Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á - Âu
Thế Hoàng - 04/10/2016 09:35
 
Gần 950 doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á-Âu (VCUFTA) và những DN muốn thâm nhập thị trường này sẽ có thêm nhiều thông tin về VCUFTA để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu khi FTA có hiệu lực.

Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày mai (5/10).

Để để tận dụng tối đa các lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường này, trung tuần tháng 10/2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh Kinh tế Á - Âu khi Hiệp định VCUFTA có hiệu lực” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (về cơ chế chính sách, vận tải, thanh toán, thuế quan, rào cản kỹ thuật thương mại, đối thủ cạnh tranh…) mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi tiếp cận thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Việt Nam hiện có gần 950 DN xuất khẩu sang VCUFTA, trong đó chỉ 200DN trong số này có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Việt Nam hiện có gần 950 DN xuất khẩu sang VCUFTA, trong đó chỉ 200DN trong số này có kim ngạch xuất khẩu lớn

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu, trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…, 738 doanh nghiệp tham gia xuât khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước sẽ trình bày tham luận theo chuyên đề liên quan đến từng lĩnh vực như thuế (Bộ Tài chính), quy tắc xuất xứ (Bộ Công Thương), thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… khi xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là Liên bang Nga.

Sau Hội nghị, dựa trên cơ sở các ý kiến của Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn công tác sang Liên bang Nga (vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm 2016) để kết hợp trao đổi, làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ rào cản, vướng mắc và thực hiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước.

FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những nước này sẽ được miễn hoặc giảm thuế và hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội đến với thị trường có hơn 183 triệu dân.

Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á - Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ đô la Mỹ hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai.

Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.

Cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định này là rất lớn, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày-túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ Liên minh kinh tế Á - Âu, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…

FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/10/2016
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư