Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 29 tháng 12 năm 2024,
Tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng
Linh Nguyễn - 28/12/2024 12:44
 
Cận Tết, hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối sản phẩm nội địa với người tiêu dùng.

Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội

Tối ngày 27/12, Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội đã chính thức khai mạc tại khu vực vườn hoa Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức từ ngày 27 - 31/12/2024.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. 

Ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Linh Nguyễn

Đây là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng tổ chức vào thời điểm cuối năm, chào đón năm mới 2025 và Tết nguyên đán Ất Tỵ, được kỳ vọng sẽ phục vụ và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô.

Festival năm nay quy tụ khoảng 120 gian hàng từ 130 doanh nghiệp, hợp tác xã, và các chủ thể OCOP, giới thiệu hơn 1.000 dòng sản phẩm đa dạng. Đây là sự hội tụ của các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu, cùng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống đến từ Hà Nội và 22 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Hàng nghìn sản phẩm được trưng bày tại Festival bao gồm các nông sản đặc sản địa phương, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP đã qua kiểm chứng chất lượng, cũng như những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Tất cả đều được đầu tư kỹ lưỡng về bao bì, nhãn mác, và tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại. 

Bên cạnh đó, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và các tác phẩm đặc sắc từ làng nghề truyền thống càng làm nổi bật giá trị văn hóa độc đáo của Hà Nội và các vùng miền trên cả nước.

“Tham gia Chương trình cũng là cơ hội tốt để các đơn vị sản xuất, kinh doanh trưng bày, giới thiệu mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của địa phương, qua đó quảng bá thương hiệu tới các thị trường trong nước và quốc tế.”, ông Lê Tự Lực nhấn mạnh.

 Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cùng đại diện các sở, ban, ngành Thành phố Hà Nội tham quan các gian hàng. Ảnh: Linh Nguyễn

Trong các ngày diễn ra Festival, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức làm phong phú thêm trải nghiệm mua sắm của khách hàng như: trình diễn văn hóa, văn nghệ chào đón năm mới và chào mừng Đại hội đảng các cấp; các hoạt động quảng diễn sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP; giới thiệu ẩm thực quà quê, trò chơi dân gian, gắn kết cộng đồng ...

Việc tổ chức Festival cũng hướng đến mục tiêu cụ thể hóa các chương trình hợp tác của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất tiếp cận thị trường tiêu dùng Thủ đô.

Qua đó, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, khai thác tiềm năng từ thị trường nội địa; Tạo điểm nhấn kích cầu mua sắm an toàn trong dịp cuối năm, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đại diện gian hàng làng nghề hương sạch Xà Cầu, huyện Ứng Hòa, chia sẻ: "Tham gia hội chợ lần này là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi giới thiệu dòng sản phẩm hương sạch đặc trưng của làng nghề đến với đông đảo khách hàng Thủ đô và các tỉnh thành. Với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất độc hại, sản phẩm của chúng tôi không chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, an toàn của người dân. Qua sự kiện, chúng tôi mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa lâu đời của làng nghề Xà Cầu đến với mọi người.”

Hội chợ xúc tiến tiêu dùng 2024 “Rộn ràng mua sắm” 

Cùng ngày, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cũng tổ chức khai mạc “Hội chợ xúc tiến tiêu dùng 2024 “Rộn ràng mua sắm” tại Quảng trường vườn hoa Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chương trình diễn ra từ ngày 27 - 30/12/2024.

Ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, hội chợ nhằm kích cầu thương mại, tiêu dùng và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm cũng như giúp người dân địa phương mua sắm chuẩn bị đón năm mới 2025.

Hội chợ có quy mô lên đến 180 gian hàng bao gồm khu gian hàng và các không gian chung, giới thiệu sản phẩm với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu như thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, quà tặng, dệt may, phụ kiện… đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

“Đây là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận được với những sản phẩm bảo đảm uy tín, chất lượng cao, là điểm đến cho du khách tham quan và mua sắm”, ông Bùi Duy Quang nhấn mạnh.

Các gian hàng bố trí bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Linh Nguyễn

Theo Ban tổ chức, Hội chợ được tổ chức với mục tiêu phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc cũng như mong muốn quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các vùng, miền; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương; điểm đến du lịch của Thủ đô đến với người dân và du khách, góp phần quảng bá văn hóa địa phương, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, thông qua Hội chợ, thành phố Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử... giao dịch trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hội chợ tìm hiểu sản phẩm, năng lực sản xuất, khả năng cung cấp… tìm kiếm nguồn hàng đưa vào hệ thống phân phối; đàm phán ký kết biên bản hợp tác, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm.

Qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thời điểm “vàng” kích cầu tiêu dùng cuối năm
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Dương lịch, không khí mua sắm càng trở nên sôi động với hàng loạt chương trình khuyến mãi. Đây là cơ hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư