Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Mở không gian bứt phá cho tăng trưởng kinh tế năm 2025
Kỳ Thành - 19/02/2025 09:43
 
Với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8% trở lên trong năm 2025, việc mở ra không gian bứt phá là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh thế giới còn nhiều thách thức và biến động khó lường.
Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển quan trọng, với những cơ hội lớn để bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025

Quyết sách đã đúng hướng, nhưng cần quyết liệt hơn

Sáng nay (19/2), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Cùng với đó, một số nghị quyết quan trọng khác được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho mục tiêu này, bao gồm chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Những quyết tâm này của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhằm tạo nền tảng và động lực phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, chịu tác động mạnh từ những biến động bên ngoài. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều yếu tố bất ổn và rủi ro.

Chia sẻ tại Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2025: Thách thức, cơ hội và không gian bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, sự phân mảnh của thị trường thế giới sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các chuỗi cung ứng, gia tăng bất ổn và chi phí thương mại toàn cầu. Hệ quả của cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc sẽ tác động rõ hơn vào cuối năm 2025 và đầu năm 2026.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn. “Ngay từ đầu năm 2025, chúng ta đã chứng kiến nhiều động thái tích cực của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Những biện pháp được đưa ra đều đúng hướng, nhưng cần có cách tiếp cận rộng rãi và quyết liệt hơn”, ông Hùng đánh giá.

Tận dụng tốt dư địa sẵn có

Để mở ra không gian bứt phá cho tăng trưởng năm 2025, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng vào các đột phá chiến lược và tận dụng tốt những dư địa còn chưa khai thác hết.

Theo ông Hùng, cải cách thể chế là yếu tố quan trọng để mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Trong đó, cần tập trung vào các biện pháp trọng tâm, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết. “Điều này sẽ giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn, tạo ra sự lan tỏa tích cực cho toàn bộ nền kinh tế”, ông Hùng nói.

Những năm qua, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn trong việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Nhu cầu về hạ tầng của Việt Nam là rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là cơ hội để mở rộng và phát triển hạ tầng nhanh hơn, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.

- Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ngoài ra, về phía các doanh nghiệp, ông Hùng cũng lưu ý, cơ hội để các doanh nghiệp tạo ra không gian phát triển là phải tham gia sâu hơn, tăng cường nhiều hơn vào các chuỗi sản xuất đã hiện diện tại Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhắc đến cuộc cách mạng trong tinh gọn bộ máy đang diễn ra và khẳng định, đây là yếu tố quan trọng giúp mở ra không gian bứt phá cho tăng trưởng.

Theo ông Cường, việc tinh gọn bộ máy hành chính sẽ rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính. Quá trình này có thể gặp khó khăn ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách thủ tục hành chính và thể chế, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề đầu tư công, đặc biệt là cho hạ tầng. Đây sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong cả giai đoạn 2025 - 2030.

Theo PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, mặc dù những năm gần đây hạ tầng đã có sự cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt, năng lượng là lĩnh vực quan trọng hàng đầu, vì nếu thiếu điện, không ngành kinh tế nào có thể vận hành hiệu quả. Do đó, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cần được triển khai nhanh chóng để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Ngoài ra, các dự án đường sắt chiến lược như tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần được triển khai theo từng đoạn, với tiến độ rõ ràng và quyết liệt để đạt hiệu quả cao nhất.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, nếu giải ngân đúng kế hoạch, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế. “Mục tiêu tăng mạnh đầu tư công lên 36 tỷ USD vào năm 2025 (so với 27 tỷ USD năm ngoái) là một bước đi táo bạo. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo đầu tư có hiệu quả, đúng tiến độ, thậm chí tiến độ triển khai phải nhanh hơn kế hoạch để sự tác động được phát huy tối đa”, ông Hùng nói.

Có thể khẳng định, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển quan trọng, với những cơ hội lớn để bứt phá mạnh mẽ trong năm 2025. Với các chính sách đúng hướng, quyết tâm cải cách thể chế, thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tận dụng hiệu quả đầu tư công, mục tiêu tăng trưởng 8% không phải là bất khả thi. Điều quan trọng là phải thực thi quyết liệt, đảm bảo các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả, để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, tạo nền tảng để phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Biến số và động lực trong tăng trưởng kinh tế năm 2025
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2025 được đặt ra ít nhất ở mức 8%. Vậy phải dựa vào các động lực tăng trưởng nào?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư