Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tăng cước 3G: Nhà mạng làm xiếc với khách hàng
Tú Ân - 26/10/2013 19:42
 
Mức tăng giá khoảng 40% của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đối với dịch vụ 3G kể từ ngày 16/10 khiến khách hàng thất vọng và lo ngại. Kiểm tra việc đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G

Thất vọng một phần vì giá cước dịch vụ 3G đi ngược lại quy luật thông thường là càng đông người dùng thì giá dịch vụ càng giảm, một phần do chất lượng dịch vụ không tăng cùng giá cước.

Lo ngại là vì việc các nhà mạng cùng “hẹn nhau” tăng cước sẽ là cuộc bắt tay để “móc ví” người dùng.

Thậm chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long còn cho rằng, việc 3 doanh nghiệp có thị phần 3G chiếm hơn 97% cùng tăng giá là biểu hiện của độc quyền nhóm.

Nhóm doanh nghiệp này giữ vị trí thống lĩnh thị trường mà Nhà nước lại để cho họ tự định giá là trái luật.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G. Khi giá đã tăng lên gấp đôi kể từ tháng 4/2013 thì đây là một dạng đột biến, nên phải can thiệp để bình ổn thị trường.

Luật Cạnh tranh đã quy định rất rõ là, cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, như thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư...

Vì vậy, trong câu chuyện việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G, có một điểm quan trọng mà dư luận yêu cầu làm rõ, đó là có hay không hành vi các nhà mạng thỏa thuận, cùng bắt tay nhau nâng giá?

Trước bức xúc của dư luận, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Công ty MobiFone giải thích, việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G “là sự ngẫu nhiên”.

Giống như các mạng khác, MobiFone có 2 chu kỳ tính cước là ngày 1 và 16 hàng tháng, như vậy tương ứng có 2 lựa chọn điều chỉnh cước là ngày 1 và 16/10. Từ ngày nhận văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông là ngày 4/10, thì đã qua ngày 1/10, nên MobiFone quyết định chọn ngày 16/10 để tăng cước, đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị về kỹ thuật, cũng như truyền thông.

Còn theo ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc Công ty Vinaphone, cuối tháng 8/2013, VinaPhone đã có văn bản điều chỉnh giá cước và xin áp dụng từ ngày 15/9. Sau đó, Bộ yêu cầu giải trình bổ sung và đầu tháng 10/2013, Vinaphone mới nhận được sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý.

Theo ông Thắng, thông thường, chu kỳ tính cước vào đầu tháng, nửa đầu tháng thì giá cước sẽ được tính tròn tháng vào ngày mùng 1, còn nửa đầu chu kỳ 2 (ngày 16) thì cước sẽ chỉ tính nửa tháng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, VinaPhone chọn ngày 16/10 để bắt đầu tăng giá, để người dùng sẽ chỉ bị tính nửa chu kỳ cước của tháng đó.

Liên quan đến việc khách hàng cho rằng, các nhà mạng đang vi phạm Luật Cạnh tranh, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, theo quy định của ngành viễn thông, những doanh nghiệp mới tham gia thị trường được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Quy định như vậy để doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế không được phép chèn ép doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Theo ông Trần Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), cuối năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Thông tư quy định về giá thành của gói cước. Cục Quản lý cạnh tranh đang trong quá trình thu thập thông tin cần thiết, sau đó sẽ trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông thì mới có thể đưa ra những nhận định của mình. Tới đây, Cục sẽ kiểm tra ngặt nghèo hơn cam kết về chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp, nếu đơn vị nào vi phạm, thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Dù giải thích như thế nào từ các phía, thì người tiêu dùng vẫn cảm thấy bị các nhà mạng “làm xiếc” để móc túi.

Hiệp hội vận tải 'kêu cứu' vì 3G tăng cước
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải cho biết thiết bị giám sát hành trình có thể bị vô hiệu hóa khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư