Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tây Bắc: Trung tâm thủy điện của cả nước
Hoàng Nam - 07/11/2014 22:05
 
() Tháng 4/2011, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản vay trị giá 330 triệu USD, giúp xây dựng Nhà máy Thủy điện Trung Sơn thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với có công suất 260 MW.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thanh Hóa gỡ tiến độ Dự án Thủy điện Trung Sơn
Ngăn sông Mã đợt 1 dự án thủy điện Trung Sơn

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận xét, Dự án Thủy điện Trung Sơn nằm trong kế hoạch phát triển nguồn điện với chi phí thấp nhất đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, đồng thời sẽ góp phần vào chương trình phòng chống thay đổi khí hậu bằng cách giảm thải được khoảng 1 triệu tấn khí thải CO2/năm.

Tuy nằm tại địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa), sử dụng nguồn nước từ sông Mã, song  Thủy điện Trung Sơn chuyển nước vào lưu vực khu vực dự án thuộc địa phận các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Hoà Bình của vùng núi phía Tây Bắc.

   
  Tại Việt Nam, các dự án thủy điện lớn đều do EVN đảm nhiệm với chỉ đạo sát sao của Chính phủ  

Tổng mức đầu tư của dự án là 410,68 triệu USD, trong đó 330 triệu USD là vốn vay của WB. Vốn đối ứng của EVN là 80,68 triệu USD.

Ông Richard Spencer, nguyên điều phối viên ngành năng lượng khu vực  Đông Á – Thái Bình Dương, hiện là Chủ nhiệm Dự án Thủy điện Trung Sơn của WB cho hay, việc xây dựng Thủy điện Trung Sơn có thể sẽ tác động mạnh đến giảm khí thải CO2 của Việt Nam trong tương lai do không phải xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện.

Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, thủy điện hiện vẫn được thế giới xem như nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tại Việt Nam, các dự án thủy điện lớn đều do EVN đảm nhiệm với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, cắt lũ và chống hạn cho hạ du, góp phần  điều hòa khí hậu vùng và tiểu vùng, đặc biệt là có vị trí quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng.

Tại vùng Tây Bắc, sau khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà (công suất 120 MW) đi vào vận hành năm 1971, tiềm năng thủy điện của khu vực này tiếp tục được EVN đánh thức với hàng loạt công trình lớn triển khai sau đó. Trong số này, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (công suất 1.920 MW) đã đi vào vận hành cuối năm 1994 và được xem là nhà máy điện lớn nhất Việt Nam cho tới khi Thủy điện Sơn La, (công suất 2.400 MW) khởi công xây dựng vào cuối năm 2005 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 12/2012. Cùng với việc triển khai xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu (công suất 1.200 MW), bậc thang cuối cùng trên hệ thống sông Đà, bên cạnh thủy điện Sơn La và Hòa Bình, nước sông Đà sẽ 3 lần làm ra điện.

Các dự án thủy điện Huội Quảng (công suất 520 MW), Bản Chát (công suất 220 MW), Tuyên Quang (công suất 342 MW) hay Trung Sơn (công suất 260 MW) đều do EVN triển khai đã đi vào vận hành hoặc đang xây dựng cũng góp phần đưa khu vực Tây Bắc trở thành trung tâm thủy điện của EVN lẫn cả nước, đóng góp tỷ trọng lớn trong nguồn cung của hệ thống điện quốc gia.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, các dự án thủy điện lớn do EVN đầu tư ở khu vực Tây Bắc, bên cạnh việc xây dựng nhà máy chính còn góp phần tạo dựng bộ mặt mới cho khu vực thông qua di dân tái định cư, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trong khu vực.

Đơn cử tại Dự án Thủy điện Sơn La, tổng mức đầu tư toàn bộ lên tới trên 66.000 tỷ đồng, bao gồm 3 dự án thành phần là xây dựng công trình nhà máy thủy điện, di dân tái định cư và đường giao thông tránh ngập. Trong dự án di dân, tái định cư của thủy điện Sơn La được phê duyệt với quy mô hơn 26.457 tỷ đồng, EVN cũng tham gia đóng góp khoảng 9.040 tỷ đồng.

Không chỉ đánh thức tiềm năng thủy điện nơi vùng Tây Bắc để bổ sung nguồn cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, EVN và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) cũng đang triển khai nhiều dự án đưa điện đến các hộ dân ở khu vực này theo chỉ đạo của Chính phủ, giúp người dân nơi đây có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa, kiến thức và phát triển kinh tế. 

Với địa hình hiểm trở nhất cả nước, suất đầu tư để đưa điện tới các hộ dân nơi đây lên tới 20 triệu đồng/hộ, riêng các xã nằm sát biên giới có thể lên tới 80 triệu đồng/hộ. Chưa kể sau khi đầu tư xây dựng, đưa vào quản lý vận hành thì luôn phải bù lỗ do sản lượng điện quá thấp; chi phí quản lý, vận hành lưới điện và mức độ nguy hiểm đối với công nhân rất lớn. Gian nan có thừa, doanh thu rất thấp, nhưng EVN NPC vẫn là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác phát triển lưới điện về các xã miền núi biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng với mục tiêu phủ sóng điện tới các hộ dân trong cả nước cũng như đồng bào vùng Tây Bắc, hàng loạt dự án cấp điện vẫn đang tiếp tục được EVN, EVN NPC triển khai tại nơi đây. Ví dụ, Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La có tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng, thực hiện với hơn 30.000 hộ dân nông thôn, được triển khai trong giai đoạn 2011-2015; Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Bắc Kạn có tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng, thực hiện tại hơn 5.600 hộ dân nông thôn trong giai đoạn từ năm 2013 đến 

2016; Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Lai Châu, có tổng mức đầu tư 415 tỷ đồng, triển khai tại hơn 8.500 hộ dân nông thôn với thời gian từ năm 2013 đến năm 2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư