Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tết buồn: Hơn 10.000 lao động bị nợ lương, không thưởng
Duy Tiến - 18/01/2014 10:39
 
Theo tổng hợp mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH công bố chiều 17-1, bình quân mức lương, thưởng Tết 2014 của người lao động tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp khó khăn, phá sản nhiều nên có hàng chục nghìn người lao động đang bị nợ lương, hơn trăm nghìn người không có thưởng Tết. >>>


Lao động ở một số doanh nghiệp khó xoay sở cuộc sống khi bị nợ lương,
không có tiền thưởng Tết. ảnh: Phú Khánh

Thưởng Tết bình quân tăng

Trao đổi với báo chí chiều 17-1, ông Tống Văn Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này Bộ đã tổng hợp được báo cáo thống kê về lương, thưởng Tết 2014 của tất cả các địa phương. Theo đó, trong năm 2013, dù kinh tế khó khăn nhưng mức lương bình quân của người lao động ước đạt 5 triệu đồng/người/tháng, tăng 19,2% so với năm 2012. Mức lương tăng do lương tối thiểu vùng năm 2014 được điều chỉnh tăng 15-17%, cũng như chỉ số giá tiêu dùng tăng. Người có mức lương cao nhất trong năm 2014 là 434,2 triệu đồng/tháng, là cán bộ ở một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM. Mức lương cao nhất này thấp hơn năm 2012 (là 624 triệu đồng/tháng).

Mức thưởng Tết dương lịch bình quân của người lao động khoảng 1,1 triệu đồng/người, bằng 90% thưởng Tết dương lịch năm 2013. Mức thưởng Tết dương lịch cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở TP.HCM, là 463,7 triệu đồng. Mức thưởng Tết âm lịch bình quân cho người lao động của các doanh nghiệp khoảng 4,4 triệu đồng/người, tăng 20% so với 2013, sự gia tăng này chủ yếu do tiền lương của người lao động tăng. Mức thưởng Tết âm lịch cao nhất cũng tại một doanh nghiệp FDI ở TP.HCM, 709 triệu đồng.

Trong khi mức lương, thưởng Tết 2014 bình quân tăng thì vẫn còn đến 79 doanh nghiệp ở 22 tỉnh/thành phố nợ 75,7 tỷ đồng tiền lương của 10.168 người lao động. Đây đều là các doanh nghiệp hết sức khó khăn, gần như đã tạm ngừng sản xuất, phá sản nên rất khó giải quyết, Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa có giải pháp nào để tháo gỡ, hỗ trợ người lao động. Bên cạnh đó, có gần 600 doanh nghiệp với khoảng 256.000 lao động ở 8 tỉnh/ thành phố không có thưởng Tết dương lịch; có 420 doanh nghiệp với 118.000 lao động ở 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa không có thưởng Tết âm lịch… Theo ông Tống Văn Lai, số liệu này được tổng hợp từ thống kê của gần 2.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động, rất nhỏ so với số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động nên chưa phản ánh khách quan, chính xác nhất về tình hình lương, thưởng Tết năm nay.

Cứu đói cho 16 địa phương

Trong bối cảnh kinh tế năm 2013 đầy khó khăn nên số địa phương đề xuất Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và giáp hạt năm 2014 cũng gia tăng. Ông Thái Phúc Thành, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ LĐ-TB&XH và liên bộ đã nhận được văn bản đề xuất hỗ trợ khoảng 30.000 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt 2014 cho 16 tỉnh. Đến thời điểm này, 9 tỉnh đầu tiên đã được Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói với số lượng 12.322 tấn.

Ngoài ra, có 3 tỉnh gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Kon Tum đã được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói và có thể sẽ được Chính phủ quyết định hỗ trợ trong vài ngày tới. Trong số này, Ninh Bình đề xuất hỗ trợ cứu đói 1.287 tấn gạo, Thanh Hóa đề xuất hỗ trợ 506 tấn, Kon Tum đề xuất hỗ trợ 1.134 tấn. Bộ LĐ-TB&XH cũng đang làm thủ tục trình Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho 3 địa phương khác gồm Hà Nam, Sơn La và Đắk Lắk. Trong đó, Hà Nam đề xuất hỗ trợ 2.000 tấn gạo, Sơn La đề xuất hỗ trợ 5.340 tấn, Đắk Lắk đề xuất hỗ trợ 1.300 tấn.

Ông Thái Phúc Thành cho biết thêm, về vấn đề trợ cấp quà Tết cho người nghèo, năm nay ngân sách Nhà nước không chi nhưng đến thời điểm này đã có hơn 20 tỉnh/ thành báo cáo sẽ trích ngân sách địa phương và huy động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ quà Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo trên địa bàn. Bình quân mỗi người nghèo sẽ được hỗ trợ quà Tết khoảng 200.000 đồng, mức hỗ trợ cao nhất là 700.000 đồng ở TP.HCM, 500.000 đồng ở Đà Nẵng, Cần Thơ… Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục khuyến khích các địa phương trích ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa để đảm bảo chăm lo Tết cho người nghèo được đầy đủ, tốt hơn.

Chăm lo Tết cho người có công

Tương tự, vấn đề chăm lo Tết cho người có công cũng được Nhà nước rất quan tâm. Ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chủ tịch nước vừa có quyết định về việc tặng quà Tết Giáp Ngọ cho người có công. Theo đó, Nhà nước sẽ trích ngân sách 350 tỷ đồng để chi tặng quà Tết cho khoảng 2,5 triệu người có công trên cả nước. Trong số này, có 1,5 triệu người có công là đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, còn lại là các đối tượng hưởng chế độ trợ cấp 1 lần.

Ông Dương Minh Đỗ cho biết thêm, ngoài quyết định của Chủ tịch nước, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hướng dẫn các tỉnh/ thành phố trích quỹ của địa phương và huy động các nguồn xã hội hóa để chăm lo đời sống của người có công trong dịp Tết Nguyên đán này, đảm bảo 100% người có công đều được tặng quà. Hiện đã có 20 tỉnh/thành báo cáo sẽ trích ngân sách của địa phương với tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng để hỗ trợ quà Tết cho người có công.

Duy Tiến

Thưởng tết Giáp Ngọ 2014: Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Nhiều doanh nghiệp dệt may quyết định thưởng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cho người lao động từ 1,5 đến 2 tháng thu nhập. Bàn chuyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư