Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Tây Ninh đề xuất phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài - TP.HCM - Cái Mép Thị Vải
Lê Quân - 19/07/2023 07:18
 
Tỉnh Tây Ninh đề xuất phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài -T P.HCM - cảng Cái Mép Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Đề xuất này được ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nêu ra tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ diễn ra vào ngày 18/7, tại TP.HCM.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương, trung chuyển hàng hoá, du lịch với Campuchia và các nước Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) nên có độ mở giao thương lớn.

Vì vậy, Mộc Bài có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng kết nối giữa vùng Đông Nam bộ - TP.HCM - Mộc Bài - Campuchia và các nước tiểu vùng Sông Mêkông.

Điểm thuận lợi khi hình thành tam giác phát triển giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ có đầy đủ các phương thức vận tải gồm đường biển, đường hàng không và đường bộ sẽ giúp phát triển cho cả vùng và cả khu vực.

"Việc phát triển thành công Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được xem là một giải pháp mở rộng không gian phát triển cho vùng TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại" Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, với những tiềm năng, thế mạnh hiện có Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, để làm được điều đó cần đầu tư hoàn thiện và phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối, nhất là hiện thực hóa và sớm hoàn thành tuyến cao tốc Mộc Bài - TP.HCM - dự án giao thông huyết mạch mang tính chiến lược về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TP.HCM, đặc biệt là sự kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, với cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như tạo sự kết nối quan trọng giữa khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế.

Về đường thuỷ nội địa, tuyến hành lang vận tải thủy Tây Ninh - TP.HCM - cảng Cái Mép Thị Vải sẽ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ qua TP.HCM đến cảng biển Cái Mép Thị Vải để kết nối đến các trung tâm logistics và cảng cạn ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Long An.

Để phát huy được hiệu quả của tuyến đường thủy này tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nạo vét, nâng cấp luồng sông Sài Gòn để nâng tải trọng cho các tàu lớn vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, cần có cơ chế, chính sách vượt trội để tạo đột phá phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, nhất là cơ chế chính sách về đất đai, về phân cấp, ủy quyền, về ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm triển khai thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và cơ chế hải quan một cửa ASEAN tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Bavet theo hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hoá, người và phương tiện qua lại biên giới giữa các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng.

Tìm giải pháp “đánh thức” khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
Dù có nhiều lợi thế, nhưng sau 24 năm kể từ khi được thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư