Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tăng tự chủ cho DN để thúc cổ phần hóa
Thanh Vũ - 14/07/2013 09:06
 
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UBND TP.HCM về những nội dung liên quan đến việc rà soát ngành, lĩnh vực theo Quyết định số 14/2011 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Lãnh đạo UBND TP.HCM thừa nhận, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM còn chậm.
TIN LIÊN QUAN

Trong giai đoạn 2013 – 2015, TP.HCM sẽ tiến hành cổ phần hóa 31 công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Tính đến ngày 20/6/2013, UBND TP.HCM đã ban hành 20/31 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015. Sau khi được thành lập, các ban chỉ đạo đã triển khai các bước thực hiện theo quy trình xử lý các doanh nghiệp sáp nhập, giải thể, phá sản.

Giảm sự can thiệp của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước là động lực đẩy mạnh cổ phần hóa.

Cho tới nay, TP.HCM đã sáp nhập 1 doanh nghiệp (Công ty Sài Gòn Kỹ nghệ nông cơ) vào Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn; tiến hành giải thể 6 doanh nghiệp và làm các thủ tục phá sản đối với 10 doanh nghiệp.

Lãnh đạo Thành phố thừa nhận, tốc độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Thành phố phấn đấu hoàn thành ít nhất cổ phần hóa 5/9 doanh nghiệp năm 2013, các doanh nghiệp còn lại chuyển tiếp sang năm 2014.

Cũng theo đánh giá của UBND TP.HCM, do công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện tại là phương thức quản lý hành chính, do vậy, việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, thực chất chỉ là đánh giá việc hoàn thành khối lượng của nhiệm vụ kế hoạch giao hàng năm; căn cứ vào báo cáo tài chính hoặc quyết toán năm tài chính của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước.

Với phương thức quản lý như vậy, việc đánh giá hiệu quả thường không hoàn toàn trùng khớp với hoạt động kinh doanh thực sự của doanh nghiệp. Mặt khác, việc có quá nhiều cơ chế chính sách, nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm cụ thể, không có tiêu chí đánh giá chuẩn về hiệu quả quản lý, sử dụng vốn làm cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã rối càng thêm rối.

Trước thực trạng trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có thông tư hướng dẫn về phân công, phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện làm nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước, tương tự như các bộ đang có quyền điều hành đối với doanh nghiệp thuộc ngành mình.

“UBND Thành phố không thể “ôm” cùng lúc cả mấy trăm doanh nghiệp. Nếu cứ copy như Chính phủ (quản lý doanh nghiệp nhà nước) cũng được, nhưng lại không có cơ sở pháp lý”, ông Lê Mạnh Hà nói và kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với đặc điểm riêng của Thành phố.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, với cơ chế vận hành hiện nay, có những chủ trương từ Thành phố tới doanh nghiệp có khi mất mấy tháng trời. Sự chậm trễ đó do thủ tục quy định các bước đi cụ thể, các cơ quan xử lý các bước đi đó, vì vậy, nếu giảm đầu mối xử lý, hiệu quả công việc sẽ được nâng lên. Để làm được điều này, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tự chủ hơn hiện nay, trong đó, làm giảm sự can thiệp của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước là điều kiện tiên quyết. Đó chính là động lực để đẩy mạnh công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước triệt để hơn nữa.

Trước những vấn đề mà UBND TP.HCM nêu ra, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian qua TP.HCM đã có bước đi cụ thể khi thực hiện giải thể, sáp nhập, phá sản đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, do Luật Phá sản hiện nay không đủ hướng dẫn, chế tài đối với các hoạt động này, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa đổi Luật Phá sản. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu Đề án quản lý doanh nghiệp tập trung về một đầu mối.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư