này chiếm tỷ trọng rất lớn là 68,8% trên tổng nguồn lực huy động (giai đoạn 2016-2020 là 57%); làm rõ mối quan hệ với tổng dư nợ vay, khả năng đáp ứng trong ngắn hạn và trung hạn của hệ thống ngân hàng cũng như tính khả thi về khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng này. Mặt khác, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn tín dụng khác theo quy định của Luật Việc làm, để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh trùng lặp, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.

Thảo luận về đề xuất của Chính phủ, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với mục tiêu, nội dung của chương trình.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định về đầu tư xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư