Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 22 tháng 02 năm 2025,
Tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên: Khởi đầu cho sự bứt phá
Hà Nguyễn - 22/02/2025 09:10
 
Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên của năm 2025 đã được Quốc hội quyết nghị. Và đây chính là khởi đầu cho sự bứt phá của nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Đột phá bằng động lực tăng trưởng mới

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Đó là một mục tiêu khá thách thức và câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao để đạt được những mục tiêu đó.

Rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra trong Nghị quyết, bao gồm việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…; đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…

Không quá khó để nhận ra, trong các động lực tăng trưởng truyền thống, đầu tư công đang được đặt rất nhiều kỳ vọng. Hơn 84.300 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho kế hoạch đầu tư công năm 2025. Theo kế hoạch, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới, từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện... đến các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai kết nối với Trung Quốc, châu Âu, cũng như các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM…

Có lẽ, đấy chính là lý do mà tại kỳ họp bất thường đầu năm 2025, Quốc hội đã thông qua cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; cơ chế đặc thù cho phát triển các dự án đường sắt nội đô Hà Nội và TP.HCM, cũng như quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… Khi các dự án này được triển khai, không gian kinh tế mới sẽ được mở ra, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

Song quan trọng không kém là phải thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), khi phát biểu tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ở cả trên thế giới và Việt Nam, các động lực tăng trưởng truyền thống đã bão hòa, kinh tế số nổi lên như động lực tăng trưởng mới.

“Phát triển kinh tế số là yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới, khi Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực này”, ông Tuấn nói.

Kinh tế số cũng là một trong các động lực tăng trưởng mới đã được Chính phủ xác định. Bên cạnh đó, phát triển các ngành kinh tế mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến… là mục tiêu quan trọng. Trong đó, bán dẫn, năng lượng mới - như hydrogen là một trong những ngành được tập trung thúc đẩy.

“Với việc chuỗi giá trị ngành bán dẫn đã vượt mốc 1.000 tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng và chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội để mở rộng, tham gia sâu hơn chuỗi giá trị này trong tương lai”, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc phụ trách khách hàng và thị trường, Deloitte Việt Nam nói.

Theo bà Ngọc, các ngành công nghiệp công nghệ cao được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Và đó cũng sẽ là những ngành sẽ mang tới sự phát triển đột phá cho kinh tế Việt Nam.

Trông chờ các cực tăng trưởng mới

Một điểm khác biệt trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 chính là Chính phủ đã “khoán tăng trưởng” cho các địa phương. Với việc “khoán tăng trưởng” này, có thể nhận ra, bên cạnh các cực tăng trưởng quan trọng, như Hà Nội, TP.HCM, thì các cực tăng trưởng mới đã được hình thành. Nhiều kỳ vọng cũng được đặt vào các cực tăng trưởng mới này.

Điểm lại các “KPI tăng trưởng” mà Chính phủ đặt ra cho các địa phương, thì một số địa phương được giao nhiệm vụ khá cao. Cao nhất là Bắc Giang, với con số tăng trưởng GRDP là 13,6%, Ninh Thuận 13%... Trong nhóm các địa phương có KPI tăng trưởng trên 10%, có Hải Phòng (12,5%), Quảng Ninh (12%), Ninh Bình (12%), Hải Dương (10,2%), Thanh Hóa (11%), Nghệ An (10,5%), Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa đều 10%...

Như vậy, đã xuất hiện khá nhiều tên tuổi mới, mà thời gian gần đây nổi lên như là một trong những địa phương năng động, phát triển nhanh chóng. Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh… là những ví dụ điển hình. Đây là những địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư, đón được nhiều “đại bàng” công nghệ như Foxconn, Luxshare, Hana Micron… và do đó, đã trở thành các địa phương trọng điểm trong phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đang rất nỗ lực để có thể hoàn thành KPI. Thậm chí, Quảng Ninh còn phấn đấu vượt KPI mà Chính phủ đã giao. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 14%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với mức Chính phủ giao.

“Để đạt được mức tăng trưởng này, một trong những giải pháp quan trọng nhất được xác định là đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng đã nói như vậy và yêu cầu tất cả các dự án đầu tư công của tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ, làm sao giải ngân nhanh nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tương tự, Bắc Giang đang nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 13,6%. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên là tập trung thu hút đầu tư.

Và tất nhiên, hy vọng cũng đang được đặt vào hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM. Hai địa phương này đã được cho phép thực hiện cơ chế đặc biệt để phát triển đường sắt đô thị. Các cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã được quy định trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Khi các đầu tàu tăng tốc phát triển, sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước.

“Chúng ta không đặt mục tiêu vừa phải để phấn đấu dễ dàng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói như vậy và cũng nhấn mạnh: “Cả nước phải tăng trưởng, địa phương phải tăng trưởng, doanh nghiệp phải tăng trưởng. Tất cả các hành động đều phải vì mục tiêu tăng trưởng”.

Nỗ lực của “tất cả” sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế, không chỉ trong năm 2025, mà cả giai đoạn tăng trưởng 2 con số sắp tới.

Những ngày gần đây, liên tiếp các hoạt động để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển ngành bán dẫn, như kết nối hợp tác với phía Nhật Bản, đã được tổ chức. Nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực hydrogen của Tập đoàn SK cũng được triển khai. Sẽ có một tổ công tác được thành lập để thúc đẩy các dự án tỷ USD của nhà đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc này. Nhiều khả năng, SK sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, cũng như cơ chế “luồng xanh”, mà Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực kiến tạo trong thời gian qua để thu hút “đại bàng”.
Tăng trưởng kinh tế 2025 có ẩn số nằm ở xuất khẩu
Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư