Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
[Tết đoàn viên] Tết sớm ở Mường Dy
Hữu Tuấn - 09/02/2021 15:30
 
Trước thời điểm dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, Mường Dy (Ba Vì, Hà Nội) đã bắt đầu ăn tết sớm bằng tiệc tất niên đoàn viên ấm áp, với những khoảng khắc vui vẻ, đầm ấm bên nhau.

1.

Khi những luống mạ non đã lên mơn mởn rung rinh trong tiết trời se lạnh, những vườn đào xù xì hé nụ hồng tươi trên đồi, những túm ngô vàng óng yên vị bên hiên nhà… là lúc bà con xóm Gốc Đa, thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội í ới rủ nhau chuẩn bị tiệc tất niên.

Một nhóm rẽ lối mòn lên núi chặt lá chít, xuống suối rửa sạch, hong khô để gói bánh chưng. Cánh đàn ông hè nhau chặt tre dựng đu, dựng cây còn, làm sân bóng chuyền hơi...

Chú lợn lai rừng béo múp, mấy con ngan nần nẫn, đàn gà đồi chắc nịch đã được bắt về từ vài hôm trước kêu rộn rã góc rừng. Đám trẻ con áo xanh, quần đỏ lăng xăng quấn chân người lớn, chí chóe đuổi nhau bên chiếu bánh chưng người lớn đang ngồi gói.

Xóm Gốc Đa vào xuân rộn ràng với khí thế tưng bừng. Hồi tháng 5/2020, cánh đồi Cáo Cang đã chung sức đổ được con đường bê tông dài 400 m, chấm dứt cảnh bị cô lập mỗi khi mưa lũ, tiện bề cho bà con đi làm đồng. Cánh đường Gốc Đa chung tay kéo đèn đường, trồng hoa hai bên đường, làm sáng bừng cả ngõ núi. Nhiều ngôi nhà được xây cất, sửa sang tươm tất. Gia đình nào kinh tế cũng khá giả hơn. Vì thế, năm nay, xóm nhỏ nằm nép bên góc núi rừng Ba Vì ăn tết to. 

Xóm nhỏ ven chân núi Ba Vì (Hà Nội) đang đón một mùa xuân mới với nhiều đổi thay và niềm hy vọng mới

Bên nồi bánh chưng đỏ lửa, vừa nướng ngô, nướng khoai, vừa nghe các bác, các cụ lớn tuổi miên man kể chuyện xưa, chuyện nay… Theo lời các cụ, người dân thôn Dy chủ yếu là dân tộc Mường di cư từ Hòa Bình sang, định cư tại đây từ 600 - 700 năm trước, truyền thống văn hóa được gìn giữ, lưu truyền qua bao thế hệ. Theo phong tục của dân tộc mình, họ gọi thôn Dy với cái tên thân thương - Mường Dy.

Đêm về, trong sương mờ lảng bảng, người dân quây quần bên bếp lửa, cùng nhau nâng chén rượu trò chuyện tâm tình, gắn tình đoàn kết, thân ái và cất lời ca tiếng hát. Điều thú vị ở thôn Dy là người dân không chỉ đẹp trai, xinh gái hơn mức bình thường, mà còn có năng khiếu hát hay, múa dẻo.

Anh Đinh Văn Năng buổi chiều còn tay năm, tay mười xô vữa đường bay nhịp nhàng thì buổi tối bỗng hóa thành một tay đàn cự phách, bay bổng với những điệu nhạc mường say đắm. Chị Chín lúc sáng còn chân lấm, tay bùn cấy mạ, đêm tất niên cất tiếng ca ngọt ngào như ca sỹ… Đội văn nghệ, Đội cồng chiêng của thôn Dy từng tham gia dự và đạt các giải cao của huyện, TP. Hà Nội và được vào biểu diễn tại Tây Nguyên. 

2.

Đến với thôn Dy dịp Tết cổ truyền, không thể bỏ qua cỗ lá người Mường. Tết năm nay ở xóm Gốc Đa cũng vậy. Một chú lợn rừng nuôi được mổ từ sáng sớm, chế biến thành các món ăn, bày biện trên cỗ lá. Mâm cỗ Mường tất niên được bày theo hình tròn, trong cùng là lòng, tim, gan, dồi đã luộc chín, xung quanh là thịt rọi, thịt nạc, thịt nướng sả... mang ý nghĩa trời đất giao hòa để bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên đã mang đến cho làng bản cuộc sống ấm no.

Gọi là cỗ lá vì được bày trên mâm trải lá chuối hơ lửa cho thơm mùi sơn cốc, gắn với quan niệm về thế giới người sống và thế giới người chết, thường gọi là Mường Sáng và Mường Tối hay Mường Ma. Khi bày mâm cúng, ngọn lá chuối hướng ra ngoài và khi thụ lộc thì ngọn lá chuối hướng vào trong…

Ẩm thực ở thôn Dy không chỉ có cỗ lá, cơm lam, gà nướng, cá nướng, mà còn có những món mà du khách phương xa ghé thăm thưởng thức một lần không bao giờ quên, đó là cua suối nấu chuối, ốc rừng hấp. Những con cua chắc nịch, đen bóng được bắt từ những con suối trong vắt chảy từ đỉnh núi, bỏ luôn vào nồi, xắt lát một cây chuối rừng nhỏ, đổ nước suối vào, thêm tý muối sẽ trở thành món ẩm thực không thể nào quên.

Nếu may mắn, bạn sẽ được thưởng thức món ốc núi hấp lá bưởi. Ốc núi Ba Vì chỉ có vào tháng 5, tháng 6 hằng năm, khi mưa đã tắm táp núi rừng Ba Vì. Ốc núi sống trong các kẽ đá, bờ suối suốt những tháng mùa đông lạnh giá, đầu mùa hè, khi mưa xuống, mới bò ra kiếm ăn là các loại rêu, rau, thảo dược quý. Mùa hè còn là thời gian chúng tích lũy nhiều loại dưỡng chất để chuẩn bị cho mùa sinh sản mới, nên thịt ốc ngon và béo, rất khó quên.

Ở thôn Dy còn có một đặc sản ít người biết là gạo Dy. Hạt gạo Dy nhỏ, thuôn tròn, thơm ngậy, được nuôi dưỡng từ những mảnh ruộng ngay dưới chân núi Ba Vì, tưới tắm từ dòng suối mát lành rất ngon dẻo. Miến dong thôn Dy dẻo, trong, thơm mát cũng là một đặc sản rất được ưa chuộng.

3.

Đến thôn Dy dịp Tết, bạn sẽ bắt gặp những vườn đào nở rộ lưng chừng núi, thoai thoải mênh mang những vườn chè xanh mướt, những hàng ban tím khoe sắc ven đường. Thôn Dy còn có thác Tiên hoang sơ như dải lụa trắng vắt trên sườn núi. Các cụ kể rằng, thác Tiên là nơi công chúa Ngọc Hoa, con gái của Vua Hùng thứ 18, vợ của Thánh Tản Viên Sơn Tinh từng tắm.

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Không chỉ có những huyền tích, thắng cảnh, ẩm thực, văn hóa độc đáo, đa dạng, thôn gốc Đa còn có những câu chuyện thật đẹp như cổ tích. Đó là chuyện về gia đình bác Nguyễn Ngọc Sáng - Đinh Thị Miên. Bác Sáng và anh trai bác Miên là bạn học với nhau từ nhỏ, lên lớp 10 thì cả hai cùng viết huyết thư xin đi bộ đội, dù đều là con trai độc nhất trong nhà.

Chiến tranh biên giới năm 1978-1979, nằm trên chốt, đôi bạn hẹn thề cùng nhau: “Thằng nào còn sống trở về thì lấy em gái của thằng kia, chăm sóc mẹ già thay nhau”. Rồi anh trai bác Miên hy sinh trên chốt, bác Sáng ôm ảnh đồng chí, đồng đội trở về thực hiện lời thề lấy bác Miên, ở rể tại thôn gốc Đa, chăm sóc mẹ già thay bạn.

Thôn Dy nằm trong vùng di tích đậm đặc của núi thiêng Ba Vì - nơi ngự của Thánh Tản Viên với 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Hạ, Đền Trung (Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách về thăm quan chiêm bái), cách Khu di tích lịch sử K9 và Đền thờ Bác Hồ linh thiêng chỉ 2 km.

Với không khí trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp, gần nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh, thôn  Dy như một “người đẹp ngủ trong rừng” hội tụ đủ yếu tố để có thể trở thành một địa điểm du lịch sinh thái văn hóa tâm linh. Nếu được như vậy, cuộc sống của người dân ở đây sẽ đổi thay, mở sang trang mới. 

Ở tiệc tất niên năm nay, xóm gốc Đa đã cùng nhau bàn bạc, thảo luận, thống nhất việc cùng nhau xây dựng, gìn giữ môi trường, bảo vệ rừng bằng việc không chặt phá rừng, không săn bắn thú rừng. Ra Giêng, sau Lễ hội Đền Hạ, bà con sẽ cùng nhau lên rừng trồng cây.

Một cái tết bình yên, vui tươi, ý nghĩa, chứa chan niềm hy vọng đang đến với xóm nhỏ dưới chân núi Ba Vì…

Dưới đây là những hình ảnh đón tết ở xóm gốc Đa, thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội vào tháng 1/2021:

Gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết.
Gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết
Dựng cây đu, cây còn bằng tre.
Dựng cây đu, cây còn bằng tre
Trông bánh chưng chờ trời sáng, nướng ngô khoai, chuyện trò bên bếp lửa ấm cúng.
Trông bánh chưng chờ trời sáng, nướng ngô khoai, chuyện trò bên bếp lửa ấm cúng
Với bánh chưng, ép rền bánh và treo lên chờ bánh ráo.
Với bánh chưng, ép rền bánh và treo lên chờ bánh ráo
Mổ lợn, pha thịt làm cỗ lá kiểu mường.
Mổ lợn, pha thịt làm cỗ lá kiểu mường
Làm cỗ tết Tất niên.
Làm cỗ tết Tất niên
Tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi cho bà con.
Tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi cho bà con
Lũ trẻ con say mê chơi đu, ném còn.
Lũ trẻ con say mê chơi đu, ném còn
Các cháu mải chơi vui đến tận đêm khuya.
Các cháu mải chơi vui đến tận đêm khuya
Ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì trao phần thưởng cho đội bóng chuyển hơi chiến thắng.
Ông Nguyễn Mạnh Thước, Phó chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì trao phần thưởng cho đội bóng chuyển hơi chiến thắng
Ông Lê Ngọc Hoa tặng phần thưởng cho đội ném còn xuất sắc.
Ông Lê Ngọc Hoa tặng phần thưởng cho đội ném còn xuất sắc
Ông Nguyễn Ngọc Sáng trao phần thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc trong ném còn.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng trao phần thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc trong ném còn
Cả thôn cùng nhau quây quần thưởng thức cỗ lá Mường Dy, chuyện trò, giao lưu.
Cả thôn cùng nhau quây quần thưởng thức cỗ lá Mường Dy, chuyện trò, giao lưu
[Infographic] Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người lao động được nghỉ 7 ngày, từ 10/2 đến 16/2/2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư