Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tập đoàn TH và giấc mơ Nga
Tố Vương - 11/11/2015 11:02
 
Sau thành công với giấc mơ đưa “đồng cỏ châu Âu về giữa lòng xứ Nghệ”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH lại bắt đầu theo đuổi giấc mơ Nga - giấc mơ đưa sản phẩm thương hiệu Việt đến với một nửa châu Âu bằng một dự án có quy mô lên tới 2,7 tỷ USD tại ngay Mátxcơva (Liên bang Nga).

Từ “cú” bắt tay có “giá” 2,7 tỷ USD

Hơn hai tuần trước, một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Mátxcơva (Liên bang Nga). Đích thân bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH và ông Andrey Vorobiev Iu, Thống đốc tỉnh Mátxcơva đã ký kết thỏa thuận này tại Phủ chủ tịch, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và trong cái bắt tay rất chặt, trong sự hồ hởi của cả hai bên.

Đó là cú bắt tay có “giá” 2,7 tỷ USD, bởi sau thỏa thuận được ký, Tập đoàn TH sẽ đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Mátxcơva. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD, một con số còn lớn hơn cả vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga từ trước tới nay cộng lại.

Bà Thái Hương và ông Andrey Vorobiev Iu ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Mátxcơva
Bà Thái Hương và ông Andrey Vorobiev Iu ký thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Mátxcơva

“Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện các thủ tục đầu tư cần thiết vào cuối năm nay, ở cả Việt Nam và Nga, để tháng 1, tháng 2 sang năm, tiến hành các thủ tục về đất và tới tháng 4, khi băng giá tan hết, sẽ bắt đầu khởi công xây dựng Dự án”, bà Thái Hương hồ hởi nói và khoát tay chỉ trên bản đồ vùng đất rộng lớn mà mai này, nơi đó sẽ là một trang trại bò sữa và nhà máy chế biến có quy mô thậm chí còn lớn hơn Trang trại TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) hiện nay.

“Giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD. Giữa năm 2017, chúng tôi sẽ ra mắt sản phẩm sữa TH đầu tiên tại Liên bang Nga”, vẫn đầy nhiệt huyết, bà Thái Hương đã chia sẻ như vậy về kế hoạch đầu tư của mình.

Theo kế hoạch, giai đoạn I có 9 cụm trang trại được xây dựng trên diện tích 26.400 ha, với mỗi cụm trang trại đều có một cụm chế biến thức ăn. Sẽ có một đàn bò 45.000 con, trong đó có 21.600 con bò cho sữa, đồng thời cũng sẽ có một nhà máy chế biến sữa được xây dựng.

Quy mô giai đoạn I của Dự án cũng tương đồng với quy mô Trang trại TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) hiện tại, với 45.000 con, trong đó có hơn 22.000 con đang cho sữa, với năng suất sữa bình quân đạt 30 lít/con/ngày.

Nhưng kế hoạch của TH không chỉ là 500 triệu USD, hay đích ngắm là năm 2017, mà là 2,7 tỷ USD và 10 năm, từ năm 2015 tới năm 2025.

Sẽ lại là một kế hoạch làm sữa tươi sạch từ trang trại tới bàn ăn, từ trồng cỏ đến nuôi bò, chế biến sữa và phân phối tới người tiêu dùng, để 10 năm nữa, vùng ven Mátxcơva rộng lớn sẽ có một vùng nguyên liệu tập trung rộng hơn 140.000 ha, một đàn bò sữa 350.000 con và một nhà máy chế biến sữa với công suất 5.900 tấn/ngày, tương đương 1,8 triệu tấn/năm.

Không ngoa khi nói rằng, đây là dự án lớn nhất về nông nghiệp, thực phẩm của Việt Nam đầu tư tại Nga. Cũng là dự án bò sữa quy mô lớn ở Mátxcơva, bởi hiện tại, trong toàn vùng có 103.600 con bò sữa, với sản lượng sữa đạt 640.000 tấn/năm. Khi Dự án TH đi vào vận hành sẽ giúp Mátxcơva tiến gần hơn đến mục tiêu chung là cung cấp một triệu tấn sữa mỗi năm vào năm 2020. Khi ấy, đàn bò sữa của TH sẽ chiếm tới 1/3 tổng đàn bò sữa của toàn tỉnh Mátxcơva.

Đến giấc mơ Nga

Cũng giống như hơn 5 năm trước đây, khi TH bắt đầu hiện thực hóa Dự án Chăn nuôi bò và Chế biến sữa ở Nghĩa Đàn, với giấc mơ “đưa đồng cỏ châu Âu về giữa lòng xứ Nghệ”, dư luận không khỏi nghi ngờ. Bây giờ cũng là một sự nghi hoặc với giấc mơ Nga của bà Thái Hương, giấc mơ đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt đến với một nửa châu Âu (nước Nga chiếm phân nửa diện tích của châu Âu - PV).

Tiền đâu để đầu tư? Làm sao có thể thành công ở một đất nước xa xôi như vậy? Liệu có phải là “châu chấu đá xe” hay không?... Đã nghe những câu hỏi như vậy.

Còn bà Thái Hương chỉ tự tin mỉm cười khẳng định với ông Andrey Vorobiev Iu, Thống đốc tỉnh Mátxcơva rằng, “hãy tin tưởng ở chúng tôi, chúng tôi sẽ mang lại thành công cho mảnh đất của các bạn”.

Có một câu chuyện được bà Thái Hương kể, đó là khi lần đầu tiên sang Nga cách đây hơn hai tháng để khảo sát địa điểm xây dựng Dự án, một phóng viên đã hỏi cảm xúc của bà về nước Nga và lý do vì sao bà quyết định đầu tư sang Nga, thì câu trả lời là “ấn tượng về một nước Nga yên bình, khác hẳn với những thông tin thường thấy trên các phương tiện truyền thông”.

Còn lý do ư, thứ nhất đó là vì, nước Nga đang thực hiện lệnh cấm vận, trong khi trước đó vẫn đang phải nhập tới 50% sữa từ thị trường châu Âu. Vì bị cấm vận, nên nước Nga đang có những chính sách rất tốt để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng những dư địa thị trường lớn, mà chính sách cũng thông thoáng, còn gì thuận lợi hơn nữa!

Và đương nhiên, lý do thứ hai, đó là với thành công từ dự án TH ở Nghệ An, bà có thể hoàn toàn tự tin mang mô hình đó sang nước Nga để viết tiếp thành công ở “một nửa của châu Âu”.

Nói rằng, yêu nước Nga và quyết định đầu tư ở đất nước này cũng vì tình hữu nghị giữa hai quốc gia, bà Thái Hương, vẫn như thường lệ, đã thật tâm chia sẻ rằng, mọi hành động xuất phát từ con tim thì kết quả sẽ rất tốt đẹp.

Thực ra, kinh doanh không phải là câu chuyện của cảm xúc, mà là câu chuyện của cạnh tranh nảy lửa, của sát phạt sống chết, là bài toán tồn tại hay không tồn tại… Cảm xúc, tình yêu với nước Nga có thể chỉ là “điều kiện đủ” để bà Thái Hương quyết định bước một bước xa xôi ngàn dặm để đầu tư.

Còn điều kiện cần, ấy là nước Nga thực sự đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung sữa trầm trọng nhất từ trước đến nay. Kể từ tháng 8/2014, Chính phủ Nga đã đưa ra lệnh cấm vận với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ châu Âu, trong đó có các sản phẩm từ sữa. Lệnh cấm này mới đây thậm chí đã được gia hạn tới tận tháng 7/2016.

Hơn một năm qua, lượng sữa nước, rồi sữa chua và cả phomat tươi nhập khẩu vào Nga đã giảm đáng kể, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn rất lớn. Dù sản xuất sữa nội địa của Nga đang có cơ hội để phát triển và đã tăng trưởng 26% trong vòng một năm qua, với tổng đàn bò sữa vào khoảng 4,58 triệu con, cung ứng 16 triệu tấn sữa/năm, nhưng thế vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Thị trường rộng mở và đó là cơ hội vàng cho TH “đánh chiếm” thị trường Nga, mà chẳng phải lo cạnh tranh với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu. Nếu đầu tư nhanh chóng và hiệu quả, sẽ chẳng phải nghi ngờ về thành công của TH ở thị trường này.

Vĩ thanh

Một thương vụ muốn thành công, phải có thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tập đoàn TH của bà chủ Thái Hương dường như đang nắm trọn trong tay cả 3 yếu tố đó.

Có thị trường, có công nghệ và kinh nghiệm. Đó là thiên thời, địa lợi. Còn nhân hòa, ấy là quyết tâm của Tập đoàn TH và sự ủng hộ tuyệt vời của người Nga.

Hôm đi thăm trang trại TH ở cao nguyên Phủ Quỳ, ông Dmitriy Alexandrovic Stepanenko, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực tỉnh Mátxcơva, cứ trầm trồ mãi không thôi về quy mô của Dự án, về sự chuyên nghiệp của các chuyên gia và kỹ sư ở trang trại TH.

“Tôi tin rằng, khi dự án tương tự được xây dựng tại Mátxcơva, đội ngũ chuyên gia này sẽ đảm bảo vận hành tốt trang trại chăn nuôi bò sữa của TH tại Liên bang Nga”, ông Stepanenko nói và cho biết, chính quyền tỉnh Mátxcơva sẽ hỗ trợ trực tiếp 3 rúp trên mỗi lít sữa.

Chưa hết, để giải tỏa nỗi lo về đất đai, ông Stepanenko còn cho biết, sẽ ủng hộ và đẩy nhanh việc bàn giao đất cho Dự án. “Từ năm 2015, Tổng thống Nga đã cấp quyền để Thống đốc tỉnh Mátxcơva tự ký quyền cấp đất và điều này sẽ làm đơn giản hóa quá trình cấp đất. Chúng tôi sẽ xúc tiến bàn giao đất vào tháng 2, tháng 3 năm tới để TH có thể sớm bắt tay vào đầu tư xây dựng”, ông Stepanenko cười và tin rằng, với năng lực sẵn có của TH, với sự hỗ trợ của phía Nga, việc triển khai Dự án TH tại Nga là hoàn toàn khả thi.

Còn Thống đốc tỉnh Mátxcơva thì bảo, ông đang trông chờ từng ngày Dự án TH đi vào hoạt động. Khi đó, không chỉ người Nga được đảm bảo nguồn cung sữa, mà hơn 1.000 lao động địa phương sẽ có việc làm. “Tôi mong nhìn thấy kết quả kinh doanh tốt của TH ở nước Nga”, ông Andrey Vorobiev Iu mỉm cười.

Mọi thứ đều thuận lợi cho việc TH đặt viên gạch đầu tiên ở nước Nga. Chỉ có một nỗi lo duy nhất, ấy là mùa đông băng giá kéo dài ở vùng đất này, trái ngược với mùa hè nắng nực ở Nghĩa Đàn ( Nghệ An). Nhưng lại một lần nữa, bà Thái Hương tự tin rằng, tất cả sẽ được giải quyết bằng công nghệ. Công nghệ hiện đại đã mang đồng cỏ châu Âu đến được với lòng xứ Nghệ, thì chẳng gì là không thể.

Hẳn nhiên, vẫn còn phải chờ đợi một thời gian nữa mới biết giấc mơ Nga của bà Thái Hương có thể trở thành hiện thực hay không. Nhưng đứng trên đồng cỏ bát ngát xanh của xứ Nghệ hôm nay, nhìn quy mô to lớn của trang trại và nhà máy chế biến sữa, bất giác chúng tôi cũng muốn có chung một giấc mơ về một ngày không xa, tên tuổi TH sẽ thành danh trên xứ sở của bạch dương và tuyết trắng.

Hình như, đã có những chú bò sữa đầu tiên từ nước Mỹ đang được chuẩn bị để sớm đưa về nước Nga...

Tập đoàn TH đầu tư 2,7 tỷ USD sang Nga
Tập đoàn TH đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Matxcơva (Liên bang Nga) để triển khai Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư