Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
[Tết đoàn viên] Đưa người Việt về nước giữa đại dịch
Hải Vân - 12/02/2021 12:13
 
Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại gần 40 năm, có lẽ chưa bao giờ Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu lại gắn sâu với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân như thế.

Chính phủ Ấn Độ bắt đầu thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên quy mô rộng, nhưng ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đã không có cơ hội chủ trì hôn lễ cho con gái duy nhất.

Năm 2020, điều đáng nhớ nhất với ông Châu, là khi biết tin 22 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và Ấn Độ và 18 người thân bị dương tính với Covid-19 sau quá trình thực hiện công tác sơ tán công dân. Rơi vào tình thế ít ngờ tới nhất, gác lại việc gia đình, ông Châu đã luôn ở đó để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

Cuộc di dân bác ái’’

Ấn Độ phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Chính phủ nước này gần như lập tức đóng cửa tất cả trường học, dịch vụ công cộng, tàu điện ngầm tại các thành phố và tạm ngừng hoạt động các chuyến bay quốc tế. Khi đó, ni sư Huyền Tâm đang là một ni sinh học về Phật giáo ở Ấn Độ. Sau 3 tháng chống chọi với Covid-19, Huyền Tâm quyết định về Việt Nam, nơi cô đã phải gom góp và tiết kiệm rất nhiều để được sang học tập.

Dịch Covid-19 tiếp tục khiến hàng chục ngàn người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn trở về nước nhưng không có chuyến bay nào khi hầu hết các chính phủ quyết định đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cho các công dân một lối thoát khỏi Covid-19: Trở về Việt Nam trên cơ sở đăng ký, xem xét và lựa chọn.

Cùng hồi hương với ni sư Huyền Tâm, còn có các tăng, ni sinh đến Ấn Độ từ các chùa và viện Phật giáo trên khắp Việt Nam. Một số người mua vé máy bay bằng tiền công đức và không có nhiều tiền. Nhưng một người khác trong túi chỉ vỏn vẹn 1,5 triệu đồng Việt Nam, được chủ nhà thương tình hỗ trợ 50 USD tiền lộ phí. Trong khi đó, chi phí cho 3 chặng về Việt Nam lên đến 1.000 USD, buộc họ cân nhắc từng đồng cho quyết định về nước. Giá vé của các chuyến bay nội địa do Đại sứ quán thuê lại vẫn tiếp tục trồi sụt tùy thuộc số lượng khách sẽ bay. Nhiều người bế tắc và tuyệt vọng.

Covid-19 gây ra những điều tồi tệ nhất nhưng cũng có một điểm tích cực. “Nó giúp tôi nắm bắt rõ hơn bức tranh người Việt Nam sống tại Ấn Độ hay chính xác hơn là đang bị cơ nhỡ tại Ấn Độ”, Đại sứ Châu cho biết. Trên thực tế, bức tranh người Việt ở Ấn Độ rất khác với cộng đồng người Việt ở Pháp hay ở Bỉ, những quốc gia ông Châu từng công tác. Nó cũng rất khác với cộng đồng người Việt Nam ở Đông Âu, nơi ông biết tương đối rõ, vì có chị gái và cháu của ông đang sống. Nó cũng khác với hoàn cảnh của kiều bào ở Thái Lan, Campuchia, mà cuộc sống của họ được đề cập trong các buổi giao ban làm việc ở Bộ Ngoại giao.

Thế giới người Việt Nam ở Ấn Độ, ông Châu nói là “thế giới của cả nỗ lực mưu sinh vì cuộc sống, của một thời kỳ quá độ do lịch sử để lại và đặc biệt là thế giới của tâm linh”. Ông và các cán bộ, nhân viên trong Đại sứ quán chứng kiến sự trăn trở của những người Việt có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nếu ở lại Ấn Độ, họ sẽ không có việc làm, không có chỗ ở và không có cả thức ăn khi Ấn Độ vừa kết thúc đợt giãn cách thứ 3 và bước vào đợt thứ 4, với 5.000 người nhiễm bệnh mỗi ngày.

.

Trong sự nghiệp hoạt động đối ngoại gần 40 năm của mình, có lẽ chưa bao giờ ông Phạm Sanh Châu, một nhà ngoại giao kỳ cựu, lại gắn sâu với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân như thế, chưa bao giờ gắn bó với từng số phận của từng đấy con người như thế. Đại sứ quyết định tổ chức quyên góp trong nội bộ cơ quan ngoại giao tại Ấn Độ để lấy tiền mua 15 vé máy bay nội địa, 5 vé quốc tế, hỗ trợ giảm giá cho 15 vé nội địa và quốc tế khác, nhằm xoa dịu khó khăn của con người đang mong mỏi từng ngày được trở về quê hương.

Ông Châu vẫn nhớ, ngay trong ngày mở bán đầu tiên, Vietnam Airlines đã bán hết ngay 300 vé cho đối tượng đặc biệt cần về nước theo danh sách được Chính phủ duyệt. Đại sứ quán đã xin thêm và được Chính phủ Việt Nam cho phép bán bổ sung thêm 30 vé. Khi chỉ còn 14 vé cuối cùng, Đại sứ quán muốn dành cho đoàn người Việt từ Nepal nếu Ấn Độ đồng ý cấp visa quá cảnh vào phút cuối.

Thế nhưng, khó khăn vẫn chưa hết. Chỉ 2 ngày trước khi bà con lên máy bay trở về quê hương, Đại sứ quán chỉ có giấy phép cất cánh của Chính phủ Việt Nam và giấy phép hạ cánh của Chính phủ Ấn Độ cho chuyến bay của Vietnam Airlines, nhưng chưa có giấy phép bay qua không phận Myanmar và Bangladesh. Trong khi đó, về chuyến bay nội địa, Đại sứ quán đã hoàn tất ký hợp đồng thuê 3 chuyến bay nội địa của hãng Indigo và đã nộp đơn nhưng chưa nhận được giấy phép đồng ý của Chính phủ Ấn Độ…

Hồi hương từ Ấn Độ giữa đại dịch, một hành trình đặc biệt khó khăn và phức tạp, với sự tham gia của 340 người, di chuyển hàng chục ngàn cây số, hàng chục tiếng đồng hồ, để vượt qua 15 tiểu bang trên 66 ô tô và 3 chuyên cơ đặc biệt để tới được địa điểm cuối cùng là sân bay New Delhi vào chiều ngày 19/5 để bắt đầu lại cuộc sống tại Việt Nam, nơi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Theo Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, những người ở trong nước hình dung ra những khó khăn của những người Việt Nam ở các vùng dịch tìm cách trở về nhà. Nhưng khi đọc những trang ghi chép của ông Châu, mới thấy hết sự phức tạp và hiểm nguy trong cuộc giải cứu nhân tính tuyệt vời này. Ông gọi đây là “cuộc di dân bác ái’’.

Với Thiều, những cuộc gọi điện thoại nửa đêm, những lá thư vội vàng, cấp bách… từ những người Việt Nam bị ‘’kẹt’’ trong vùng dịch vang lên chính là những tiếng kêu cứu. Chỉ một sự vô cảm, chỉ với bất kỳ lý do nào đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu và các cán bộ, nhân viên của mình có thể buông tay nhẹ gánh và quay đi mà khó ai có thể trách khứ. Và như thế, những tiếng kêu cứu kia sẽ chìm vào tuyệt vọng. Phạm Sanh Châu đã đáp lại tiếng kêu ấy. Ông đã cùng các cán bộ, nhân viên của mình lên đường về phía những tiếng kêu với sự cảm thông và chia sẻ lớn lao, với ý chí mạnh mẽ và với một trách nhiệm không giới hạn, Thiều nhận xét.

Nắm tay nhau cùng bước qua bệnh dịch

Ấn Độ trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới vào đầu tháng 7/2020, với gần 700 nghìn ca mắc Covid-19, khi đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vốn được thực thi từ cuối tháng 3. Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020 đến thời điểm này, Ấn Độ đã ghi nhận gần 20 nghìn ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này.

Không cho biết chính xác thời gian 40 người trong Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ dương tính với Covid-19, nhưng ngày đầu tiên sau khi nhận kết quả xét nghiệm, ông Châu, với tư cách là Thủ trưởng cơ quan, đã “xin chịu trách nhiệm” trước toàn thể cán bộ, nhân viên trong Đại sứ quán vì không giữ được “sạch lưới (clean slate) cho dù đã cẩn thận và nỗ lực trong gần bẩy tháng qua.

Đã có lúc Đại sứ nghĩ rằng có thể dẫn dắt Đại sứ quán đi qua đại dịch này mà không hề bị tổn thương hay sứt mẻ. Nhưng điều đó đã không thể trong bối cảnh Ấn Độ trở thành tâm điểm dịch lớn nhất thế giới, khi mà Chính phủ và người dân không còn và không thể quan tâm nhiều đến công tác phòng dịch. Hơn nữa, công tác đối ngoại lúc này đòi hỏi phải triển khai nhiều hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã kích hoạt “Cơ chế khẩn cấp” để hỗ trợ các cán bộ, nhân viên. Rất nhiều công việc phải làm, vừa để mọi người phục hồi sức khỏe, vừa quản lý công việc chung của Đại sứ quán, cần tập trung cao độ để chống dịch. “Tất cả chúng tôi đã nắm tay nhau cùng bước qua bệnh dịch và tránh được lưỡi hái của tử thần”. Ông Châu nói “sau khi thoát chết, chúng tôi hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống và tình người”.

Hôm 16/1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố khởi động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 quy mô lớn nhất thế giới bằng 2 loại vaccine đầu tiên sản xuất tại quốc gia này, đồng thời tăng cường xét nghiệm sàng lọc các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đại sứ Phạm Sang Châu hi vọng: “Năm 2021 sẽ không có ai phải lo đặt trước quan tài cho người sống như tôi từng làm vì tôi biết cảm giác đó khủng khiếp thế nào”.

Đến nay, sau một năm dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán của Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục làm việc với các chính phủ để cung cấp hỗ trợ lãnh sự đối với những công dân Việt Nam bị ảnh hưởng. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức 299 chuyến bay, đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
[Tết đoàn viên] Chúng tôi cảm nhận một cái Tết an toàn ở Việt Nam
Người dân trên thế giới đang chào đón năm mới với một tâm thế khác biệt. Ở Anh và Mỹ, đây thường là dịp để họ về với gia đình. Tuy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư