Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp Trung Đông, Bắc Phi
Phan Long - 04/11/2013 15:20
 
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi diễn ra sáng nay (4/11) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp Trung Đông, Bắc Phi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. >>> Dubai Mall - Trung tâm thương mại lớn nhất thế giới >>> Diễn đàn kinh tế Việt Nam và các đối tác Trung Đông, Bắc Phi
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm các gian hàng triển lãm của doanh nghiệp tại Diễn đàn

Đây là lần đầu tiên một sự kiện có quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-Bắc Phi được tổ chức tại Việt Nam.

Diễn đàn sẽ kéo dài đến ngày mai 5/11, với các phiên họp về chủ đề “Tổng quan về môi trường đầu tư và kinh doanh”; “Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng” và “Hợp tác trong lĩnh vực lao động, nông nghiệp và du lịch.”

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác to lớn và mong muốn của các bên.

Với phương châm “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông - Bắc Phi.

Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn lần này sẽ tạo thêm động lực và những đột phá mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí và lao động.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-Bắc Phi tăng từ 889 triệu USD năm 2002 lên 7,4 tỷ USD năm 2012, trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.

Nhiều doanh nghiệp của khu vực này đang tích cực tham gia đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản...

Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Algeria. Hiện Việt Nam có khoảng 26.000 lao động đang làm việc tại các nước khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy tăng nhanh, song mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam.

Trong khi đó, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài hàng năm của các quốc gia Trung Đông - Bắc phi; số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Trung Đông-Bắc Phi.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Diễn đàn tập trung thảo luận, tìm ra các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, nhất là thương mại, năng lượng, khai khoáng và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng và ký kết các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này, đồng thời xây dựng các định hướng, biện pháp nâng cao và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa và du lịch. Việt Nam và một số nước châu Phi đã gặt hái được những kết quả tích cực ban đầu về hợp tác trong những lĩnh vực này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi đôi với việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do quan trọng như Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU, Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan và một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác...

Những hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

“Chúng tôi cam kết luôn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu từ Trung Đông và Bắc Phi. Thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam chúng tôi,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư