Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Tăng trưởng thấp nửa đầu năm, Agribank vẫn chi nghìn tỷ giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng
Thùy Liên - 14/07/2023 16:34
 
Tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 6/2023 chỉ đạt gần 1,4% song nửa đầu năm nay, Agribank vẫn tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hơn 2,2 triệu khách hàng.
AGribank đã

Nửa đầu năm nay, Agribank đã tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ

Ngân hàng giảm lãi vay nhiều nhất hệ thống

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây, lãnh đạo Agribank cho hay, tính tới 30/6/2023, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với cuối năm ngoái, tín dụng của Agribank chỉ tăng gần 1,4% trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 7,5%.

Cầu tín dụng thấp trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng. Tuy vậy, nửa đầu năm nay, Agribank vẫn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. 

Theo ước tính, Agribank đã tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu năm, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Hiệp hội ngân hàng mới đây, ông Lê Xuân Trung, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank cho hay: “Trong 6 tháng đầu năm, Agribank là ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng khi đã có tới 14 lần giảm lãi suất huy động và 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay”.

Không những thế, Agribank cũng là ngân hàng tích cực nhất trong triển khai các gói tín dụng chính sách hỗ trợ khách hàng. Đến hết tháng 6 Agribank đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; Agribank đã hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm tới 3% lãi suất cho khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian 31/01/2023 đến 31/12/2024.

Từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai các chương trình tín dụng lãi suất thấp: chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất cho vay VND ưu đãi chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 3%/năm; dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP…

Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện chính sách miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo đó, Agribank không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, các loại phí từ ngày phát sinh nợ quá hạn đến ngày khách hàng thực hiện trả nợ. Khách hàng có dư nợ xấu đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có thể được miễn giảm tối đa đến 50% lãi suất cho vay nếu thực hiện trả nợ trước ngày 01/10/2023.  

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh doanh, tăng vốn điều lệ

Với 14 lần giảm lãi suất huy động và 7 lần giảm lãi suất cho vay nửa đầu năm, Agribank được NHNN đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của một NHTM Nhà nước trong việc chấp hành chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN.  

Năm nay, Agribank đặt mục tiêu tín dụng tăng tối đa 7,5%, tổng tài sản và huy động vốn tăng 7-10%, lợi nhuận trước thuế (riêng lẻ) dự kiến 26.200 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng khiêm tốn nửa đầu năm, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm với Agribank là khá thách thức.  

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho hay, trong 6 tháng cuối năm,  Agribank sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình cân đối vốn, chủ động dự báo để điều hành linh hoạt lãi suất, chi phí điều vốn nội bộ... nhằm đảm bảo cân đối, tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Trong công tác tín dụng, Agribank tiếp tục chủ động, linh hoạt bám sát diễn biến thị trường, tập trung tăng trưởng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi tốt, giữ vững thị phần...  Sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình, nhu cẩu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại từng địa bàn nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả…
Mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay không đạt kỳ vọng song cũng không ảnh hưởng đến nỗ lực tăng vốn của Agribank. Cuối tháng 6/2023 vừa qua, Agribank vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận còn lại Agribank thực nộp NSNN giai đoạn 2021-2023, tối đa là 17.100 tỷ đồng; trong đó 6.753 tỷ đồng được thực hiện từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt; phần còn lại 10.347 tỉ đồng được bố trí từ NSNN và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Thực tế, năm 2021 và năm 2022 Agribank đã nộp NSNN phần lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ với tổng số tiền: 10.457 tỷ đổng. Năm 2023, dự kiến lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ) nộp NSNN là 8.600 tỷ đồng. Hiện, số lợi nhuận còn lại đã nộp Ngân sách Nhà nước quý I/2023 là 2.872 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ) Agribank đã nộp NSNN từ năm 2021 đến hết Quý I/2023 là 13.329 tỷ đồng' và dự kiến nộp trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng. Với mức thực nộp khả năng lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ, việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn khả thi.

Agribank được tăng vốn, nông nghiệp có dư địa bơm thêm hàng chục nghìn tỷ đồng tín dụng
Được Quốc hội chấp thuận tăng vốn đồng nghĩa với việc Agribank có thêm dư địa mở rộng tín dụng cho nền kinh tế năm nay, đặc biệt là lĩnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư