Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tăng trưởng thương mại với EAEU đạt gần 30% sau 3 năm có FTA
Thế Hải - 13/12/2019 22:10
 
Sau 3 năm triển khai Hiệp định, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã tăng đáng kể, trung bình khoảng gần 30%/năm, đặc biệt với thị trường Liên bang Nga.
Sau 3 năm triển khai Hiệp định, tốc độ tăng  trưởng thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã tăng đáng kể, trung bình khoảng gần 30%/năm
Sau 3 năm triển khai Hiệp định, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã tăng đáng kể, trung bình khoảng gần 30%/năm.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (Việt Nam-EAEU FTA) đã đi vào thực thi được 3 năm kể từ khi có hiệu lực. Chiều ngày 12/12/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) Nikishina Veronika đã đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xác nhận, sau 3 năm đi vào thực thi, FTA giữa Việt Nam và  EAEU đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại. Nếu giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng kim ngạch trung bình hàng năm chỉ đạt vào khoảng 5%. Kể  từ khi Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đã đạt vào khoảng gần 30%.

EAEU một khu vực kinh tế có tốc độ phát triển tốt, một thị trường chung rộng lớn của 5 nước với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.900 tỷ USD và 183 triệu dân (năm 2018). Mặc dù Liên minh EAEU mới được thành lập năm 2015 nhưng là một khối đầy tiềm năng phát triển. Trong tương lai, EAEU có nhiều triển vọng mở rộng, bổ sung thêm một số nước từ khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và đây là một lợi thế cho các nước đã ký kết FTA với EAEU như Việt Nam.

Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) bao gồm 5 nước thành viên: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia. Đây là khu vực có quan hệ kinh tế - chính trị đặc biệt đối với Việt Nam.

Việt Nam và EAEU đã ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015 và Hiệp định có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016. Sau 3 năm triển khai Hiệp định, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã tăng đáng kể, trung bình khoảng gần 30%/năm, đặc biệt với thị trường Liên bang Nga.

Trong năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực EAEU đạt gần 5 tỷ USD, tăng 28,7 % so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực EAEU đạt 2,7 tỷ USD (tăng 12%), nhập khẩu của Việt Nam từ EAEU đạt 2,28 tỷ USD (tăng 56%).

Trong 5 nước thành viên khu vực EAEU, Liên bang Nga là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU, chiếm 96% thương mại của Việt Nam với cả khối EAEU. Quan hệ song phương của Việt Nam với 4 nước thành viên còn lại của EAEU còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khối EAEU.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tuy có FTA nhưng để duy trì mức tăng trưởng thương mại ổn định ở mức cao, hai Bên cần rất nỗ lực tháo gỡ các rào cản phi thuế quan, cụ thể là hợp tác nhằm điện tử hóa các thủ tục hành chính và hải quan, tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề chứng nhận xuất xứ, đàm phán công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực nông nghiệp...

Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC), bà  Nikishina Veronika cho biết, thị trường EAEU vẫn đang có nhu cầu rất lớn về tất cả các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, giày dép, điện tử, các sản phẩm nông sản như gạo, hạt tiêu, rau quả, thuỷ sản. Về phía EAEU, những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam là các mặt hàng xăng dầu, máy móc, hoá chất, sắt thép, hàng tiêu dùng. Cơ cấu sản phẩm giữa Việt Nam và EAEU bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp.

Với những điều kiện như vậy, xu hướng tăng trưởng thương mại tốt sẽ còn tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo với điều kiện hai Bên cần tập trung vào việc tháo gỡ cho các doanh nghiệp những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai các chính sách về quản lý, điều hành (như các quy định về kiểm dịch, tiêu chuẩn kiểm chuẩn, thủ tục hành chính…).
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, qua kinh nghiệm 3 năm thực thi Hiệp định, hai Bên có thể xem xét việc sớm đàm phán trao đổi về những mặt hàng mình quan tâm trên cơ sở cân bằng lợi ích, tạo điều kiện để FTA mang lại hiệu quả cao như mong muốn.

Được biết, mối quan tâm lớn của Việt Nam với thị trường EAEU hiện tại là thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng nông sản. Việt Nam đang đề nghị được tăng đáng kể hạn ngạch về gạo, cũng như số lượng các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thuỷ sản sang EAEU. Trong khi phía EAEU đề nghị Việt Nam cải thiện mở cửa thị trường đối với rượu vang nổ, thịt gia cầm và thịt bò. Ngoài ra, hai Bên cũng có thể trao đổi việc cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực ô tô, máy móc nông nghiệp, dược phẩm...

Xuất khẩu dệt may vào Liên minh Kinh tế Á - Âu sớm đạt 1 tỷ USD
Với ưu đãi lớn về thuế quan, khoảng 90 dòng thuế về 0% mà Liên minh Kinh tế Á - Âu dành cho Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư