Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 01 tháng 08 năm 2024,
Tập đoàn lớn trong vòng xoáy lừa đảo online - Bài 2: Thaco, Hòa Phát, CMC Telecom, VNDirect… đều không thoát
Ngô Nguyên - 01/08/2024 08:00
 
Thaco Group bị đối tượng lừa đảo dùng hình ảnh, tên và logo thương hiệu Peugeot để đăng tin tuyển dụng với nhiều quyền lợi hấp dẫn. Tập đoàn Hòa Phát không chỉ bị giả mạo kêu gọi đầu tư vào dự án, mà còn bị giả hồ sơ, giả chữ ký và con dấu.
Các tổ chức, đối tượng lừa đảo đang nhắm vào các tổ chức tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để lừa đảo bằng nhiều hình thức, như giả mạo website, kêu gọi đầu tư dự án của

tập đoàn, giả mạo nhân viên doanh nghiệp để dụ dẫn. Điều này nếu không có giải pháp quyết liệt, thì không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp.

Đi làm sẽ được nghỉ ở khách sạn 5 sao

Peugeot là thương hiệu xe ô tô “sư tử Pháp” có lịch sử hơn 200 năm, được Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất và phân phối độc quyền tại Việt Nam từ năm 2013 (Peugeot Việt Nam) với website riêng là https://www.peugeotvietnam.vn. Lợi dụng điều này, kẻ lừa đảo online đã lập nhiều trang fanpage facebook sử dụng hình ảnh, tên và logo thương hiệu Peugeot để đăng thông tin tuyển dụng nhân sự.

Không chỉ vậy, bọn chúng còn giả làm nhân sự của Peugeot Việt Nam để tuyển dụng với các quyền lợi hấp dẫn như: được đi du lịch 1 - 2 lần/năm tại các khách sạn 4 sao, 5 sao; được thưởng hiện vật, hiện kim tất cả các ngày lễ trong năm. Tất nhiên, ứng viên phải gửi hồ sơ cá nhân qua email, Zalo càng chi tiết càng… tốt, đặc biệt phải chụp căn cước công dân, phải kèm cả số tài khoản thường dùng để công ty… trả lương, chi thưởng…

Web kêu gọi đầu tư và các văn bản quyết định giả mạo Tập đoàn Hòa Phát
Web kêu gọi đầu tư và các văn bản quyết định giả mạo Tập đoàn Hòa Phát

Theo Peugeot Việt Nam, tất cả những thông tin trên hoàn toàn không đúng sự thật. Trước vấn nạn này, mới đây, Thaco Group phải cảnh báo trên website chính thống đề nghị khách hàng và đối tác không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các trang fanpage không xác thực để tránh nguy cơ bị lừa đảo.

Mạo danh cả Apple

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), mới đây, Công ty Phần mềm Symantec đã cảnh báo người dùng iPhone trước những tin nhắn lừa đảo giả mạo Apple nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, mật mã tài khoản Apple ID.

Cụ thể, các tin nhắn thường được gửi đến với nội dung như: “Yêu cầu đăng nhập iCloud, tham gia đường dẫn signin[.]authen-connexion[.]info/icloud để tiếp tục sử dụng thiết bị và dịch vụ”. Khi nhấn vào đường dẫn, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web đăng nhập iCloud giả mạo. Một khi đã có được mật khẩu của các tài khoản này, đối tượng xấu sẽ dễ dàng chiếm quyền điều khiển thiết bị, truy cập các dữ liệu cá nhân, thông tin ngân hàng, từ đó thực hiện các giao dịch chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Không chỉ Peugeot Việt Nam, hàng loạt tập đoàn tên tuổi khác đều chung cảnh ngộ. Điển hình, Công ty cổ phần Hạ tầng Viễn thông CMC (CMC Telecom, thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC) bỗng nhiên nhận được hàng loạt hồ sơ đăng ký tuyển dụng trên trang webside chính thống của mình (cmctelecom.vn).

Liên hệ với những người đăng ký, doanh nghiệp mới “té ngửa” khi nhiều người cho hay, họ nhận được tin tuyển dụng từ nhóm chat trên Telegram. Admin của nhóm chat này công bố hình ảnh của CMC Telecom và mời gọi các ứng viên khẩn trương đăng ký tuyển dụng làm việc vì… nhu cầu đang gấp.

Mất một thời gian tìm hiểu, CMC Telecom mới phát hiện thủ đoạn của kẻ lừa đảo có nick là P.V.Thái. Thái đăng ký một tài khoản tuyển dụng trên CareerBuilder.vn với logo “CMC Corporation”, tên nhà tuyển dụng là “Chi nhánh Hải Phòng - Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC” và cả web chính thống của CMC Telecom để ứng viên ứng tuyển.

Sau khi “con mồi” đăng ký, gửi hồ sơ dự tuyển trên CarrerBuilder, sẽ có một số điện thoại lạ nhắn tin trao đổi qua Telegram, gửi mô tả công việc và yêu cầu tham gia nhóm chat trên Telegram. Trên nhóm chat, admin tự xưng là phụ trách điều hành tuyển dụng, đào tạo nhân lực tại CMC và gửi một thông báo trích dẫn quy định tuyển dụng cho hay, ứng tuyển không chỉ được đi làm, mà còn được trả phúc lợi tuyển dụng 150.000 đồng.

Đương nhiên, ai muốn đi làm thì phải cung cấp thông tin cá nhân, như họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng… CMC Telecom khẳng định: không tuyển dụng qua Telegram, chat; không có chính sách tuyển dụng như trên; không lấy thông tin cá nhân nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng…

Giả mạo chữ ký, con dấu của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Với vị thế là tập đoàn giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép và Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát đã bị giả mạo mọi “ngóc ngách”, từ tuyển dụng nhân sự tới mời gọi đầu tư, được hưởng hoa hồng tính bằng… phút giống như trường hợp giả mạo Coteccons.

Cụ thể, theo Hòa Phát, kẻ lừa đảo lấy tất cả logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn tạo ra các trang website như http://hoaphat.cc/mobile/index.html;  https://hptrading.site/ để kêu gọi đầu tư đầy hấp dẫn. Đơn cử, Dự án phát triển sản xuất thép nội địa quy mô 253 tỷ đồng, đã đạt tiến độ tới 48%, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%.

Không chỉ vậy, kẻ lừa đảo còn khiến người dân và cả khách hàng của Hòa Phát “tin sái cổ” khi làm giả cả quyết định điều chuyển nhân sự với nội dung và văn phong rất chuẩn hành chính: “Căn cứ quyết định điều chuyển công tác của Phòng nhân sự, nay điều chuyển ông T.T.Hoàng, chức vụ Trưởng phòng Pháp chế tới nhận công tác tại Phòng kinh doanh…”.

Thậm chí, chúng còn giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát là ông Trần Đình Long để “ký tươi, đóng dấu đỏ” làm thành thông báo “Chấn chỉnh quy định thực hiện giờ giấc, chấp hành nội quy, quy chế, quy định của Công ty trong giai đoạn thực hiện triển khai dự án”.

Trước sự ngang nhiên, trắng trợn trên, Hòa Phát không chỉ chủ động cảnh báo trên các kênh truyền thông của mình, mà quyết liệt hơn khi lập vi bằng, rồi phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Doanh nghiệp chứng khoán bị giả mạo như… cơm bữa

Với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, kẻ lừa đảo lập bẫy tràn lan trên thế giới mạng, đủ loại hình thức, từ giả webside, giả nhân viên môi giới, thậm chí giả làm cả “thầy” dạy đầu tư chứng khoán online miễn phí.

Điển hình, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (Vietcap) nhận được thông tin rằng, nhiều đối tượng mạo danh, lợi dụng uy tín Vietcap để bẫy nhà đầu tư thông qua nhiều hình thức như: giả mạo nhân viên Vietcap mời gọi vay tín chấp, giao dịch trên sàn chứng khoán quốc tế; mời tham gia nhóm đầu tư 4.0; gửi đường link website mời mở tài khoản và nạp tiền giao dịch với mức lợi nhuận hấp dẫn; làm giả giấy tờ, văn bản nhằm gây dựng lòng tin…

Hay mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) tiếp tục phát cảnh báo về việc bị mạo danh lừa đảo. Theo đó, MBS nhận được nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị dụ dỗ, tư vấn chuyển khoản để mua cổ phiếu, nhưng mất tiền ngay sau khi chuyển tiền. Đối tượng lừa đảo thường mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên tư vấn chứng khoán của MBS để gọi điện giới thiệu, mời chào khách hàng tham gia các nhóm Zalo/Telegram và tham khảo “tư vấn” từ các chuyên gia hàng đầu của MBS.

Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các thông tin địa chỉ trụ sở, chi nhánh MBS; tên, vị trí chức danh của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao MBS để thuyết phục, gia tăng sự tin tưởng với nạn nhân. Tinh vi hơn, chúng lập nhiều nick “ảo” sử dụng hình ảnh, tên tuổi, kinh nghiệm làm việc, tiểu sử của ban lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao MBS để xưng là “chuyên gia tư vấn” và đưa ra các khuyến nghị cho nạn nhân.

Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đã kêu cứu tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc các cá nhân, tổ chức giả mạo là nhân viên của KIS lập hội, nhóm trên Zalo mang nhiều tên như: Giao lưu phân tích đầu tư chứng khoán, YY03 xu hướng thị trường chứng khoán, thậm chí là lập Quỹ đầu tư GEM Việt Nam, nhằm dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Thêm thủ đoạn trùng tên, nhưng không dấu khi chuyển khoản

Trường hợp này xảy ra với Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect). Vừa qua, doanh nghiệp bỗng nhận được thông tin phản ánh của một nhà đầu tư về việc người này đã chuyển tiền vào tài khoản số 456932158, chủ tài khoản là chính công ty để giao dịch chứng khoán. Nhân viên VNDirect vội kiểm tra thì “tá hỏa” khi thấy số tài khoản nêu trên của công ty chứng khoán khác… cùng tên, không sai một dấu, nhưng có mã số doanh nghiệp khác mã 0102065366 của VNDirect.

VNDirect cho rằng, lợi dụng kẽ hở của việc hiển thị trùng tên không có dấu khi chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng và cũng ít nhà đầu tư nào chú ý tới khác biệt mã số doanh nghiệp, các đối tượng đã thành lập doanh nghiệp cùng tên VNDirect để lấy thương hiệu uy tín nhằm dụ dỗ, lừa nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.

VNDirect cho hay, doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục cần thiết và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm đối với việc mạo danh nêu trên.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư