Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Tăng thuế thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiệt hại kinh tế
D.Ngân - 06/05/2025 07:40
 
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng thuế thuốc lá hiện tại ở Việt Nam vẫn quá thấp, không đủ điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Chính sách thuế mạnh mẽ hơn là cần thiết để giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiệt hại kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Tại Việt Nam, thuốc lá đang là nguyên nhân gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế. Tuy nhiên, chính sách thuế thuốc lá vẫn chưa phát huy được vai trò là công cụ kiểm soát tiêu dùng hiệu quả.

Dù đã có ba lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2008 đến 2019, nâng từ 55% lên 75%, giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, dễ tiếp cận và chưa tạo được rào cản đủ mạnh để hạn chế hành vi tiêu dùng.

 Ước tính mỗi năm, Việt Nam mất hơn 108.000 tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP) để chi trả cho các hậu quả liên quan đến thuốc lá. 

Theo số liệu năm 2022, tỷ lệ thuế thuốc lá tính trên giá bán lẻ tại Việt Nam chỉ đạt 36%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 59% của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, và còn cách xa mức khuyến nghị 75% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Do đó, dù thuế có tăng, giá thuốc lá trên thị trường vẫn rất rẻ, có nhiều nhãn hiệu dưới 10.000 đồng/bao, thậm chí thấp hơn một hộp sữa nhỏ. Điều này khiến người nghèo và thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận thuốc lá, làm gia tăng nguy cơ nghiện và để lại hệ lụy nặng nề.

Hiện nay, thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc. Mỗi năm, hơn 103.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó phần lớn là người đang trong độ tuổi lao động.

Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn gây hại nghiêm trọng cho những người xung quanh qua việc hút thuốc thụ động, một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu gây ung thư, tim mạch và các bệnh hô hấp, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Tác động của thuốc lá không dừng ở vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn để lại hậu quả nặng nề về kinh tế. Bà Phan Thị Hải, Phó chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, ước tính mỗi năm, Việt Nam mất hơn 108.000 tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP) để chi trả cho các hậu quả liên quan đến thuốc lá. Trong đó bao gồm hơn 16.000 tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp, gần 6.000 tỷ đồng do giảm năng suất lao động, và khoảng 86.000 tỷ đồng thiệt hại từ tử vong sớm.

Chưa kể, người dân cũng đang tiêu tốn khoảng 49.000 tỷ đồng mỗi năm để mua thuốc lá, một khoản chi tiêu không mang lại giá trị tích cực nào, thậm chí đẩy các hộ gia đình nghèo sâu hơn vào vòng xoáy nghèo đói do phải cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Đáng chú ý, nguồn thu từ thuế thuốc lá hiện chưa tương xứng với mức độ tiêu thụ và chi phí xã hội phải gánh chịu. Trong năm 2020, Việt Nam chỉ thu về khoảng 0,76 tỷ USD từ thuế thuốc lá dù tiêu thụ tới 3,85 tỷ bao.

Trong khi đó, Thái Lan tiêu thụ chưa tới một nửa lượng thuốc lá (1,68 tỷ bao) nhưng thu tới hơn 2 tỷ USD tiền thuế. Sự chênh lệch này cho thấy rõ bất cập trong chính sách thuế hiện hành, vừa không đủ sức răn đe người tiêu dùng, vừa bỏ lỡ cơ hội tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã chứng minh rằng tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng thu ngân sách. Tại Philippines, sau khi tăng thuế thuốc lá lên 400%, tỷ lệ hút thuốc giảm 30% trong khi nguồn thu ngân sách tăng mạnh.

Tương tự, Thái Lan trong giai đoạn 1993 - 2017 đã tăng thuế thuốc lá 11 lần, kéo tỷ lệ hút thuốc từ 32% xuống dưới 20% và thu về gần 2,3 tỷ USD tiền thuế. Ukraine cũng ghi nhận mức giảm gần 50% lượng tiêu thụ thuốc lá sau 10 năm tăng thuế, đồng thời tăng thu ngân sách gấp hơn 15 lần.

WHO và Ngân hàng Thế giới đều nhấn mạnh rằng giá và thuế là hai công cụ quan trọng nhất để kiểm soát việc hút thuốc, đặc biệt hiệu quả với người nghèo và thanh thiếu niên - những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Theo WHO, mỗi lần tăng giá thuốc lá 10% có thể giúp giảm tiêu dùng từ 5% trở lên ở các nước đang phát triển, thậm chí con số này có thể đạt đến 10% ở các nhóm thu nhập thấp.

Để cải thiện hiệu quả kiểm soát, WHO khuyến nghị Việt Nam áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp - kết hợp giữa thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối. Lộ trình đề xuất bao gồm: Áp dụng thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030, đồng thời duy trì thuế theo tỷ lệ ở mức 75%.

Theo tính toán, chính sách này sẽ giúp nâng tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá lên 65,3% vào năm 2030, tiệm cận mục tiêu của WHO, đồng thời giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ trưởng thành.

Tăng thuế thuốc lá là giải pháp cho phát triển bền vững

Việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là giải pháp tài khóa hiệu quả, mà còn là chính sách nhân văn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế, tăng nguồn lực phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, đi đôi với phát triển bền vững. Với những lợi ích rõ ràng, đây là thời điểm Việt Nam cần có bước đi mạnh mẽ hơn trong cải cách chính sách thuế thuốc lá để hướng tới một tương lai khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không chỉ giúp cân bằng ngân sách mà còn tạo ra nguồn lực để đầu tư cho sự phát triển bền vững.

Ông Đào Thế Sơn, đại diện Tổ chức Y tế Cộng đồng Toàn cầu Vital Strategies, nhận định rằng mặc dù việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam hiện nay thường bị phản đối với lý do gây gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp và có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu, nhưng những lo ngại này không hoàn toàn chính xác. Thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế thuốc lá mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Theo số liệu điều tra, mỗi năm việc sử dụng thuốc lá khiến người dân Việt Nam mất đi tổng cộng 21,8 triệu giờ lao động. Trong đó, 13,4 triệu giờ là thời gian người bệnh nghỉ việc để đi khám chữa bệnh, còn 8,3 triệu giờ là thời gian người nhà nghỉ để chăm sóc bệnh nhân. Con số này chưa kể đến thời gian mất đi do tử vong sớm và việc hút thuốc trong giờ làm việc.

Việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm tăng chi phí sử dụng sản phẩm này, từ đó khiến dòng tiền chi tiêu trong các gia đình chuyển hướng, không chỉ giảm chi tiêu cho thuốc lá mà còn chuyển sang các lĩnh vực thiết yếu khác như giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Ông Sơn cũng phân tích rằng việc tăng thuế thuốc lá có thể giúp giảm thời gian lao động bị mất, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động.

“Tăng thuế thuốc lá sẽ tạo ra sự chuyển đổi trong hành vi chi tiêu của người dân và giúp phát triển các lĩnh vực quan trọng khác. Hơn nữa, nó cũng giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm,” ông Sơn cho biết.

Về mặt kinh tế, ông Sơn cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không chỉ giúp cân bằng ngân sách mà còn tạo ra nguồn lực để đầu tư cho sự phát triển bền vững.

Nếu tăng thuế suất từ 65% lên 85%, GDP có thể tăng thêm 0,09%. Nếu thuế tăng từ 65% lên 105%, GDP có thể tăng thêm 0,18%. Việc chậm tăng thuế thuốc lá có thể khiến ngân sách mất đi khoảng 8-9 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2020-2021.

Mặc dù việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp thuốc lá, nhưng phần đóng góp vào ngân sách quốc gia sẽ tăng lên, đồng thời cũng có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế tổng thể. “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá nên được xem là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thay vì cản trở sự phát triển,” ông Sơn nhấn mạnh.

Một số ý kiến lo ngại rằng tăng thuế sẽ tác động tiêu cực đến những người nông dân và công nhân làm trong ngành sản xuất thuốc lá, bao gồm cả những người làm việc trong hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ.

Tuy nhiên, theo thống kê, số lượng lao động liên quan đến sản xuất thuốc lá chỉ chiếm dưới 0,4% tổng số lao động trong cả nước, đây là con số không đáng kể. Ngoài ra, số người làm việc trong các nhà máy thuốc lá hiện nay chỉ còn khoảng 10.000 người, giảm so với 12.000 người trước đây.

Với lo lắng này, theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Quỹ đang triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi cây trồng từ thuốc lá sang các cây trồng khác như ớt và ngô lai F1.

Các mô hình chuyển đổi này đã chứng minh rằng năng suất và thu nhập của người dân khi chuyển đổi cao hơn so với trồng thuốc lá. Việc chuyển đổi này sẽ được cộng đồng địa phương và chính quyền địa phương ủng hộ, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Tiến trình toàn cầu và sự cần thiết của mức thuế thuốc lá cao

Tính đến năm 2022, 41 quốc gia, chiếm hơn một tỷ dân số thế giới, đã đạt được mức thuế tối ưu mà WHO khuyến nghị, từ 75% giá bán lẻ trở lên. Kết quả là tỷ lệ hút thuốc giảm đáng kể, mang lại lợi ích rõ ràng cho sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, 18 quốc gia với tổng dân số 660 triệu người đã đạt mức thuế gần ngưỡng khuyến nghị của WHO (70-75% giá bán lẻ). Trong khi đó, sức mua đối với thuốc lá giảm mạnh tại 64 quốc gia từ năm 2012 đến 2022, khiến thuốc lá trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận hơn, đặc biệt là với các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư